Phải chăng giáo dục đang trở thành một cái chợ (?!)

Hồi đầu năm học, câu chuyện về “cái lưng còng” của một bà mẹ khiến không ít người ám ảnh bởi sự đồng cảm. Chị là dân nhập cư thành phố, và chuyện lo học phí bắt đầu ngay khi 2 đứa trẻ bắt đầu nghỉ hè. “Lo gì mà có hôm ngủ mơ luôn. Ông chồng khều dậy hỏi, tui mắc cỡ hổng dám kể” - chị nói với PV một tờ báo.

Chi phí giáo dục, gồm cả học phí, và những khoản phi học phí, đang là nỗi ám ảnh ngay cả trong giấc mơ - không chỉ đối với người mẹ khốn khổ nọ.

Có người nhắc lại giáo dục thời chiến. Cho dù thiếu thốn trăm bề, nhưng chưa khi nào tuổi học trò bị ám ảnh bởi chuyện phải bỏ học vì không đủ tiền đóng!

Có người nói chi phí giáo dục đang trở thành một gánh nặng thực sự. Bởi như Tổng Thư ký Hội Khuyến học - GS-TS Phạm Tất Dong - “nói đến giáo dục, người dân nghĩ ngay đến việc đóng tiền, đến mọi khoản phí mà hầu như không ai thấy giáo dục là một phúc lợi xã hội cơ bản…”.

Và trước cái gánh nặng ấy, chẳng có gì ngạc nhiên khi ngay chính Bộ GDĐT, trong một kết quả công bố hồi tuần trước, thừa nhận rằng: “Tỉ lệ học sinh bỏ học ở 3 cấp tại ĐBSCL cao xấp xỉ 3 lần cả nước”.

Nguyên nhân, rất dễ nhìn thấy. “Kinh tế ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; tỉ lệ hộ nghèo cao so với thành thị, trong khi chi phí cho việc học là không nhỏ (khiến) nhiều em vì hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học đi làm phụ giúp gia đình…” - lời ông Võ Trọng Hữu - Vụ trưởng Vụ Văn xã, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.

Giáo dục không phải là bán hàng. Học phí không phải là điện, là xăng. Và đổi mới giáo dục, không phải là cứ căn cứ theo lạm phát mà định ra những mức tăng thường niên “hai con số” vượt xa lạm phát.

Hôm qua, trước vấn đề học phí mới mà nhiều trường “tự chủ” tăng ở mức 10%, một quan chức Bộ GDĐT sau khi viện dẫn đủ các loại văn bản giấy má, đã nói thế này: “Học phí mới không tác động lớn đến người học”. Và không tác động lớn vì học phí… vẫn tăng hằng năm.

Thật buồn trước cách nhìn nhận cắt đoạn ấy. Học phí không ảnh hưởng lớn. SGK không đáng là bao. Tiền đồng phục chỉ một lần. Quỹ thì là do phụ huynh tự nguyện. Máy lạnh để phục vụ chính học sinh… Chẳng cái gì tác động lớn cả. Toàn “tiền lẻ” cả. Nhưng phép cộng của những cái lẻ tẻ ấy chính là nỗi ám ảnh, ngay cả trong giấc mơ, là vấn nạn thất học - không chỉ ở Tây Nam Bộ. Phải chăng giáo dục, từ một phúc lợi chung - đang trở thành một cái chợ được quyết định tất tật bởi… không phải là tiền lẻ!

Đào Tuấn/ Theo Báo Lao Động