Ông giám đốc bị sa thải trái quy định được bồi thường hơn 900 triệu đồng

Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định của pháp luật, một công ty tại TP Vũng Tàu đã phải bồi thường số tiền hàng trăm triệu đồng cho người lao động.

Phiên tòa tranh chấp lao động
Phiên tòa tranh chấp lao động

Sa thải giám đốc

Ngày 3.6, TAND thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, đã tiến hành xét xử vụ kiện “đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” giữa công ty TNHH cơ khí hàng hải Vina-Offshoe (100% vốn nước ngoài; trụ sở đường số 5, KCN Đông Xuyên, phường Rạch Dừa, TP Vũng Tàu) và ông Đỗ Quang Chiến (41 tuổi) - nguyên Giám đốc nhân sự của công ty.

Theo trình bày của nguyên đơn - ông Đỗ Quang Chiến, năm 2007 ông Chiến được tuyển dụng vào làm việc ở bộ phận Hành chính nhân sự của công ty Vina-Offshoe. Từ năm 2011 đến năm 2013, công ty bổ nhiệm ông Chiến giữ chức vụ Trưởng phòng hành chính nhân sự và ký kết hợp đồng không thời hạn với công ty. Cuối năm 2014, ông Chiến tiếp tục được công ty tăng lương và bổ nhiệm chức vụ Giám đốc nhân sự. Ngoài ra, công ty Vina-Offshoe cũng giao cho ông Chiến làm trưởng phòng quản lý cảng, quản lý tổ sửa chữa, bảo trì…

Đầu năm 2015, công ty Vina-Offshoe được chuyển nhượng cho chủ sở hữu mới. Ngày 26.5.2015, ông Chiến bất ngờ nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng lao động số 06/2015/QĐ –VNO do ông Yap Hoon Hong (Tổng giám đốc) ký. Vina-Offshoe đưa ra lý do thay đổi cơ cấu, tổ chức lại lao động, tiến hành sát nhập phòng Hành chính nhân sự vào phòng Tài chính, vì vậy, công ty không sắp xếp được việc làm cho ông Chiến nên công ty cho ông Chiến tạm ngừng công việc đến hết 45 ngày và sẽ trả đủ lương 45 ngày đó.

Cho rằng công ty lấy lý do thay đổi cơ cấu tổ chức để buộc người lao động nghỉ việc là không hợp lý, không đúng trình tự pháp luật nên ông Chiến đã khởi kiện công ty Vina-Offshoe yêu cầu hủy bỏ quyết định chấm dứt hợp đồng lao động và phải bồi thường số tiền hơn 1 tỉ đồng, đồng thời công ty phải nhận lại người lao động vào làm việc trong công ty.

Người lao động thắng kiện

Tại phiên tòa, đại diện Vina-Offshoe cho biết trước khi chấm dứt hợp đồng lao động với ông Chiến, công ty đã tiến hành họp nội bộ về việc sắp xếp lại cơ cấu nhân sự theo chỉ đạo của Tổng giám đốc mới. Theo đó, công ty thống nhất sát nhập 2 phòng Hành chính nhân sự vào phòng Tài chính. Như vậy phòng Hành chính nhân sự không tồn tại và công ty không thể bối trí việc làm cho ông Chiến nên công ty ra quyết định cho ông Chiến nghỉ việc.

Công ty thừa nhận quy trình chấm dứt hợp đồng lao động có sai sót, ra thông báo và quyết định thôi việc cùng một thời điểm…

Tòa đã yêu cầu công ty Vina-Offshoe chứng minh việc thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động dẫn đến việc chấm dứt hợp đồng lao động với ông Chiến. Sau khi nghe trình bày của các bên, tòa đã so sánh 2 sơ đồ hoạt động của công ty trước và sau khi ông Chiến nghỉ việc. Theo đó, phòng Hành chính nhân sự được chuyển tên thành phòng Quản trị nhân lực, không hề có sự sát nhập với phòng Tài chính. Và trên thực tế, phòng Quản trị nhân lực vẫn có chức năng nhiệm vụ hoạt động giống với phòng Hành chính nhân sự.

Sau khi ông Chiến bị buộc thôi việc, công ty Vina-Offshoe vẫn có người đảm nhiệm phần công việc của ông Chiến. Sự thay đổi trong phòng có chăng chỉ là các nhân viên được điều chuyển từ vị trí này sang làm việc ở vị trí khác. Chính vì vậy, lý do vì thay đổi cơ cấu tổ chức, sát nhập phòng nên công Vina-Offshoe chấm dứt hợp đồng với ông Chiến là không hợp lý.

Cho rằng sơ đồ hoạt động mới cung cấp cho tòa có sai sót, Vina-Offshoe đề nghị hoãn phiên tòa để sửa lại sơ đồ cho phù hợp. Tuy nhiên đề nghị này của Vina-Offshoe bị tòa hủy bỏ vì không có căn cứ.

Xét thấy việc công ty Vina-Offshoe đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông Chiến là trái quy định của pháp luật nên HĐXX quyết định tuyên hủy bỏ quyết định số 06/2015/QĐ –VNO và buộc công ty Vina-Offshoe phải bồi thường cho ông Chiến số tiền hơn 944 triệu đồng và thực hiện các chính sách với ông Chiến tính đến ngày 30.5.2016.

Theo Báo Lao động