Quảng Nam: Hơn 1.000 công nhân lãng công vì “lương nhận được không rõ ràng”

(Dân trí) - Sáng 9/7, tại Khu công nghiệp Tam Thăng (TP Tam Kỳ, Quảng Nam), hơn 1.000 công nhân của Công ty Dệt may Panko Tam Thăng đã tổ chức đình công tập thể để yêu cầu lãnh đạo công ty làm rõ một số yêu cầu mà công nhân đang thắc mắc.

Theo phản ánh của các công nhân, Công ty Panko Tam Thăng thông báo tuyển dụng với mức lương bình quân 4 triệu đồng/tháng/công nhân. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ ký túc xá, phục vụ bữa ăn trưa miễn phí tại công ty, được hưởng các chế độ bảo hiểm theo quy định.

Các công nhân lãng công
Các công nhân lãng công

Tuy nhiên, tháng đầu tiên thử việc, nhiều công nhân chỉ nhận được 2,7 triệu đồng. Khi ký hợp đồng chính thức công nhân được trả với mức lương 3,1 triệu đồng/tháng, thời gian làm việc ngày làm 8 tiếng đồng hồ.

Sau khi trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội, công nhân chỉ thực nhận 2,9 triệu đồng. Nhiều công nhân cho rằng đây là cách tuyển dụng một đằng nhưng trả lương một nẻo của Công ty Panko Tam Thăng.

Không vừa lòng với chính sách của công ty đưa ra, ngày 10/6 vừa qua, công nhân nghỉ việc 1 ngày để phản đối và được lãnh đạo công ty tiếp nhận và hứa sẽ khắc phục.

Nhưng đến ngày 8/7, khi công nhân nhận lương thì vẫn tình trạng “lương y như tháng trước”, không điều chỉnh tăng lên theo thông báo tuyển dụng. Ngoài ra, nhiều công nhân còn cho rằng phía công ty không thực hiện đúng cam kết về chất lượng bữa ăn trưa của công nhân. Đến sáng ngày 9/7, hơn 1.000 công nhân tổ chức đình công tập thể.

Bản tuyển dụng bên ngoài công ty
Bản tuyển dụng bên ngoài công ty

Để tìm hiểu rõ vụ việc, PV tìm cách liên lạc với lãnh đạo Công ty này nhưng không gặp được ai. Các công nhân cũng mong chờ được gặp lãnh đạo công ty để nói chuyện.

Đến khoảng 10h cùng ngày, lực lượng Công an Quảng Nam đã được huy động để giữ gìn trật tự. Phòng LĐTB&XH TP Tam Kỳ đã cử đại diện đến lắng nghe, tiếp thu ý kiến của công nhân để có hướng giải quyết cho phù hợp với lợi ích của cả hai bên. Các công nhân cho rằng nếu phía công ty không giải thích rõ những thắc mắc của họ thì việc đình công sẽ còn tiếp tục.

Được biết, Công ty Dệt may Panko Tam Thăng thuộc Tập đoàn Panko (Hàn Quốc), có vốn đầu tư 70 triệu USD, mỗi năm sản xuất 24.000 tấn sản phẩm dệt, 24.000 sản phẩm nhuộm, 75 triệu sản phẩm may và 30 triệu sản phẩm phụ liệu. Đây là công ty dệt may lớn nhất tại Quảng Nam dự kiến sẽ có khoảng 15.000 lao động làm việc nhưng hiện có hơn 2.000 công nhân làm việc tại 3 phân xưởng.

Công Bính

Đồng Nai: Gần 15.000 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo TT DVVL Đồng Nai (Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai), tới thời điểm này đã có gần 15.000 lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Điều đáng nói là tâm lý ngại học nghề đã phát sinh trong nhiều người lao động đăng ký hưởng BHTN.

Quảng Nam: Hơn 1.000 công nhân lãng công vì “lương nhận được không rõ ràng” - 3

Về nguyên nhân, khảo sát của TT DVVL Đồng Nai cho thấy, trình độ tay nghề còn thấp của người lao động là nguyên nhân chính khiến không tìm được việc làm ổn định với thu nhập cao. Đa số lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp ở Đồng Nai là người chưa qua đào tạo, làm các nghề như may mặc, giày da. Trong số gần 15.000 lao động thất nghiệp, chỉ có 650 người đăng ký học nghề và hơn 400 người thực học, gần 140 lao động chỉ tham gia học nghề được một vài tháng rồi bỏ. Theo nhiều lao động phản ánh, dù được đào tạo nghề nhưng khi vào doanh nghiệp làm việc vẫn nhận lương như lao động chưa học nghề. Ngành học không đa dạng, chưa phù hợp với thực tế, lao động không chắc chắn sau khi học sẽ tìm được việc làm phù hợp. Theo lãnh đạo TT DVVL Đồng Nai đánh giá, tình trạng ít người học nghề là thực trạng chung ở các tỉnh Đông Nam Bộ. Một trong những nguyên nhân là do số tiền hỗ trợ chưa hấp dẫn, ngành nghề đào tạo chưa đa dạng, thời gian hỗ trợ chỉ tối đa là 6 tháng. Nhiều lao động còn chưa hiểu hết lợi ích của việc học nghề. TT kiến nghị Nhà nước đa dạng ngành nghề dạy và hỗ trợ giúp lao động tìm được việc làm với thu nhập cao hơn khi chưa học nghề.

N.L

86% lao động dệt may Việt Nam có nguy cơ mất việc

Trong hai thập kỷ tới, 86% số công nhân của ngành dệt may, da giày sử dụng nhiều lao động là hai ngành bị đe dọa nhiều nhất về việc làm vì xu hướng tự động hóa. Đây là nhận định tại cuộc đối thoại chính sách việc làm “Việt Nam cần làm gì để đáp ứng được thay đổi về công nghệ và nhu cầu kỹ năng lao động” do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức sáng 13.12 tại Hà Nội.

Quảng Nam: Hơn 1.000 công nhân lãng công vì “lương nhận được không rõ ràng” - 4

Theo đó, các công nghệ như: in 3D , công nghệ nano, tự động hóa robot... chính là biến chuyển lớn, bởi robot ngày càng lắp ráp tốt hơn, rẻ hơn, tăng khả năng hợp tác với con người. Tại hội thảo, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, ứng phó với thay đổi về công nghệ không phải là việc của riêng ai. Người lao động cần tăng cường nhận thức, có ý thức rèn luyện kỹ năng mới để đáp ứng được xu thế mới, xác định tâm thế học để không bị động trước những biến đổi về công nghệ. Đại diện Tổng LĐLĐVN cũng khẳng định việc tăng tốc hơn nữa chương trình nâng cao kỹ năng và tay nghề của người lao động. Thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cùng chịu những ảnh hưởng với công nhân Việt Nam là công nhân Indonesia với 64% và Campuchia với 88%. “Lợi thế giá nhân công không đủ để duy trì lâu dài. Công nhân cần được đào tạo để làm việc hiệu quả bên cạnh máy móc điện tử” - đại diện ILO khuyến cáo.

T.P