“Siêu bác sĩ” của những ổ cứng

Anh đã chọn con đường đầy khó khăn, chưa ai khai phá, chưa biết đích đến, để ngày hôm nay trở thành một chuyên gia về khôi phục dữ liệu và được rất nhiều người biết đến. Nếu như cấp cứu dữ liệu đã phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, thì tại Việt Nam, dịch vụ này vẫn còn khá mới mẻ.

Căn nhà của anh Nguyễn Thế Dũng ở ngõ Hồ Dài (Khâm Thiên, Hà Nội), như lãnh địa của một hacker chuyên nghiệp với nhiều thiết bị hiện đại trị giá lên tới 20.000 USD. Đó chính là nơi anh tiến hành "cấp cứu" cho những ổ cứng bị mất dữ liệu quan trọng.

 

Sống với ổ cứng

 

Nói như thế thật không ngoa bởi la liệt trong phòng lab của anh toàn là ổ cứng. Anh cho biết: "Có ngày tôi nhận được đến hàng chục ca yêu cầu phục hồi dữ liệu. Nói chung, tôi gắn bó với ổ cứng như khách hàng hay bệnh nhân của mình".

 

Phần mềm hồi phục dữ liệu hoàn toàn có thể "trị" được những trường hợp mất dữ liệu do virus, format nhầm..., nhưng đối với các ổ cứng đã bị chết cơ (do va đập, "dính" nước, hóa chất...) thì phải những chuyên gia như anh Dũng cùng sự hỗ trợ của thiết bị chuyên dụng mới xử lý được. Mỗi ngày, trung bình anh phải "ngồi đồng" trước máy tính 12-16 tiếng. "Để làm được nghề này, tôi phải rèn luyện cho mình sức khỏe và sự kiên trì. Gặp những ca khó, không hiếm trường hợp tôi phải làm việc suốt 2 ngày 2 đêm!" - anh tâm sự.

 

Thông thường, khi nhận ổ cứng, anh sẽ kiểm tra và báo lại khách hàng những thư mục có thể cứu được. Nếu khách hàng đồng ý cứu những thông tin nào thì anh chỉ tính tiền theo thông tin đó. Thường là anh sẽ cứu được đến 95% thông tin, tất nhiên cũng sẽ có trường hợp đành "bó tay". Tùy theo độ khó và lượng thông tin cần cứu, giá có thể từ vài trăm nghìn đến tiền triệu. Cũng có trường hợp cực khó, thời gian phục hồi kéo dài hàng tháng, thì giá có thể lên đến chục triệu.

 

Có lần, tài liệu 6 năm sưu tầm và cả những công trình nghiên cứu trong laptop của một SV ĐH Y bị mất sạch ngay trước khi bảo vệ. Hốt hoảng, SV này đã phải cầu cứu bạn bè, và may mắn biết đến anh Dũng. Nửa đêm, cậu ta gọi điện đến, đề nghị anh làm ngay để trưa hôm sau phục hồi lại dữ liệu kịp bảo vệ luận án. "Mặc dù trước đó đã làm việc căng thẳng trong vài ngày, tôi đã nhận lời, thức trắng đêm đó để làm giúp cậu SV đó và ... không lấy tiền". Giải thích về lý do chữa miễn phí, anh nói: "Thứ nhất, cậu ta là SV nên nghèo. Thứ hai tôi tin chắc rằng cậu ta sẽ trở thành một bác sĩ đầy tài năng, có thể cống hiến nhiều cho xã hội sau này."

 

Ước mơ đắt giá

 

Để có được ngày hôm nay, anh Dũng đã phải trả giá đắt theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tốt nghiệp trường ĐH Kinh tế, anh bươn chải kiếm sống bằng nghề lắp đặt, sửa chữa máy vi tính. Đến năm 1999, khi người dùng máy vi tính nhiều hơn, người đến hỏi anh cách để phục hồi lại dữ liệu máy tính đông hơn khiến anh chú ý đến lĩnh vực rất hẹp mà ít người nghĩ tới này.

 

Sau khi tìm hiểu, anh quyết định dành hết thời gian, tiền bạc, sức lực để theo đuổi, bởi anh biết đây là một nghề sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai, hơn nữa anh lại rất đam mê máy tính. Mang hết số tiền sau bao năm trời dành dụm, cùng với tiền của một Mạnh Thường Quân giúp đỡ, anh quyết định "bén duyên" với nghề. Qua người quen bên Mỹ, anh đặt mua sách báo, rồi tìm tài liệu trên mạng. Tài liệu bằng tiếng Anh, khiến anh phải nỗ lực rất nhiều trong vòng 6 tháng mới lĩnh hội được những khái niệm cơ bản nhất.

 

Ở Việt Nam chưa có tài liệu chính thống về nghề, anh đã dành hơn 1 năm để theo một khóa học của một hãng chuyên về lĩnh vực này tại Mỹ. "Thời điểm đó, quyết định dành 16.000 USD để đầu tư quả là "đòn cân não" với tôi. Số tiền ấy tôi dành mua một vài thiết bị tối thiểu ban đầu để hoạt động, rồi còn lại để chi phí visa, đi lại, ăn ở bên Mỹ" - anh Dũng nhớ lại. Với số tiền ấy, anh có thể lập ra một công ty, hay một cửa hàng, rồi túc tắc làm ăn, sẽ đỡ vất vả hơn nhiều.

 

Anh dự định sẽ thành lập công ty chuyên về lĩnh vực này. Điều trăn trở nhất với anh không phải là đầu tư về trang thiết bị mà là nhân viên: "Tôi sẵn sàng truyền lại kinh nghiệm cho những người có năng lực và quyết tâm theo đuổi lĩnh vực mới mẻ này. Đây là nghề có nhu cầu lớn trong tương lai. Hơn nữa, nghề có hàm lượng chất xám cao nên thu nhập sẽ cao, mang lại nhiều lợi ích cho chính bạn và cộng đồng" - anh cho biết. Hiện, anh Dũng đang liên hệ với một số trường nghề để thực hiện mơ ước này.

 

Theo Minh Hiếu - Tất Thảo

Lao Động