1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

"Nóng" việc luật hóa thưởng Tết

(Dân trí) - Vấn đề luật hóa thưởng Tết lại một lần nữa được “nóng” lên khi Bộ LĐ-TB&XH công bố mức lương, thưởng Tết Nguyên Đán năm 2015. Đây cũng là một nội dung được đại diện Bộ LĐ-TB&XH trả lời tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều 22/1 tại Hà Nội.

(Ảnh TL)
(Ảnh TL)
Liên quan tới câu hỏi về việc có nên luật hóa vấn đề thưởng Tết, ông Tống Văn Lai - Phó Vụ trưởng Vụ Lao động Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) - cho rằng cần làm rõ hai nội dung có liên quan: Chế độ tiền thưởng và báo cáo tiền thưởng.

Ông Tống Văn Lai cho biết: “Về chế độ tiền thưởng, Luật Lao động sửa đổi năm 2012 đã quy định rõ, tiền thưởng có tính khuyến khích, mang tính thỏa thuận giữa hai bên. Với việc báo cáo thưởng, chúng ta đang thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm nhiều thủ tục càng tốt. Bởi vậy, việc luật hóa báo cáo sẽ rất khó”.

Vị đại diện Vụ Lao động Tiền lương đánh giá, trong cơ chế thị trường, nguyên tắc thỏa thuận tiền lương là xu hướng cơ bản. Điều này cũng được quy định cụ thể trong Luật. Ngay cả tiền lương, thưởng đều theo nguyên tắc thỏa thuận. Nhà nước chỉ ban hành lương tối thiểu như một “mức sàn”.

Về vấn đề kiểm tra, giám sát lương thưởng, ông Tống Văn Lai khẳng định Luật lao động đã quy định tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp phải có trách nhiệm giám sát, các cơ quan quản lý Nhà nước kết hợp thanh, kiểm tra.

Ông Tống Văn Lai - Phó Vụ trưởng Vụ Lao động Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) (
Ông Tống Văn Lai - Phó Vụ trưởng Vụ Lao động Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) (Ảnh: TL)

“Ý kiến cá nhân, tôi cho rằng không nên luật hóa chuyện lương, thưởng. Vấn đề này đã được nói rõ trong Luật lao động với nguyên tắc công khai minh bạch và có thỏa thuận giữa doanh nghiệp và công đoàn” - ông Tống Văn Lai kết luận.

Cũng về vấn đề luật hóa thưởng Tết, trong thời gian trước đây, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân đã từng bày tỏ với báo chí quan điểm cá nhân.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân khẳng định, không có chuyện luật hóa tiền thưởng Tết theo hướng mỗi năm phải trả cho người lao động 15 tháng lương.

Quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH cũng đồng hành với các quy định của Bộ Luật Lao động.

Theo đó, doanh nghiệp phải trả đủ lương cho người lao động. Ngoài ra, việc thưởng sẽ tùy theo hiệu quả sản xuất kinh doanh, do doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận.

“Doanh nghiệp càng thưởng nhiều, Nhà nước càng khuyến khích nhưng không thể ép buộc. Nếu ép buộc thì doanh nghiệp lấy tiền đâu để trả" - Thứ thưởng Phạm Minh Huân cho biết.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng đưa ra tình huống doanh nghiệp bị phá sản, hàng loạt công nhân bị sa thải cuối năm. Doanh nghiệp còn phải tìm mọi giải pháp để hỗ trợ, trả nợ lương cho người lao động. Khi đó, người lao động cũng cần phải chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc khó khăn.

Hoàng Mạnh

Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2012 quy định về tiền lương, thưởng như sau:

Điều 90 có nội dung quy định về tiền lương như sau:

1. Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

2. Tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc.

3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.

Điều 103 có nội dung quy định về tiền thưởng như sau:

1. Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.