1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quay cuồng với nỗi lo vắng người giúp việc về quê ăn Tết

Năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên khi Tết Nguyên đán về, nhiều giúp việc gia đình về quê ăn Tết, thì các gia chủ lại khốn khổ với trăm bộn bề công việc khi vắng bóng người giúp việc. Tình trạng “cháy” người giúp việc, buộc phải trả công cao trong những ngày Tết để mong có người giúp việc ở lại nhiều năm qua vẫn là nỗi lo canh cánh với nhiều gia đình.

Quay cuồng với nỗi lo vắng người giúp việc về quê ăn Tết - 1

Dịch vụ người giúp việc nhà luôn "căng" trong những ngày nghỉ Tết. Ảnh: HB

Khổ như nhà vắng “Ôsin”!

Anh Hoàng Hùng Mạnh (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Năm ngoái, giúp việc nhà tôi xin nghỉ sớm, vợ chồng tôi đi làm kinh doanh tự do nên không có lịch nghỉ sớm được. Vậy là trước Tết, hai vợ chồng cuống cuồng tìm người giúp việc theo ngày mà trầy trật khó khăn. Cận Tết, ông bà hai bên nội ngoại ở quê cũng bận nhiều công việc, vậy là hai vợ chồng đành ngậm ngùi chi mạnh tay cho dịch vụ giúp việc theo ngày. Có những hôm, các bác giúp việc “chạy sô” thì còn phải thuê theo giờ làm với giá cắt cổ mà hai vợ chồng vẫn phải cố gắng sắp xếp thời gian đưa đón và trông con những lúc bác giúp việc không thể tới. Không những thế, người giúp việc của gia đình lại có việc đột xuất nên tới mùng 8 Tết mới lên. Sau Tết, phải đi làm sớm, hai vợ chồng lại phải lo tìm người giúp việc thời vụ. Thật sự, đến giờ tôi vẫn cảm thấy như cơn ác mộng kinh hoàng. Năm nay, bà giúp việc lại xin nghỉ sớm, hai vợ chồng tôi cũng đang chưa biết xoay xở thế nào”.

Gia đình anh Nguyễn Hồng Hà ở khu tập thể Đại học Sư phạm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có 6 thành viên. Ngoài hai vợ chồng và 2 đứa con sinh đôi chưa đầy 5 tháng còn cha mẹ già năm nay đều đã ngoài 80 tuổi. Những ngày thường gia đình anh phải thuê người giúp việc quanh năm do công việc cả hai vợ chồng đều bận rộn. Tết này, nỗi lo lớn nhất của hai vợ chồng trẻ không phải là tiền lương thưởng ít mà là tìm cho được người giúp việc chịu ở nhà mình đến ngày cuối cùng của năm cũ.

Bạn bè thương vợ chồng anh cũng mách nhiều mối giúp việc nhưng anh đều thử và thấy không ăn thua. Tết này, hai vợ chồng anh Hà lại rơi vào tình trạng như nhiều gia đình khác là bị “loạn nhà” do quá nhiều việc đến tay hai vợ chồng.

Cùng hoàn cảnh với gia đình anh Hà, chị Mai Anh ở khu đô thị Mỹ Đình 2 cũngsốt sắng tìm người trông con trong mấy ngày Tết. Hai vợ chồng quê ở Nghệ An nhưng công tác tại Hà Nội. Tết mọi năm, cả hai đều thu xếp về quê thăm gia đình họ hàng từ ngày 28 đến mùng 3 mới ra. Tuy nhiên, năm nay do mới sinh con nên việc về quê đón Tết là bất khả kháng nếu không có người giúp việc.

Không muốn bị động do vắng “Ôsin” như vậy, nên trước kỳ nghỉ Tết, gia đình chị Nguyễn Nguyệt Nga (Cầu Giấy, Hà Nội) đã nhanh nhẹn liên hệ với rất nhiều trung tâm giúp việc để trợ giúp.

