1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nghe “khóc sĩ” kể về nghề bán nước mắt lấy tiền

(Dân trí) - “Nhiều người cho rằng khóc thuê là việc kiếm chác từ lòng thương của người sống. Nhưng lẽ thường, đám tang không thể thiếu nước mắt. Nếu con cái bận mải lo các thủ tục trong đám tang cho cha mẹ, không thể khóc thì việc thuê khóc cũng là lẽ thường tình”.


Ông Phạm Văn Chắt (ngoài cùng, bên trái) đang khóc thuê ở một đám hiếu.

Ông Phạm Văn Chắt (ngoài cùng, bên trái) đang khóc thuê ở một đám hiếu.

Ông Phạm Văn Chắt, một người gắn bó hơn 30 năm với nghề khóc thuê ở làng Lịch Động, xã Đông Các (Đông Hưng, Thái Bình) tâm sự.

Tiếng khóc nỉ non

Ông Phạm Văn Chắt tham gia vào đội phường kèn nhạc hiếu nơi thôn quê Đông Các (Thái Bình) đã hơn 30 năm nay. Thậm chí tới nay, con trai ông cũng theo nghiệp “gia truyền”. Không chỉ làm nghề tại quê nhà, ông Phạm Văn Chắt còn được nhiều gia đình có đám ma tại Hà Nội đón lên để… khóc.

Hơn 70 tuổi, ông Phạm Văn Chắt vẫn gắn bó với nghề và coi đó là nguồn thu nhập chính cho gia đình. “Bao đời nay gia đình chúng tôi đã theo nghề. Một khi đã mang cái nghiệp vào thân thì khó dứt ra. Tiếng nhạc cứ thế thấm vào tâm trí. Khi lớn hơn, tôi theo cha đi ca khóc. Đến khi cha mất, người ta lại tìm đến tôi” - ông tâm sự.

Thông thường, trước khi tiến hành khóc trong mỗi đám tang, ông Chắt phải cập nhật thông tin của người đã khuất để bài khóc thêm trọn vẹn.

“Mỗi người có một hoàn cảnh mất khác nhau. Vì vậy, dù có sửa soạn hay chuẩn bị kĩ đến đâu cũng có những tình huống ngoài lề. Người khóc thuê phải linh hoạt, nhạy bén, dù là ai, ở độ tuổi nào cũng đều ứng phó được. Đặc biệt, người khóc thuê cần nhập tâm vào đúng vai của đối tượng cần khóc” - ông kể.

Nghề kén người. Để khóc giống như thật không dễ. Trong quá trình đó phải khóc sao cho cảm xúc, đôi lúc giọng điệu ngân nga nhưng ngắt nghỉ theo đúng điệu nhạc.

Ông Phạm Văn Chắt chia sẻ, muốn tạo ra tiếng ai oán, bi thương thì trong tiếng than phải có cả tiếng khóc, trong tiếng khóc phải có cả những giọt nước mắt, chưa kể khuôn mặt cũng cần thể hiện cảm giác buồn rầu, ủ rũ.

Nghề kén người và cũng giữ người, bởi vậy làng quê Thái Bình giờ càng hiếm những người như ông Chắt. Anh Nguyễn Văn Nhương, thành viên trong đội bát âm, làm việc cùng ông Chắt, cho hay: “Đi làm nghề nhiều nơi với ông Chắt, tôi kính nể ông bởi tiếng khóc khiến ai nghe cũng khó cầm nước mắt”.

Nghề gắn với nghiệp

Hơn 30 làm nghề khóc thuê, ông Phạm Văn Chắt không nhớ hết đã dự bao nhiêu đám tang.

“Tôi đã khóc ở đám hiếu của những người rất giàu và cả người rất nghèo. Đám hiếu của nhiều đối tượng thuộc các lứa tuổi khác nhau, mỗi người một hoàn cảnh. Trong mỗi đám hiếu, sự ứng xử với người đã mất của các thành viên gia đình cũng thể hiện một góc thu nhỏ của xã hội” - ông kể.

Theo trí nhớ của ông, có những đám hiếu con cháu đầy nhà, sự tiếc thương tràn ngập trong các thành viên. Họ vẫn cần tới người khóc thuê như để thay mặt chia sẻ, bày tỏ nỗi niềm một cách trọn vẹn tình cảm qua những câu khóc nỉ non.

“Những cũng có trường hợp, người mất lúc sinh thời bị con cháu ruồng rẫy, đùn đẩy nhau không ai chịu nhận trách nhiệm chăm sóc. Lúc chết đi rồi họ nhờ tôi tới cho đám ma đỡ vắng tiếng khóc. Dẫu rằng trường hợp này không nhiều” - ông Phạm Văn Chắt bộc bạch.

Có nhiều người mất trong hoàn cảnh rất đáng thương. Những trường hợp đó khiến bản thân ông Chắt cũng không kìm được cảm xúc, mà tự nhiên bộc phát thành lời.

Ông Chắt cũng cho biết, nghề gắn bó như định mệnh: “Đơn giản chỉ là cứ có việc thì tôi đến làm nghề thôi. Chứ nghề này, không ai mong muốn có nhiều việc để làm như các nghề khác đâu”.

Thông thường, gia đình tang chủ chi khoảng 5 triệu đồng cho số tiền dẫn lễ viếng, nhạc hiếu. Nếu phát sinh những tình huống cần phải khóc như vào sáng sớm, khi chuẩn bị làm lễ cúng cơm hay khi khách đến viếng đã vãn hết, gia chủ sẽ thanh toán thêm tiền.

“Nhiều trường hợp, tang chủ hoặc người nhờ khóc có điều kiện sẽ trả một vài triệu cho 3-5 phút khóc. Còn trung bình họ trả đôi ba trăm hoặc vài chục ngàn đồng” - ông Chắt kể.

Nghề khóc thuê có từ lâu đời nhưng một thời kỳ trước đây đã vắng bóng ở nhiều làng quê. Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nghề khóc thuê có xu hướng phát triển trở lại. Dù rằng việc xuất hiện trở lại cũng tạo ra nhiều quan điểm ủng hộ và phản đối khác nhau.

Ông Đỗ Đức Mộng - một người cao tuổi tại làng Lịch Động - phản bác việc khó thuê: “Người thân khóc trong đám tang là việc thể hiện sự tiếc thương của người ở lại đối với người đã mất. Nhưng tiếng khóc lại phải đi thuê mướn thì là sự giả dối. Chưa kể, ngày nay trong đám tang người ta còn kết hợp giữa kèn đồng và phường bát âm khiến lễ tiễn đưa người quá cố hết sức nhốn nháo”.

Thúy Nga