Ngón nghề của Thụ

Tốt nghiệp ngành Nấu ăn, đạt Huy chương Đồng Cuộc thi Tay nghề Asean 2016, Kiều Cao Thụ hiện đang là đầu bếp cho một khách sạn 4 sao ở Hà Nội. Tình yêu và nhiệt huyết với nghề của em vẫn còn nguyên vẹn như ngày nào.


Bạn Kiều Cao Thụ, sau khi tốt nghiệp ngành Nấu ăn, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, hiện đang là đầu bếp trong một khách sạn 4 sao ở Hà Nội.

Bạn Kiều Cao Thụ, sau khi tốt nghiệp ngành Nấu ăn, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, hiện đang là đầu bếp trong một khách sạn 4 sao ở Hà Nội.

Thụ sinh năm 1995, quê ở Phúc Thọ, Hà Tây. Em đến với nghề một cách tình cờ.

Cũng như nhiều học sinh khác, sau khi tốt nghiệp phổ thông, học nghề không phải là lựa chọn đầu tiên của em. Vốn học khá ổn 2 môn Hóa và Sinh, em đăng ký thi ĐH Y tế công cộng và Trường Sĩ quan lục quân.

“Em vào đây như một cái duyên. Em không nghĩ là mình sẽ trượt 2 trường kia và cũng không nghĩ là mình sẽ làm chính cái nghề mà ngày xưa từng ao ước khi vui mồm”.

Thụ kể, ngày nhỏ, nhà nghèo. Bố mẹ em làm nông. Bữa cơm của gia đình thỉnh thoảng mới có tôm, thịt. Lúc ấy, em mới nói với mẹ rằng: “Lớn lên con sẽ làm đầu bếp để được ăn hết các món” – em cười khi nhớ lại.

Lúc thi trượt đại học, em chợt nhớ ra ước mơ ngày nhỏ của mình và không ngần ngại đăng ký vào ngành Nấu ăn của Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội.

Thụ đang chuẩn bị một món bánh tráng miệng
Thụ đang chuẩn bị một món bánh tráng miệng

Thật may mắn, càng học nghề em càng cảm thấy yêu nghề và cho đến bây giờ vẫn chưa từng hối hận về quyết định của mình.

Tốt nghiệp với tấm bằng đẹp trên tay, Thụ quyết định vào Đà Nẵng tìm việc để xem “tại sao nơi đây được chọn là thành phố đáng sống nhất”. Thời gian đầu, chân ướt chân ráo bước đến một vùng đất mới, em phải thích nghi với môi trường sống và không hề dễ dàng khi đi tìm việc.

Các nhà hàng, khách sạn chưa hề biết năng lực của em ra sao ngoài việc nhìn vào tấm bằng. Nhiều nơi muốn tìm người đã chắc tay trong nghề, họ không có thời gian để cho em thử. “Đến đâu em cũng xin cơ hội cho em làm thử để chứng minh năng lực của mình” – Thụ kể.

Cuối cùng, em đầu quân cho một nhà hàng khá lớn, chuyên làm tiệc cho 300-400 khách. Ở đây, Thụ phụ trách toàn bộ món Âu của nhà hàng. Đây cũng là nơi em được rèn tay nghề của mình ở mảng món Âu.

Sau gần một năm làm ở Đà Nẵng, Thụ được triệu tập ra Hà Nội để luyện thi cho cuộc thi tay nghề thế giới. Không may mắn được chọn đi thi, em quyết định tham gia một chuyến đạp xe xuyên Việt 35 ngày từ Hà Nội đến mũi Cà Mau.

Quyết định này một phần do em có nguyện vọng được đi và tìm hiểu nhiều nơi. Mặc dù, phát hiện ra rằng chuyến đi 35 ngày không cho em đủ thời gian để tìm hiểu như dự định, nhưng những trải nghiệm của chuyến đi lại giúp em nhận ra một điều rằng, nếu thực sự quyết tâm và nỗ lực, mình có thể vượt qua cái mốc mà mình coi là giới hạn của bản thân.

Thụ tự nhận, em không khéo tay nhưng chăm chỉ và yêu nghề
Thụ tự nhận, em không khéo tay nhưng chăm chỉ và yêu nghề

Sau chuyến đi, em về Hà Nội làm cho khách sạn hiện tại – nơi mà thầy dạy em thi tay nghề Asean đang là bếp trưởng bếp bánh.

“Từ món Âu, em chuyển sang bánh vì muốn học hỏi thêm về mảng này. Thầy em là một trong những chuyên gia có tiếng về bánh. Thầy đã từng làm cho rất nhiều nhà hàng, khách sạn lớn, vì thế có rất nhiều kinh nghiệm”.

Tuy nhiên, theo em chia sẻ, mong muốn được làm việc với người thầy hiện tại xuất phát từ một lý do quan trọng hơn.

“Những kỹ năng em có được không hẳn do khéo tay, mà do rèn luyện và cố gắng. Thầy em là người biết điều đó và hướng dẫn em theo cách của em. Thầy là người điềm đạm, hướng dẫn cẩn thận. Em thấy mình có thể hiểu được những gì thầy nói”.

