1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nhân viên văn phòng và nỗi lo mất việc

Dạo quanh một số ngân hàng, công ty chứng khoán, doanh nghiệp bất động sản, có thể thấy nỗi lo mất việc đang ám ảnh đội ngũ, từ nhân viên đến cấp quản lý.

Nhân viên văn phòng và nỗi lo mất việc
Chứng khoán đã hồi phục trở lại, nhưng việc cơ cấu nhân sự ở các công ty chứng khoán vẫn tiếp tục diễn ra. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ.

 

“Từ ra tết đến giờ, mình phải gồng mình làm việc, cố chứng minh năng lực mong sếp nhận thấy”. Đó là tâm sự của Phong, nhân viên làm mảng tín dụng cá nhân của một ngân hàng nước ngoài tại TP.HCM. Nơi Phong làm việc, tình hình vẫn khó khăn. Mọi người đang đồn đại chuyện sắp sa thải một phần nhân viên. Hợp đồng của Phong sẽ hết hạn trong vài tháng tới, và sếp cũng đã bắn tin về việc cắt giảm nhân viên. Thời buổi khó khăn này, khó tìm công việc mới. Năm nay, vợ Phong lại có bầu nên Phong không thể “nghỉ việc một thời gian rồi tính”.

 

Là quản lý ở ngân hàng nói trên, Quang cho biết câu chuyện giảm nhân sự là có thật và cái khó là phải quyết định ai là người sẽ ra đi. Những nhân viên có hợp đồng lao động sắp kết thúc thời hạn đều rơi vào tầm ngắm.

 

“Bản thân những người làm quản lý như chúng tôi cũng có những nỗi lo riêng. Bởi vì sau nhân viên thì sẽ đến quản lý, những bộ phận nào bị đánh giá không hiệu quả rất dễ bị giải tán. Mình sẽ bị điều chuyển qua làm những bộ phận khác đôi khi không phù hợp với chuyên môn, mất quyền lợi, cơ hội thăng tiến… Những điều đó rất dễ gây ra áp lực và sẽ dễ đi đến quyết định tự xin nghỉ việc. Tuy nhiên, để tìm kiếm một cơ hội việc làm tốt trong giai đoạn hiện nay là quá khó”, anh Quang tâm sự.

 

Từng là phó giám đốc công ty bất động sản của một công ty xây dựng lớn, lương mỗi tháng vài chục triệu đồng, giờ anh T. đang lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Công ty kinh doanh hầu như không có doanh thu. Mới đây, bản thân anh đã được vận động tự nguyện xin nghỉ việc vì công ty mẹ sẽ giải tán công ty bất động sản mà anh đang quản lý. Nếu không, anh phải chấp nhận làm một công việc khác ở tại công ty mẹ với mức lương thấp hơn rất nhiều. Biết là khó nhưng do đang phải trả lãi vay ngân hàng số tiền cho căn nhà mới mua năm ngoái nên anh T. đành chấp nhận. “Thu nhập của tôi bây giờ chỉ đủ trang trải chi phí chứ không còn dành dụm”, anh T. tâm sự. Những nhân viên của anh T. cũng kẻ nghỉ việc, người chấp nhận bị giảm lương trầm trọng.

 

Trong khi đó, nhân sự ngành chứng khoán cũng đang tiếp tục đối mặt với khó khăn về tài chính vì nhiều công ty cắt giảm nhân sự. Những đợt vận động tự nguyện xin nghỉ việc, tự nguyện giảm lương hoặc nghỉ việc vẫn đang diễn ra hàng ngày tại không ít các công ty chứng khoán.

 

Một nữ nhân viên làm việc tại một công ty chứng khoán có chi nhánh ở TP.HCM chia sẻ, lương của cô hiện chỉ còn 4 triệu đồng. Các đồng nghiệp ở các bộ phận khác còn bị giảm lương nhiều hơn.

 

Theo Bảo An

SGTT