Người đàn bà buôn ti vi cũ: Tuổi xế chiều vất vả dưới cơn mưa

Bà ngồi dưới tán cây dù ở ven đường. Bên cạnh bà là chiếc xe đẩy chứa đầy linh kiện ti vi cũ kỹ. Một người khách ghé vào cùng chiếc ti vi 14 inch đời cũ. Ti vi được bỏ xuống, người khách bước vào trong nhận từ tay bà 30 nghìn đồng.

Bỏ quê, xa xứ lập nghiệp

Chúng tôi chứng kiến cảnh mua bán hàng cũ như trên tại góc ngã tư Vĩnh Viễn - Lý Thường Kiệt (phường 7, quận 10, TP.HCM).

Chỉ trong thời gian ngắn, có đến 3 người mang ti vicũ đến bán cho người đàn bà ấy. Chiếc ti vi loại từ 17 inch trở lên được bán với giá 40 nghìn đồng, nhỏ hơn thì chỉ 30 nghìn đồng. Dường như đó là một thói quen, người mua người bán không ai nói với ai lời nào, người giao hàng, người lấy tiền rồi đi.

Người bán vừa đi, một người đàn ông trung niên bước tới. Anh mở tất cả những cái ốc vít trong chiếc ti vi. Vỏ được anh để sang một bên, phần linh kiện được gom lại đưa cho bà...

Chiếc ti vi bỏ xuống đất. Anh Tâm đang mở ốc vít.
Chiếc ti vi bỏ xuống đất. Anh Tâm đang mở ốc vít.

Cắt bỏ những sợi dây điện thò ra ngoài, bà tháo lấy chiếc loa rồi tiếp tục những phần khác một cách thành thạo như một thợ sửa ti vi chuyên nghiệp.

Bà là Cao Thị Thủy (73 tuổi), làm công việc thu mua ti vi cũ và bán linh kiện rời tại địa điểm ven đường Vĩnh Viễn đã hơn 20 năm nay... Trước khi đến với nghề này, bà chỉ là một phụ nữ chăm lo nội trợ cho gia đình tại thị trấn Cái Bè (Tiền Giang).

Vợ chồng bà có 9 người con nhưng chỉ có cô con gái hiện đã lấy chồng và ra riêng. Trong 8 người con trai đó, không may cho ông bà, 2 người con út và áp út đều mang chứng bệnh tâm thần.

Những năm đầu của thập niên 1990, ông bà buôn bán tạp hóa ở quê nhà. Ở quê nhưng không có ruộng vườn để canh tác nên cuộc sống của gia đình họ ngày càng chật vật. Đến một ngày, việc buôn bán sa sút ông bà bàn với nhau đưa các con lên Sài Gòn lập nghiệp...

Các con của bà Thủy mạnh ai nấy lo, làm ăn kiếm sống. Vợ chồng bà và 2 con bệnh tật còn lại tìm thuê một chỗ trọ để sống qua ngày. Khu vực họ ở gần chợ Nhật Tảo - khu chợ chuyên bán hàng điện tử - nên bước đầu ông bà bán ti vi cũ nguyên chiếc nhập lậu.

Sau nhiều lần bị tịch thu dẫn đến phá sản, hai vợ chồng quay sang bán cơm, cháo, thậm chí còn lượm cả ve chai.

Anh Tâm, người con mắc chứng tâm thần nhẹ đang phụ giúp bà
Anh Tâm, người con mắc chứng tâm thần nhẹ đang phụ giúp bà

Trong thời gian bán cơm cháo, nhờ tiếp cận với những người bán linh kiện cũ, bà bén duyên với nghề này đến bây giờ. Cũng nhờ những chiếc ti vi cũ đó, bà đã nuôi chồng, nuôi con tảo tần suốt mấy chục năm qua.

Tuổi xế chiều vất vả dưới cơn mưa

Một ngày làm việc của bà Thủy bắt đầu từ 10 giờ sáng đến 17 giờ chiều. Buổi sáng bà dậy sớm, đi chợ lo chuyện cơm nước trong ngày. Trong 2 đứa con bị tâm thần, có một người bị nặng không thể tự chăm sóc được nên bà phải đút từng muỗng cơm...

Bà Thủy rơm rớm nước mắt kể: "Con tôi mắc bệnh như thế nhưng cũng có lúc tỉnh. Có lần nó nói: "Con bị bệnh má lo cho con nhưng má già rồi nay mai ai lo cho má?".

Tôi nghe mà đau lòng. Dù có thế nào nó cũng là con và tôi vẫn muốn nó sống cạnh mình. Vậy mà mấy tháng trước nó bỏ cha mẹ, anh chị em ra đi. Nó mất sau nhiều tháng nằm bệnh viện vì căn bệnh viêm phổi cấp tính".

Với bà Thủy, tất cả các linh kiện trong một chiếc ti vi cũ bà đều thuộc làu
Với bà Thủy, tất cả các linh kiện trong một chiếc ti vi cũ bà đều thuộc làu

Hiện nay thu nhập sau một ngày phơi mình dưới nắng mưa của bà không quá 300 nghìn đồng. Cũng may, người con bị tâm thần nhẹ còn lại, Huỳnh Phương Tâm (39 tuổi), vẫn luôn bên cạnh để phụ giúp bà trong nhiều năm nay.

Với bà Thủy, tất cả các linh kiện trong một chiếc ti vi cũ bà đều thuộc làu. Bà cho biết, nghề này phụ thuộc nhiều vào may rủi. Bên cạnh đó cũng phải có một chút linh cảm phán đoán.

Người buôn phải biết được năm sản xuất ti vi để biết đặc tính của các linh kiện bên trong có thích hợp với thị trường hay không. Nếu mua được những ti vi còn tốt, sử dụng được tất cả các linh kiện bên trong thì mới kiếm được khoảng 40 nghìn đồng/chiếc. Ngược lại người mua gặp ti vi hỏng chỉ lời được khoảng 15 - 20.000 đồng/chiếc.

Chúng tôi đang nói chuyện thì một người đàn ông ghé vào với chiếc ti vi cũ. Anh Tâm đỡ lấy và dùng khoan điện mở tung ra. Người bán nhận tiền rồi ra đi cũng vừa lúc anh Tâm đưa cho bà tấm linh kiện vừa tháo ra trong máy. Hai mẹ con thao tác rất nhịp nhàng và ăn ý.

Trời đang đổ mưa, chiếc dù nhỏ không che hết hai mẹ con. Anh Tâm đã tìm nơi trú mưa, bà vẫn ngồi đó với công việc của mình. Một phụ nữ ở tuổi xế chiều vẫn còn vật lộn với cuộc mưu sinh không biết bà còn vất vả đến bao giờ?

Theo Trần Chánh Nghĩa/Vietnamnet.vn