‘Đầu bếp chỉ cần yêu nghề và tôi luyện’

Công việc hiện tại của Thụ là làm việc trong bếp bánh. Một ngày, nhà bếp của khách sạn chia thành 3 ca làm việc. Em thường được phân công đứng chính ở ca đêm, từ 10 giờ tối đến 6h sáng. Thụ nói, đây cũng là lý do không nhiều phụ nữ theo được nghề.

“Công việc của đầu bếp vất vả và thường xuyên phải làm ca kíp đêm hôm. Một ngày, bọn em phải làm rất nhiều công việc từ chuẩn bị, làm món, cho tới kiểm tra đồ hết hạn, vệ sinh bếp… Gần như lúc nào cũng trong tình trạng làm không hết việc” – em kể.

Cũng giống như nhiều ngành nghề khác, áp lực về mặt tinh thần cũng là điều không tránh khỏi với một đầu bếp.

“Ví dụ như thời gian em làm đồ Âu ở Đà Nẵng, khi khách quá đông, người đầu bếp phải suy nghĩ làm sao để vừa nhanh nhất mà vẫn đạt tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh. Lúc đó lại bị quản lý giục nữa, thì người đầu bếp sẽ rất căng thẳng”.

Thụ nói, chỉ cần chú tâm vào công việc, sẽ tìm ra cách làm cho món ăn ngon và đẹp mắt
Thụ nói, chỉ cần chú tâm vào công việc, sẽ tìm ra cách làm cho món ăn ngon và đẹp mắt

Thụ cho rằng, học nghề này, chỉ cần chú tâm vào công việc, tự khắc sẽ tìm được cách cho món ăn trở nên đẹp mắt và ngon miệng. “Kể cả lúc còn ở trường, khi nấu các món, em cũng cố gắng hết sức mình”.

Khi được hỏi, những gì học ở trường có sát với thực tế đi làm hay không, Thụ nói, chỉ có kỹ thuật là không thay đổi, còn khi làm việc ở mỗi nhà hàng gần như đều phải học lại từ đầu, vì mỗi nơi có một sản phẩm khác nhau, làm theo những công thức khác nhau.

“Tuy nhiên, việc áp dụng những gì đã được học vào thực tiễn công việc có hiệu quả hay không là tùy từng người. Ngoài kỹ năng chuyên môn, người đầu bếp thậm chí còn phải hiểu cả về tâm lý học. Khi làm ra một món ăn phải biết quan sát sắc mặt của khách hàng để biết được khách có hài lòng hay không. Đôi khi, họ thấy không ngon nhưng lại không nói ra, thì mình phải biết mà tự điều chỉnh. Hay môn Kinh tế vĩ mô sẽ giúp mình nhìn thấy xu thế phát triển của ngành nhà hàng trong vài năm nữa. Cách giao tiếp, ứng xử cũng phải làm thế nào cho vừa tai người nghe… Tưởng rằng những thứ đó là phụ, nhưng nếu để tâm vào học thì nó sẽ hỗ trợ lại công việc chính của mình”.

Một kỷ niệm mà Thụ còn nhớ mãi trong thời gian làm việc ở Đà Nẵng.

Một lần, em phục vụ một ông khách Tây món bò bít tết. Khi ăn hết bò, khách xin thêm nước sốt và bánh mỳ, nhưng rất tiếc, một nguyên liệu trong thành phần làm nước sốt đã hết nên em không thể làm lại nước sốt đúng vị như trước được nữa. Sau hôm đó, những lần ông khách Tây quay lại, khi nhìn thấy em, ông đều gọi món này. Khi thấy người khác làm, ông sẽ gọi món khác. “Em coi đó là một sự động viên cho mình” – Thụ chia sẻ.

Chia sẻ về nghề, Thụ nói, đa số các bạn học cùng mình bỏ nghề, một phần vì thu nhập, nhưng phần lớn là do họ không xác định được mình có yêu nghề và có thể kiên trì theo đuổi nó hay không.

“Bản thân em không phải là người khéo tay. Và em cũng chứng kiến, những bạn dù không khéo nhưng chăm chỉ, quyết tâm và yêu nghề thì hiện tại đều đang có công việc tốt và có chỗ đứng cho mình. Nếu mình yêu nghề, mỗi ngày làm việc sẽ đều là một ngày vui. Khi xã hội càng phát triển, yêu cầu về ẩm thực của con người sẽ ngày càng cao, đòi hỏi người đầu bếp càng phải sáng tạo. Chỉ có niềm vui, sự hưng phấn trong công việc mới giúp người đầu bếp làm được điều đó”.

Ước mơ trong tương lai của Thụ là có một nhà hàng của riêng mình, đồng thời em cũng muốn truyền "lửa" nhiệt huyết của bản thân cho các bạn trẻ khác yêu thích nghề đầu bếp.

Theo Nguyễn Thảo/Vietnamnet.vn