1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bài 10 - vụ lao động VN bị đánh ở Algeria:

Simco Sông Đà ứng trước 80.000 USD đưa lao động VN về nước.

(Dân trí) - Ngay sau việc 13 trong số 57 lao động VN bị hành hung ở Algeria về sân bay Nội Bài chiều 17/11. Nhiều câu hỏi đặt ra: Tại sao người lao động bị bỏ đói khi chờ đợi chuyến bay, số phận những lao động VN còn lại ở Algeria, việc thanh toán tiền bồi thường 1.700 USD…

Nhóm lao động VN vừa xuống sân bay chiều 17/11
Nhóm lao động VN vừa xuống sân bay chiều 17/11

Về nhà là sống rồi!

Vừa xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội), anh Nguyễn Khắc Đức, 49 tuổi, quê ở Thạch Thất, Hà Nội, mới dám khẳng định: “Tôi sống rồi”. Nỗi lo lắng của anh Nguyễn Khắc Đức cùng hơn 10 đồng nghiệp trên suốt chuyến bay có cơ sở.

“Tại sân bay ở Dubai, chúng tôi phải chờ mất 7 tiếng, thất lạc người mất hơn 10 tiếng. Về đến Bangkok chờ mất 18 tiếng đồng hồ chờ. Nhóm chúng tôi làm gì còn đồng nào. Tất cả nhịn đói từ chiều qua khi xuống máy bay ở Thái Lan. Khi lên máy bay mới được ăn. Anh em thấp thỏm lo lắng không biết có về được VN hay không?” - anh Nguyễn Khắc Đức nói.

Trong khi đó, bên cạnh nỗi lo bị đánh đập, người lao động cũng không có thể thu nhập. Anh Nguyễn Hữu Tới (Ba Vì, Hà Nội) cho biết:“4 tháng nay chúng tôi không có đồng lương nào cả. 1 tháng đầu, người nào nhiều nhất thì được 6 triệu đồng gửi về nhà. Chỉ có vậy thôi”.

Cùng chia sẻ quan điểm này, anh Trần Xuân Thắng (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) nói: “Được về là mừng lắm rồi, ở lại thêm ngày nào là sợ ngày đấy. Nhiều ngày mà họ dọa đánh, cắt cơm, cắt tiền, không cho ăn, nghỉ thì trừ lương. Cuộc sống quá vất vả, lương thì không có, nguy cơ bị đánh đập thường xuyên”.

Ngay tại sân bay Nội Bài, chị Lưu Thị Hoàng vợ của lao động Nguyễn Hữu Hạnh, chia sẻ với báo chí: "Từ ngày nghe tin chồng tôi bị chủ dọa đánh, chúng tôi không có gì mong muốn hơn là đưa chồng về nước".

Lao động Nguyễn Khắc Đức chia sẻ với báo chí
Lao động Nguyễn Khắc Đức chia sẻ với báo chí

Ứng trước 80.000 USD bồi thường

Tối 17/11, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông ông Đỗ Văn Hải - Phó giám đốc Trung tâm XKLĐ số 3 (SIMCO Sông Đà) - người đã sang Algeria hơn 1 tháng để giải quyết vụ việc.

Lý giải việc tại sao không về cùng với đoàn lao động và để xảy ra tình trạng lao động phải chờ quá lâu trong cac chuyến bay nối tuyến, ông Đỗ Văn Hải cho biết: “Vé của tôi đặt khứ hồi từ trước. Trong khi đó, nhóm lao động do mua vé sau nên đi theo tuyến khác về VN. Để tránh tình trạng như trên, các chuyến bay tới chúng tôi sẽ mua vé nối chuyến và người lao động chỉ quá cảnh tại một sân bay”.

Trả lời câu hỏi về dư luận cho rằng: Phía nhà thầu Trung Quốc đang giữ lao động VN còn lại do chưa có tiền bồi thường, ông Đỗ Văn Hải cho biết: “Lao động VN về nước phải kéo dài thành nhiều đợt. Vì chờ nhà thầu Trung Quốc thực hiện xong thủ tục giải trình, xin hủy thẻ lao động với cơ quan chức năng của Algeria. Do lao động về trước hạn đăng ký”.

Nụ cười hiếm hoi của lao động khi biết chắc mình đã về tới quê hương.
Nụ cười hiếm hoi của lao động khi biết chắc mình đã về tới quê hương.

"Với 13 lao động về nước hôm 17/11, phía nhà thầu Trung Quốc đã làm xong thủ tục và Cty thanh toán tiền bồi thường. Những người còn lại sẽ được chia thành 2 đoàn: Đoàn tiếp theo về nước ngày 20/11, đoàn cuối cùng về ngày 25/11. Mỗi lao động xuống sân bay sẽ được công ty hỗ trợ 1 triệu đồng mua vé về quê" - ông Đỗ Văn Hải nói

Về số tiền bồi thường, ông Đỗ Văn Hải nói: “Trước mắt, doanh nghiệp sẽ ứng tiền để chi trả. Doanh nghiệp sẽ có báo cáo với Cục Quản lý lao động ngoài nước về phương án giải quyết. Thực ra, số tiền doanh nghiệp chi cho mỗi lao động là khoảng 2.400 USD, gồm 1.700 USD tiền bồi thường và tiền vé máy bay về nước”.

Dự kiến số tiền Simco Sông Đà tạm ứng cho công ty Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) - chủ thầu tại Algeria - về việc bồi thường là hơn 80.000 USD.

Khi được hỏi về số tiền mỗi lao động nộp trước khi xuất cảnh là khoảng 47 triệu đồng. Ông Đỗ Văn Hải cho biết, số tiền trên để chi phí cho môi giới, tiền làm visa, tiền tuyển dụng… “Khoản tiền này mới chi hết một số nội dung. Trên phương án thanh lý, chúng tôi sẽ trình với Cục Quản lý lao động ngoài nước theo đúng quy định pháp luật”.

Ông Đỗ Văn Hải cũng cho biết thêm, đa số lao động đều có nhu cầu đi tiếp thị trường khác, doanh nghiệp sẽ cân đối lại xem xét. “Dự kiến ngày 16/12, công ty sẽ có phương án thanh lý với người lao động”.

Cục Quản lý lao động ngoài nước: “Đợt cuối cùng về nước là ngày 25/11”.

Sau khi nhóm lao động VN đầu tiên về nước an toàn, ông Phạm Viết Hương – Cục Phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cung cấp thêm thông tin tới PV Dân trí. Theo đó, 50/57 lao động VN ở Algeria về nước, chỉ có 7 lao động tiếp tục ở lại làm việc.

Đồng thời, Công ty Simco Sông Đà sẽ cam kết lộ trình giải quyết vụ việc trước 30/11. Đợt cuối cùng lao động về nước là ngày 25/11.

Về việc thanh lý với người lao động, Cục chỉ đạo công ty xây dựng phương án thanh lý hợp đồng. Theo đó, việc bồi thường sẽ căn cứ theo quy định pháp luật, nội dung hợp đồng và trách nhiệm cụ thể của các bên trong sự việc.

“Trước hết, người lao động nào có nhu cầu đi làm việc tiếp ở nước khác thì công ty tạo điều kiện. Còn không đi thì thỏa thuận hai bên. Qua sự việc này, Cục sẽ xem xét lại trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đưa đi cũng như các hợp đồng” - ông Phạm Viết Hương nói.

Hoàng Mạnh