1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Ninh Bình: Kiếm tiền triệu nhờ cho khách du xuân thuê chiếu nghỉ

(Dân trí) - Dịch vụ cho thuê chiếu ngồi nghỉ nở rộ ở Ninh Bình vào mỗi dịp đầu năm mới, khi du khách từ khắp nơi đổ về đây du xuân. Nhờ nghề không giống ai này mà nhiều nông dân kiếm được tiền triệu mỗi ngày.

Những ngày đầu xuân Đinh Dậu, các khu du lịch ở Ninh Bình luôn trong tình trạng quá tải. Du khách từ khắp nơi đổ về đây tham quan chùa Bái Đính, khu Danh thắng Tràng An, Cố đô Hoa Lư… khiến những nơi này luôn trong tình trạng đông kín người.

Nắm bắt được nhu cầu của khách, nhiều người dân sống dọc hai bên đường Tràng An (từ thành phố Ninh Bình đi chùa Bái Đính) đã mở dịch vụ cho thuê chiếu ngồi, phục vụ du khách khi đi chơi qua đây có chỗ dừng chân nghỉ ngơi sau chuyến đi dài mệt nhọc.

Dọc 2 bên đường Tràng An đầy những lều dịch vụ cho thuê chiếu ngồi nghỉ.
Dọc 2 bên đường Tràng An đầy những lều dịch vụ cho thuê chiếu ngồi nghỉ.

Dịch vụ cho thuê chiếu ngồi nhiều nhất là đoạn đường qua xã Trường Yên (huyện Hoa Lư) và xã Gia Sinh (huyện Gia Viễn). Đây là hai địa điểm giáp danh với khu Danh thắng Tràng An và chùa Bái Đính nên có rất đông người qua lại.

Bà Nguyễn Thị Lục (75 tuổi), xã Trường Yên cho biết, khoảng 3 năm trở lại đây những người nông dân như bà có thêm cái nghề đặc biệt và không giống ai này. “Cứ ăn Tết xong là ông bà tôi lại mang chiếu ra bên đường cho người ta thuê lấy chỗ ngồi nghỉ ngơi. Hai ông bà tôi chia nhau mỗi người một điểm để có thêm nhiều khách hơn”, bà Lục nói.

Đồ nghề của những người làm dịch vụ cho thuê chiếu rất đơn giản, chỉ có 3 - 5 cái chiếu, vài ba cái cọc che phủ tấm bạt lớn lên trên che mưa nắng và tấm bạt chải dưới đất. Họ chọn một bãi đất ven đường bằng phẳng, có bóng mát sau đó hành nghề.

Giá cho thuê chiếu cũng tùy vào lượng khách. Theo đó, mỗi một chiếu cho thuê có giá từ 20 - 40 nghìn đồng/chiếc. Nếu đông khách thì chủ thu giá khác và có giá từ 40 - 60 đồng/1 chiếu. Có chỗ cho thuê thấp nhất là 5.000 đồng/lượt người.

Đồ hành nghề của những người làm dịch vụ đặc biệt này chỉ đơn giản có tấm bạt, cái chiếu và vài ba cọc tre.
Đồ hành nghề của những người làm dịch vụ đặc biệt này chỉ đơn giản có tấm bạt, cái chiếu và vài ba cọc tre.

Chị Hằng xã Gia Sinh cho hay: “Làm cái nghề này cũng bấp bênh lắm. Có ngày kiếm cả triệu bạc nhưng có ngày không gặp khách, may ra cũng được trên 100 nghìn đồng thôi”. Người phụ nữ 45 tuổi cho biết thêm, khách thuê chiếu chủ yếu ngồi nghỉ, tổ chức ăn nhậu cũng có nhiều người đi chơi mệt quá ngủ luôn vì không gian ở đây mát mẻ lại sạch sẽ.

Cách điểm cho thuê chiếu của chị Hằng không xa là “lều dịch vụ” của gia đình anh Đinh Văn Hướng. Từ Mùng 2 Tết đến nay, sáng nào vợ chồng anh cũng dậy từ lúc 5h sáng, thu xếp đồ nghề mang ra đường để hành nghề. Vợ chồng anh làm từ sáng đến tối khuya mới về. Lúc đông khách thì cả gia đình phục vụ, còn lúc không có khách thì chỉ cần một người ở lại trông coi đồ.

“Mấy người cho thuê chiếu, bán thêm nước ngọt hay thịt dê thì mới bận chứ nhà tôi chỉ có thuê chỗ ngồi không nên cũng nhàn lắm. Có khách hàng vào ngồi, họ tổ chức ăn nghỉ sau đó mình dọn dẹp vệ sinh cho sạch sẽ để khách sau vào không ái ngại. Làm cái nghề này quan trọng là có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, không để khách thải rác ra môi trường thì mới lâu dài được”.

Nói về thu nhập, anh Hướng chia sẻ: “Mấy năm trước mỗi ngày vợ chồng tôi cũng kiếm được cả triệu bạc, nghề nhẹ nhàng mà dễ hái ra tiền. Năm nay khách đi chơi cũng đông nhưng ít người nghỉ, ngày cao điểm kiếm được tiền triệu, ngày ít thì 300 - 500 nghìn đồng”.

Nhiều hộ dân vừa cho thuê chỗ ngồi vừa bán cả thịt dê kiếm thêm thu nhập.
Nhiều hộ dân vừa cho thuê chỗ ngồi vừa bán cả thịt dê kiếm thêm thu nhập.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, hầu hết những người mở dịch vụ cho thuê chỗ ngồi đều tranh thủ lúc nông nhàn và mùa du lịch cao điểm để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, họ cũng gặp phải không ít khó khăn khi thường xuyên bị lực lượng chức năng yêu cầu dẹp bỏ để đảm bảo cảnh quan đường vào khu du lịch.

Có điểm những người dân muốn được làm nghề này phải đóng thuế cho doanh nghiệp quản lý. Bà Lục cho biết, có ngày, ông bà cứ căng bạt lên là lại bị lực lượng chức năng đến yêu cầu hạ xuống. “Ông bà tôi căng bạt đi căng bạt lại mệt hết cả người. Chúng tôi cũng chỉ làm kiếm thêm đồng mưu sinh, mong sao các cấp tạo điều kiện. Mỗi năm chỉ có ít ngày xuân chứ trong năm cũng có ai làm được cái nghề này đâu”, bà Lục nói.

Khách du lịch chọn nghỉ ở những lều dịch vụ để không phải chen chúc trong các nhà hàng, quán ăn.
Khách du lịch chọn nghỉ ở những lều dịch vụ để không phải chen chúc trong các nhà hàng, quán ăn.

Anh Nguyễn Văn Hải, từ Thanh Hóa ra Ninh Bình đi chơi xuân cho hay, quang cảnh ở Ninh Bình rất đẹp và thoáng mát. Gia đình anh đi lễ chùa Bái Đính sau đó về Tràng An đi thuyền tham qua danh thắng. “Nếu ở lại nghỉ ngơi trong chùa thì đông người quá nên gia đình tôi chọn ra các lều bạt hai bên đường này ngồi cho sạch sẽ và thoáng đãng. Thấy những người làm nghề này cũng rất thân thiện, họ cũng không chặt chém gì, giá cả cũng rất phải chăng. Họ cũng rất ý thức khi đảm bảo vệ sinh, cảnh quan cho khu du lịch”.

Thái Bá