1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Rất dễ mất tài sản vào tay "người vận chuyển"

Nhờ có đội ngũ shipper (người vận chuyển hàng hóa), hoạt động thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh, đem lại nhiều tiện lợi cho người dân. Tuy vậy, hiện có không ít đối tượng đã lợi dụng dịch vụ này để thực hiện hành vi lừa đảo.


Dịch vụ giao hàng tận nơi mang lại khá nhiều thuận tiện cho người dân, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Dịch vụ giao hàng tận nơi mang lại khá nhiều thuận tiện cho người dân, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Lừa tiền, chiếm đoạt tài sản

Thời gian qua tại địa bàn Hà Nội, lực lượng công an đã bắt giữ, xử lý khá nhiều shipper, hoặc vờ tuyển shipper để lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Cách đây không lâu, CAP Láng Thượng (Đống Đa, Hà Nội) đã bắt giữ 2 đối tượng Lê Xuân Trường (SN 1993, ở Nam Định) và Hoàng Quốc Huy (SN 1992, ở Sơn Tây, Hà Nội).

Hai đối tượng này thường vào nhóm “Ship tìm người, người tìm ship” trên mạng xã hội facebook để nhận chuyển hàng hóa cho người có nhu cầu.

Tuy nhiên, khi nhận được hàng, 2 đối tượng không giao cho khách theo thỏa thuận mà mang đi bán để lấy tiền tiêu. Không dừng lại ở đó, 2 đối tượng còn vờ làm người có nhu cầu tuyển shipper, sau đó đưa ra những gói hàng đã được đóng kín cho người vận chuyển nhưng bên trong đó là một món hàng không có giá trị và yêu cầu họ đóng 1 khoản tiền đặt cọc.

Do tin lời đối tượng nên một số shipper đã đưa tiền cho chúng mà không biết rằng đã bị lừa. Với thủ đoạn này, Trường và Huy đã lừa được 6 người với tổng số tiền gần 20 triệu đồng. Hiện 2 đối tượng đã được bàn giao cho CAQ Đống Đa xử lý theo quy định.

Ngoài những thủ đoạn trên, có đối tượng còn lập nhiều tài khoản facebook cùng lúc, kèm theo đó là trang fanpage tuyển shipper. Sau đó, đối tượng này thu gom các món hàng rẻ tiền rồi đóng gói bọc bên ngoài các nhãn mác khá nổi tiếng. Khi các shipper liên lạc thì đối tượng đến các cửa hàng mỹ phẩm, quần áo… đứng chờ sẵn làm ra vẻ như chủ cửa hàng, yêu cầu shipper thanh toán tiền hàng và tiền đặt cọc trước. Sau khi lấy được tiền của shipper, đối tượng lập tức tắt điện thoại, hủy sim.

Là shipper đã từng bị lừa, Vũ Ngọc Hải - sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho biết, để có thêm thu nhập, Hải nhận chuyển hàng thêm ngoài giờ đi học. Số tiền mỗi lần chuyển hàng thành công chỉ từ 20.000-30.000 đồng/đơn hàng, nhưng cũng có những ngày Hải đi làm không những không công mà còn bị thiệt hại nặng.

“Bên bán đưa tôi một gói hàng đã được đóng kín và nói rằng đó là 1 chiếc ví hàng hiệu trị giá 1,2 triệu đồng. Họ yêu cầu tôi đặt cọc 400.000 đồng. Để tôi tin tưởng, họ còn trực tiếp gọi điện cho bên nhận hàng hẹn địa điểm, giờ giao hàng và đưa điện thoại để tôi nói chuyện. Thấy địa chỉ khá rõ ràng, tôi đã đồng ý đặt cọc và thực hiện giao dịch. Nhưng khi đến nơi tôi được chủ nhà cho biết họ không đặt hàng, còn gọi điện cho cả bên mua và bên bán thì điện thoại đều ngoài vùng phủ sóng” - Hải thở dài.

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Liên quan đến các vụ việc nêu trên, Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng CAP Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội cho rằng, thời gian qua, CAP Láng Thượng đã phát hiện 5 vụ liên quan đến shipper lừa đảo. Các đối tượng thường thông qua nhóm “Người tìm ship và ship tìm người” trên mạng xã hội facebook để thiết lập các giao dịch. Thực tế, đã có nhiều giao dịch thành công, mang lại công ăn việc làm cho các bạn học sinh sinh viên, giúp bên bán hàng tìm được người giao hàng thuận tiện, dễ dàng.

Tuy vậy, hoạt động này do diễn ra trên mạng nên cũng xuất hiện nhiều kẽ hở. Đó là việc người có nhu cầu nhận shipper thường dễ dãi trong tuyển người, không tìm hiểu kỹ nhân thân đối tượng cần thuê. Điều này dẫn đến tình trạng đối tượng lừa đảo vờ nhận là shipper để chiếm dụng hàng, tiền của khách.

Điều đáng nói là hầu hết các đối tượng lừa đảo đã có thời gian, kinh nghiệm làm shipper nên nắm khá rõ quy luật của công việc này, lợi dụng sơ hở để chiếm đoạt tiền và tài sản. Thủ đoạn của các đối tượng khá tinh vi, chúng thường xuyên thay đổi địa điểm hoạt động, dùng sim rác để liên lạc.

Do giao dịch diễn ra trên mạng nên việc phát hiện, xử lý đối tượng phạm tội gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, số tiền bị chiếm đoạt thường không lớn (từ vài trăm nghìn đến trên 1 triệu đồng) nên nạn nhân ngại trình báo tới cơ quan công an. Ngoài ra, việc xác định cơ quan có trách nhiệm thụ lý vụ việc cũng khá phức tạp…

Còn theo luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn luật sư Hà Nội, giao dịch trên mạng tuy là ảo nhưng là tiền thật, tài sản thật. Do vậy, để tránh rủi ro, trước khi quyết định thuê shipper, bên thuê cần tìm hiểu kỹ về lai lịch, giấy tờ tùy thân của họ. Hợp đồng thuê cần được lập thành văn bản với các điều khoản cụ thể. Quy trình giao nhận tài sản phải rõ ràng về địa điểm, thời gian. Khi phát hiện người giao hàng có biểu hiện lừa đảo, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cần đến cơ quan công an gần nhất trình báo.

Cũng theo luật sư Hồng Vân, hành vi của các đối tượng trên có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 500.000 đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 500.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Người nào có một trong những hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 1 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 1 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-3 năm.

Theo An ninh Thủ đô