1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Năm 2016, Sàn GDVL Hà Nội: Hơn 50.000 chỉ tiêu tuyển dụng được rao tuyển

“Năm 2016, Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội đã thu hút hơn 120.000 lao động tới tìm kiếm việc làm, hơn 36.700 ứng viên được hẹn phỏng vấn và hơn 16.800 lao động trúng tuyển. Chất lượng tư vấn việc làm được nâng cao, nhiều hình thức Phiên GDVL chuyên đề, lưu động được tổ chức”.

Năm 2016, Sàn GDVL Hà Nội: Hơn 50.000 chỉ tiêu tuyển dụng được rao tuyển - 1

Bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) trao đổi với PV Dân trí về hoạt động của Trung tâm trong năm 2016.

Tăng kết nối cung cầu

Theo TT DVVL Hà Nội, tỉ lệ kết nối cung cầu năm 2016 của Sàn GDVL đạt 33,1% (tăng hơn 6 % so với năm 2015), tổ chức 113 phiên giao dịch việc làm. Trong đó có: Phiên GDVL định kỳ vào ngày thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, Phiên GDVL lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật, phiên GDVL chuyên đề, phiên GDVL dành cho lao động làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước, phiên GDVL online kết nối các tỉnh thành.

Ngoài ra, TT DVVL Hà Nội còn tổ chức 8 Phiên giao dịch việc làm Lưu động: tại Quận Nam Từ Liêm, quận Long Biên, huyện Gia Lâm và Quận Bắc Từ Liêm.

Phân tích trong tổng số 50.985 chỉ tiêu tuyển dụng của các DN tham gia Phiên GDVL năm 2016, bà Vũ Thị Thanh Liễu cho biết: “Nhu cầu tuyển dụng của các Doanh nghiệp tham gia Phiên GDVL năm 2016 theo trình độ lao động phổ thông và TC - CNKT ở mức cao hơn hẳn so với trình độ cao đẳng và đại học trở lên”.

Bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó GĐ TT DVVL Hà Nội đánh giá về hoạt động của Sàn GDVL.

Điều này cho thấy sự thiếu hụt nhân sự cho các vị trí lao động trực tiếp, thợ thủ công, công việc giản đơn ở mức cao hơn hẳn so với các vị trí nắm chuyên môn, điều hành các hoạt động của doanh nghiệp.

Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, công tác tổ chức hoạt động TT DVVL có nhiều điểm nổi bật, như: Công tác tổ chức hoạt động Sàn giao dịch việc làm định kỳ vào thứ 3 và thứ 5 hàng tuần đảm bảo theo yêu cầu, thu hút người lao động, doanh nghiệp có nhu cầu đến tham gia phiên. Các phiên GDVL chuyên đề, lồng ghép, lưu động được đổi mới, đa dạng bằng nhiều hình thức, nâng cao hiệu quả và tăng tỷ lệ kết nối cung - cầu.

“Công tác bố trí các vị trí tác nghiệp chuyên môn nghiệp vụ tại sàn, điểm vệ tinh được đảm bảo hoạt động khoa học và hiệu quả, nâng cao trách nhiệm của cán bộ được phân công tại từng vị trí. Việc kết nối online giữa sàn chính và điểm vệ tinh giúp nhà tuyển dụng và người lao động thu hẹp được khoảng cách, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của hai bên sát với thực tiễn” - bà Vũ Thị Thanh Liễu nói.

Đại diện TT DVVL Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập của thị trường lao động, như: Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn nhưng nguồn cung và chất lượng cung của thị trường lao động không đáp ứng được. Nguồn lao động phổ thông ở Thủ đô không đáp ứng đủ nhu cầu của các nhà tuyển dụng, lao động đặc thù cũng không đáp ứng đủ ví dụ như lao động ngành dệt may. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp rất khó tuyển lao động do chế độ lương thưởng thấp, không hấp dẫn người lao động.

Đánh giá về tình trạng thông tin tuyển dụng tràn lan trên mạng internet, bà Vũ Thị Thanh Liễu cho biết ứng viên cần có sự tìm hiểu và đánh giá kỹ lưỡng trước khi ứng tuyển. “Với các doanh nghiệp đến với TT DVVL Hà Nội, chúng tôi đều kiểm tra kỹ thông tin để đảm bảo nguồn việc làm tiếp cận với ứng viên đều có thật, không bị điều chỉnh cũng như việc đảm bảo các chế độ làm việc như khi thông báo tuyển dụng”.

Theo TT DVVL Hà Nội, doanh nghiệp cổ phần và TNHH có số lượng tham gia phiên ở mức cao nhất, chiếm tỉ lệ 87,5% tổng số đơn vị tham gia phiên.. Độ tuổi ứng viên từ 26 - 35 chiếm tỉ lệ cao nhất: Chiếm 49,5% (độ tuổi này đa phần là lao động có trình độ, tốt nghiệp các lớp trường lớp, cơ sở đào tạo nên đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn của các chỉ tiêu tuyển dụng).

Tăng cường chất lượng kết nối

Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, trong năm 2016, Trung tâm xác định tiếp tục tổ chức các Phiên GDVL định kỳ /tuần vào thứ 3 và thứ 5 hàng tuần tại Sàn GDVL với quy mô: Từ 30 - 35 đơn vị/phiên, phấn đấu mỗi phiên GDVL có khoảng 650 -750 chỉ tiêu tuyển dụng, từ 150 - 200 lao động sẽ được tuyển dụng tại mỗi Phiên. Đảm bảo tỷ lệ kết nối cung - cầu lao động tại Phiên GDVL bình quân đạt trên 30 %.

