Sao nghề công chức lúc nào cũng 'hot'?

Công việc nhàn hạ, ít áp lực, tràn trề cơ hội để xài đồ chùa là những ma lực vô cùng hấp dẫn đối với công chức nhà nước, xưa nay chỉ có người xin ra khỏi biên chế chứ rất hiếm người bị chính những người ra quyết định tuyển dụng mình sa thải.

Nước Mỹ với diện tích gần 10 triệu cây số vuông, 315 triệu dân, quản lý khối lượng GDP khổng lồ 16.000 tỷ USD, nhưng chỉ có 1 phó tổng thống và 1,8 triệu công chức. Anh quốc chỉ có khoảng 700.000 công chức.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng không thể không ngẫm và nghĩ đến nước ta. 90 triệu dân, với diện tích chỉ xấp xỉ 330 ngàn cây số vuông, GDP chỉ bằng 1,25% của Mỹ nhưng có đến 2,8 triệu công chức và hơn trăm thứ trưởng, chưa kể các hàm tương đương.

Những con số chuyển tải một thực tế rằng, công chức (nhân viên nhà nước nói chung) đang là một nghề “hot” nhất trong mọi ngành nghề ở VN. Vì sao vậy?

Động lực của tấm vé ‘biên chế’

Câu truyền một người làm quan, cả họ được nhờ lý giải phần nào xu hướng người Việt nhắm mục đích học không để hiểu biết, nâng cao dân trí mà học để… làm quan, đổi đời.

Các kỳ thi tuyển công chức luôn đông người đăng ký. Ảnh chụp tại ngày thi tuyển vào Bộ Nội vụ, tháng 1/2013. Ảnh: Lê Anh Dũng
Các kỳ thi tuyển công chức luôn đông người đăng ký. Ảnh chụp tại ngày thi tuyển vào Bộ Nội vụ, tháng 1/2013. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đó cũng là mong muốn chính đáng, nhưng ẩn sâu bên trong là một động lực ghê gớm khiến không ít người đeo bám bằng được một tấm vé mang tên “biên chế” làm cho bộ máy nhà nước liên tục phình ra khi quỹ lương ngày càng teo lại.

Hệ quả có một thế hệ chỉ muốn làm thầy, không ai chấp nhận làm thợ, và rõ ràng chính mục đích đó quyết định đến động lực vào nhà nước là để thỏa mãn nhu cầu cá nhân trước khi nghĩ đến việc sẽ phục vụ ai đó, công bộc của ai đó.

Không biết từ đâu và khi nào đã xuất hiện câu nói “tay cầm quyết định đời đời ấm no” khi nói về nghề công chức. Ấm no bởi dù có mưa gió bão bùng, động đất hay khủng bố gì chăng nữa nhà nước vẫn bao cấp cho công chức một mức lương “không thể chết”.

Rồi công việc nhàn hạ, ít áp lực, tràn trề cơ hội để xài đồ chùa là những ma lực vô cùng hấp dẫn đối với công chức nhà nước, xưa nay chỉ có người xin ra khỏi biên chế chứ rất hiếm người bị chính những người ra quyết định tuyển dụng mình sa thải.

Bởi, để sa thải một công chức là việc đầy khó khăn do phải theo quy trình vô cùng rối rắm, phải thông qua ngót chục cuộc họp, bàn, xét…từ địa phương đến trung ương, chưa kể thời hạn và thời hiệu xử lý kỷ luật là những “phút bù giờ” quý giá.

Bối cảnh kinh tế khó khăn, eo hẹp về cơ hội việc làm ở khu vực tư nhân khiến công việc trong khu vực nhà nước như một sự lựa chọn thượng sách của không ít bạn trẻ khi tốt nghiệp.

Mác công chức nhà nước được xem như là chiếc kén vô cùng kiên cố, thách thức mọi điều kiện trong khi những người lao động trong khu vực tư nhân vừa làm vừa nơm nớp lo mất việc.

Tâm lý này khiến không ít tài năng thui chột khi họ không dám đương đầu với thử thách để đón nhận cơ hội từ khu vực tư nhân, điều này xuất phát từ đặc tính cố hữu của con người và văn hóa phương Đông, luôn trọng tính ổn định, e ngại thử thách.

Theo tính toán, Việt Nam là một trong những nước có năng suất lao động thấp nhất thế giới, đến 2038 năng suất lao động của chúng ta mới bằng Philippines, năm 2069 mới bắt kịp Thái Lan, Malaysia có năng suất lao động gấp 6,6 lần Việt Nam hiện tại.

Khó có thể kết luận được rằng quyền lựa chọn công việc nào cho tương lai là sai hay đúng, tuy nhiên thực trạng xã hội đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự mất cân bằng trong bố trí nguồn lực lao động. Đây là một yếu tố không nhỏ cản trở sự phát triển của đất nước.

Theo Thạc sĩ Trương Khắc Trà/Báo Vietnamnet.vn