Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:

“Nhiều nhà báo viết về ngành LĐ-TB&XH bằng cả trái tim và lòng nhiệt huyết”

(Dân trí) - “Nhờ đóng góp của các phóng viên, nhà báo tâm huyết theo dõi lĩnh vực LĐ-TB&XH, người dân thêm hiểu được công việc của ngành, qua đó tạo sự đồng thuận trong xã hội với những nhiệm vụ lớn mà ngành đang triển khai…”


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (bên trái) tặng Kỷ niệm chương tới Tổng Biên tập Báo điện tử Dân trí Phạm Huy Hoàn (Ảnh: Mạnh Dũng)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (bên trái) tặng Kỷ niệm chương tới Tổng Biên tập Báo điện tử Dân trí Phạm Huy Hoàn (Ảnh: Mạnh Dũng)

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Lễ trao tặng Kỷ niệm chương ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức chiều 21/6 tại Hà Nội.

Nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày báo chí cánh mạng Việt Nam và 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ, Bộ LĐ-TB&XH quyết định tặng Kỷ niệm chương ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cho 21 cá nhân là cán bộ quản lý, phóng viên và biên tập viên thuộc các cơ quan báo đài trung ương, đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đánh giá về sự đóng góp của báo chí với ngành LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Chúng tôi rất phấn khởi được trao tặng Kỷ niệm chương tới các đồng chí lãnh đạo, phóng viên có nhiều gắn bó lâu năm với ngành LĐ-TB&XH. Xin được cảm ơn sự gắn bó của các cơ quan báo chí với ngành LĐ-TB&XH trong suốt 70 năm qua, kể từ khi Bác Hồ ký quyết định chọn Ngày thương binh liệt sĩ là ngày 27/7 hàng năm”.

Bộ trưởng đánh giá sự đồng hành của nhiều phóng viên và cơ quan báo chí với những sự kiện, vấn đề lớn của ngành LĐ-TB&XH, như: Người có công với cách mạng, lao động, dạy nghề, xuất khẩu lao động, bảo vệ trẻ em…

Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chia sẻ những thông tin về kế hoạch triển khai nhiều hoạt động lớn của ngành nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017), cũng như những khó khăn trong công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng về người có công với cách mạng thời gian qua.

Thay mặt các nhà báo, phóng viên nhận Kỷ niệm chương, nhà báo Hồng Thanh Quang - Tổng biên tập Báo Đại Đoàn Kết - cho rằng công việc của báo chí và ngành LĐ-TB&XH có nhiều điểm chung.

Theo đó, ngoài công việc đấu tranh chống tham nhũng và lãng phí, báo chí còn có nhiệm vụ quan trọng là làm việc thiện trong xã hội, củng cố niềm tin về những điều tốt đẹp.

“Công việc của ngành LĐ-TB&XH cũng như vậy. Ở trên đời mọi thứ nợ đều là nợ xấu, chỉ có nợ tình mới là nợ tốt. Bởi càng trả nợ thì càng mắc nợ và sự mắc nợ và đó là điều làm cuộc sống và con người tốt đẹp hơn” - nhà báo Hồng Thanh Quang cho biết.

Hoàng Mạnh