1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Ngành điện tử “khát” ứng viên cao cấp

Tôi đang làm cho một công ty điện tử. Tôi thấy thời gian gần đây trên báo chí có xuất hiện nhu cầu tuyển dụng nhiều vị trí làm ngành điện tử cao cấp. Nhu cầu này có nhiều không và điều kiện tuyển dụng như thế nào? (Nguyễn Đức Trí, Q. Gò Vấp, TPHCM)

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, chuyên viên tuyển dụng và đánh giá nhân sự AQL, trả lời:

 

Hiện nay nhu cầu tuyển dụng ngành này khát “nhân lực cao cấp”. Xu hướng nhà tuyển dụng chọn ứng viên có kỹ năng giải quyết vấn đề nhanh, biết ứng xử tốt trong môi trường đa văn hoá, khả năng làm việc đội nhóm và đặc biệt ứng viên không những có nền tảng chuyên ngành vững chắc mà phải hiểu biết sâu về thị trường điện tử công nghiệp nặng và nhẹ. Điểm yếu nhất của ứng viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật hiện nay là hạn chế giao tiếp bằng ngoại ngữ và khả năng lãnh đạo.

 

Nhà tuyển dụng không còn quá chú trọng đến yếu tố bằng cấp dù ứng viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng hay đại học ngành kỹ thuật đều có cơ hội như nhau. Điểm khó là ứng viên phải thể hiện được khả năng thích ứng với vị trí, biết đúc kết kinh nghiệm trong từng dự án, đến khả năng  xử lý tình huống đưa ra giải pháp cụ thể và khả thi.

 

Chúng tôi nhận thấy, ứng viên nào trang bị tốt kiến thức về kinh tế, ngành, lĩnh vực… luôn có lợi thế. Nếu không giỏi giao tiếp nhưng nắm bắt thuật ngữ chuyên ngành, có khả năng đọc hiểu và có thể diễn đạt tốt là một sự thành công.  

 

Tại Việt Nam, các tập đoàn điện tử có nhà máy sản xuất trực tiếp như Philips Việt Nam, JVC, Fujitsu, Sony… và các công ty lắp ráp Việt Nam đều có nhu cầu rất cao về công nhân “lành nghề” hoặc kỹ sư tốt nghiệp từ các trường Bách khoa, Sư phạm kỹ thuật...

 

Trong khi những nhãn hiệu điện tử phân phối qua công ty thương mại, đại diện đang tìm kiếm ứng viên cho vị trí quản lý khách hàng, hỗ trợ kỹ thuật, chăm sóc khách hàng, kỹ sư vận hành và bảo trì, huấn luyện kỹ thuật, kỹ sư dự án vẫn rất “nóng” hàng tuần.

 

Theo Sài Gòn Tiếp Thị