1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Người lao động được nhiều quyền lợi từ BHTN

Đến khi được nhận chế độ BHTN với mức trợ cấp 3 tháng, Linh mới thấy bạn bè mình nói đúng. Nếu như chỉ vì tự ái cá nhân với vài mâu thuẫn lặt vặt mà đùng đùng bỏ việc khi chưa gắn bó với công ty đủ 1 năm, Linh sẽ không được chế độ gì.

Theo quy định, mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chấm dứt hợp đồng việc làm theo quy định của pháp luật.

Nghe bạn bè phân tích, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng phụ thuộc vào thời gian làm việc có đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động. Nếu thời gian đóng bảo hiểm đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng, thì thời gian hưởng chỉ ở mức 3 tháng.

Thời gian hưởng

Thời gian đóng

3 tháng

Đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng

6 tháng

Đủ từ 36 tháng đến dưới 72 tháng

9 tháng

Đủ từ 72 tháng đến dưới 144 tháng

12 tháng

Từ đủ 144 tháng trở lên.

Như vậy, nếu Linh chịu khó ở lại công ty và đóng chế độ BHTN nốt tháng 12, thì cô đã được chuyển sang hưởng mức trợ cấp thất nghiệp trong 3 tháng. May là hồi đó biết nghe lời mọi người, Linh ở lại làm thêm, đến khi nghỉ việc, trừ thời gian thử việc ra, cô đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp trong thời gian 3 tháng. Dù không phải là nhiều nhưng điều đó cũng giúp Linh tin tưởng hơn vào sự bảo vệ, hỗ trợ cho quyền lợi của người lao động.

Linh còn nhớ, hồi công ty mới quyết định đóng BHTN, hàng tháng, công ty đều trích lại 1% tiền lương, tiền công tháng để đóng. Kế toán và nhân sự đã giải thích rõ ràng cho toàn thể nhân viên trong công ty về quyền lợi cũng như trách nhiệm của người lao động. Hôm có quyết định nghỉ việc, Linh cũng đã ra trung tâm giới thiệu việc làm trong thành phố để đăng ký thất nghiệp, hồ sơ Linh cũng chuẩn bị đầy đủ. Linh được trung tâm giới thiệu việc làm tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, giúp cô nhanh chóng tìm được công việc mới.

Quyền của người lao động

1. Được xác nhận đầy đủ về đóng bảo hiểm thất nghiệp trong Sổ Bảo hiểm xã hội.

2. Được nhận lại Sổ Bảo hiểm xã hội khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc.

3. Được hưởng đầy đủ, kịp thời chế độ bảo hiểm thất nghiệp quy định.

4. Được uỷ quyền cho người khác nhận trợ cấp thất nghiệp hằng tháng.

5. Yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp; yêu cầu cơ quan lao động, tổ chức Bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp.

6. Khiếu nại, tố cáo với cơ quan có thẩm quyền khi người sử dụng lao động, cơ quan lao động, tổ chức bảo hiểm xã hội có hành vi vi phạm các quy định về bảo hiểm thất nghiệp.

7. Các quyền khác theo quy định.

Trách nhiệm của người lao động

1. Đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ và đúng .

2. Thực hiện lập hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

3. Bảo quản, sử dụng Sổ Bảo hiểm xã hội. 

4. Đăng ký với Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương  khi bị mất việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.

5. Hằng tháng thông báo với Trung tâm Giới thiệu việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp về việc tìm việc làm trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

6. Nhận việc làm hoặc tham gia khoá học nghề phù hợp khi được Trung tâm Giới thiệu việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu.
 
Quyền của người sử dụng lao động
1. Từ chối thực hiện các yêu cầu không đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

2. Khiếu nại, tố cáo với cơ quan có thẩm quyền khi người lao động, cơ quan lao động, tổ chức bảo hiểm xã hội có hành vi vi phạm các quy định về bảo hiểm thất nghiệp.

3. Các quyền khác theo quy định.

 Trách nhiệm của người sử dụng lao động.

1. Phối hợp với tổ chức công đoàn cơ sở để tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm thất nghiệp và thực hiện đúng các quy định về tham gia bảo hiểm thất nghiệp; đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

2. Xuất trình các tài liệu, hồ sơ và cung cấp thông tin liên quan theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi có kiểm tra, thanh tra về bảo hiểm thất nghiệp.

3. Cung cấp bản sao hoặc xác nhận về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng việc làm  hoặc xác nhận về việc người lao động bị mất việc làm cho người lao động chậm nhất 2 ngày kể từ ngày người lao động mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; thực hiện việc xác nhận  hoặc chốt Sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động để người lao động kịp hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

4. Cung cấp thông tin cho người lao động về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp sau 2 ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ ngày người lao động yêu cầu.

5. Hướng dẫn người lao động khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để người lao động đăng ký thất nghiệp, nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp với Trung tâm Giới thiệu việc làm theo quy định.

6. Định kỳ hằng năm, trước ngày 15 tháng 01 báo cáo tình hình thực hiện đóng bảo hiểm thất nghiệp của năm trước với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương nơi đăng ký tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định . 

PV