TT DVVL Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp với phòng tuyển sinh, hướng nghiệp của các trường cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp và các trường dạy nghề để thông tin, tuyên truyền về Sàn GDVL.

Về thủ tục tổ chức các Phiên GDVL, TT DVVL xác định việc cải tiến theo hướng đơn giản hóa qui trình, thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị tham gia. Các thông tin về hoạt động của phiên GDVL sẽ được chuyển tới các đơn vị, người lao động thông qua nhiều “kênh” như báo chí và phóng sự qua màn hình điện tử trước và trong suốt thời gian diễn ra Phiên GDVL”.

Theo đại diện TT DVVL Hà Nội, công tác đầu tư nâng cấp website: “vieclamhanoi.gov.vn” sẽ được chú trong, nhằm đưa thành kênh tra cứu thông tin việc làm trực tuyến cung cấp rộng rãi, miễn phí các thông tin tuyển dụng, tuyển sinh cho người lao động.

“Năm 2017, TT DVVL sẽ tiếp tục tổ chức các Phiên GDVL vào thứ 3 và 5 định kỳ hàng tuần. Ngày 10/1, Phiên GDVL sẽ tổ chức Phiên GDVL đầu tiên của năm 2017. Sang Quý 3/2017, TT DVVL sẽ tổ chức các Phiên GDVL hàng ngày. Ngoài ra, TT DVVL sẽ tổ chức 10 Phiên DVVL cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp, mở thêm 2 điểm GDVL vệ tinh ở Mê Linh và Đông Anh” - bà Vũ Thị Thanh Liễu nói.

Phan Minh

Bộ LĐ-TB&XH: Quý 3/2016 có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp

Theo Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), so với quý 2/2016, tỉ lệ thất nghiệp quý 3/2016 tăng số lượng và tỷ lệ. Cả nước có 1.117,7 nghìn người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 29 nghìn người so với quý 2/2016.

Năm 2016, Sàn GDVL Hà Nội: Hơn 50.000 chỉ tiêu tuyển dụng được rao tuyển - 2

Đây là số liệu về thị trường lao động việc làm quý 3/2016, được Viện Khoa học lao động xã hội, Tổng cục Thống kê công bố chiều 2/12 tại Hà Nội. Theo đó, tỉ lệ thất nghiệp trên tăng cao nhất là ở nhóm thanh niên, người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất.

Theo ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện KHLĐXH, trong số những người thất nghiệp, gồm: 456,1 nghìn người có chuyên môn kỹ thuật, nhiều nhất ở các nhóm trình độ đại học trở lên 202,3 nghìn người, nhóm cao đẳng chuyên nghiệp với 122,4 nghìn người và nhóm trung cấp chuyên nghiệp với 73,8 nghìn người. Khảo sát của nhóm nghiên cứu cũng cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở nhóm có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp với 8,36%, tăng mạnh so với quý trước. Tiếp theo là nhóm đại học trở lên (4,22%) và trung cấp chuyên nghiệp (3,79%). Bên cạnh đó, Bản tin thị trường lao động việc làm cũng cho thấy tình trạng thiếu việc làm tăng mạnh cả số lượng và tỷ lệ. Điểm sáng hiếm hoi, số người thất nghiệp trong quý 3/2016 đã giảm khoảng 11 nghìn người so với quý 3/2015.

V.Q

TP.HCM: Việc làm tết thiếu nhiều ứng viên

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (FALMI), thị trường lao động thành phố dịp cận tết có hơn 60.000 chỗ làm việc trống cần tuyển dụng, riêng nguồn việc làm thời vụ chiếm khoảng 30.000 vị trí.

Năm 2016, Sàn GDVL Hà Nội: Hơn 50.000 chỉ tiêu tuyển dụng được rao tuyển - 3

Thống kế cho thấy, các nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhân lực trong quý 4/2016, như: Giày da, dệt may, công nghệ chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin, bán hàng, nhân viên kinh doanh…Nguồn việc làm thời vụ tập trung ở các nhóm ngành như kinh doanh, bán hàng, dệt may, dịch vụ du lịch - nhà hàng - khách sạn, dịch vụ phục vụ.

Theo ông Trần Tuấn Anh - Phó Giám đốc FALMI - số việc làm trong quý 4/2016 tăng hơn 1,5 lần so với quý 3/2016. Nguyên nhân chính do các doanh nghiệp bắt đầu tập trung tuyển dụng lao động làm việc lâu dài và một lượng lao động thời vụ nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, hoàn thành các đơn hàng cuối năm và chuẩn bị sản xuất hàng hóa phục vụ Tết Đinh Dậu 2017.

Thống kê của FALMI cho thấy, các doanh nghiệp tuyển dụng nhân lực dài hạn chú trọng đến chuyên môn và kỹ năng nghề của ứng viên. Trong khi đó, các công việc thời vụ chỉ cần trình độ lao động phổ thông. Hiện nhu cầu tuyển dụng nhân sự có trình độ từ sơ cấp nghề chiếm tới 72%, lao động phổ thông chiếm 28% tổng số lao động cần tuyển dụng.

H.Đ