Chị Nga tỏ ra có kinh nghiệm, chia sẻ: “Đến bây giờ mà không lo tìm được mấy người giúp việc trước dịp nghỉ Tết thì đến Tết chỉ có mà quay như chong chóng. Bởi vì Tết đến, đa phần người giúp việc xin về quê nghỉ ăn Tết, người ở lại Thủ đô làm thời vụ theo ngày, theo giờ rất hiếm. Nếu không thuê nhanh, không đặt cọc tiền thì hai vợ chồng với hai đứa con nhỏ không làm sao mà xoay xở được. Huống hồ, vợ chồng nhà mình lại phải đi làm đến giáp Tết mới được nghỉ. Tôi rút kinh nghiệm nghỉ Tết mấy năm trước, dù mới có đứa con gái đầu lòng nhưng quá nhiều việc đến tay khi bà giúp việc về quê khiến tôi cảm thấy nghỉ Tết mà chẳng khác nào cực hình. Thực sự, giúp việc ngày Tết là một nỗi ám ảnh lớn với cá nhân tôi nên bây giờ, với bạn bè hay người quen, tôi đều là người mách nước và khuyên bảo trong chuyện thuê giúp việc ngày Tết”.

Khó tìm người khi giá công cao ngất ngưởng

Dạo quanh thị trường việc làm, nhất là giúp việc nhà Tết tại thời điểm trước kỳ nghỉ Tết, có thể nhận thấy một điều các trung tâm cung ứng dịch vụ giúp việc gia đình khá đắt khách. Khảo sát giá cả tại một số trung tâm được biết, mức trung bình 100 nghìn đồng/giờ và 200 nghìn đồng/ngày, ngày Tết 150 nghìn đồng/giờ và 500 nghìn đồng/ngày. Riêng các ngày từ 29 đến mùng 2 có nơi báo giá 150 nghìn đồng/giờ và 700 nghìn đồng/ngày. Giá này được chủ một trung tâm ở quận Tây Hồ cho hay: “Giá này mới chỉ áp dụng bằng sàn so với các năm trước. Còn trong mấy ngày tới, mức giá này thậm chí có thể tăng vọt lên gấp nhiều lần theo nhu cầu của người dân. Do đó, đây chỉ là mức giá để tham khảo”.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, thời điểm cuối năm, giá dịch vụ giúp việc gia đình luôn tăng do cung không đủ cầu. Việc tăng phí môi giới cũng là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, yêu cầu công việc của mỗi gia đình là khác nhau, không có định mức cụ thể, nên chi phí cho giúp việc ngày Tết cũng khác nhau. Các gia đình có thể hạn chế được mức phí dịch vụ môi giới bằng cách liên hệ sớm với các trung tâm uy tín, lựa chọn gói dịch vụ phù hợp, thỏa thuận rõ ràng, tránh trường hợp “nước đến chân mới nhảy”.

Thông thường, các gia đình và giúp việc thường tìm đến nhau qua sự giới thiệu của người quen. Yêu cầu đối với công việc chỉ thỏa thuận miệng chứ không có hợp đồng ràng buộc rõ ràng. Người giúp việc chưa được đào tạo, thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm với công việc, người sử dụng lao động lại không thực hiện những ràng buộc chặt chẽ về mặt pháp lý, thì những chuyện bi hài trên vẫn tiếp diễn.

Và mặc cho giá công có cao nhưng nhiều gia đình vẫn phải để thuê bởi không còn phương án nào khả thi hơn nữa. Nhiều gia đình cũng có tâm lý: ngày Tết ai cũng muốn quây quần bên gia đình, còn họ phải bỏ Tết để kiếm thêm thu nhập nên mức giá cao gấp mấy lần mình cũng đành chấp nhận. Không có họ thì mình cũng ôm việc không xuể.

Theo Báo Thanh Tra