1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Mới tốt nghiệp: Kinh nghiệm tìm ở đâu?

Nhiều SV mới tốt nghiệp đi xin việc chỉ biết “than trời” khi nhận được những yêu cầu: “có kinh nghiệm làm việc trên ba năm”, “ưu tiên ứng viên có kinh nghiệm”. Không ít người đành tự lui về “đội ngũ dự bị”, nghĩa là... chịu thất nghiệp!

Ai dám tuyển?

 

Tốt nghiệp ngành lý ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM với tấm bằng loại khá, Lê Văn Bình vẫn... thất nghiệp! Lý do: vừa tốt nghiệp, mang đơn đến gõ cửa các công ty, Bình đều được hỏi: “Đã từng làm ở đâu chưa?”.

 

Gia đình khó khăn, Bình đã chịu khó bươn chải làm thêm ngay từ năm nhất... Nhưng công việc gia sư xem ra chưa đủ để Bình “già dặn” hơn trong chuyên môn của mình. “Ông cử” trẻ về quê làm... hàng mã gần một năm, sau đó tìm vài chỗ làm tư nhân để... tích lũy kinh nghiệm. Bình thú thật: “Hồi đi học cơ bản chỉ lo học, chưa từng đi xin việc nên khá non nớt...”.

 

Anh Quách Hải Đạt - trưởng phòng việc làm Trung tâm Hỗ trợ SV TPHCM - nhận định: “Nhiều SV mới ra trường không biết sắp xếp chuẩn bị các loại giấy tờ hồ sơ xin việc, phỏng vấn... trong khi đa số nhà tuyển dụng thường đánh giá ứng viên ngay từ kỹ năng thực hiện hồ sơ xin việc. Phần lớn SV không biết cách thể hiện năng lực của mình trên hồ sơ, chỉ trả lời theo mẫu đơn”.

 

Đó là chưa kể không hiếm SV không định hình được công việc của mình sẽ xin vào làm. Các nhà tuyển dụng cho rằng điều đó do sự kém năng động của chính SV!

 

Giám đốc một công ty cổ phần quảng cáo cho biết: “Có SV tốt nghiệp quản trị kinh doanh đến tìm việc lại hỏi “nhân viên kinh doanh là làm gì?” và không soạn được bản hợp đồng kinh tế... Chắc chắn SV đó chưa từng đi làm thêm công việc nào. Ai dám tuyển?”.

 

Tự ném mình vào thực tế

 

Trong nhiều buổi tiếp xúc giữa doanh nghiệp và SV, thông điệp các nhà tuyển dụng gửi đến các bạn trẻ: cần có một ý thức định hướng nghề nghiệp rõ ràng, đừng để đến lúc ra trường vẫn không biết làm được gì.

 

Chị Phạm Thị Mỹ Lệ - giám đốc Công ty tư vấn và đào tạo nguồn nhân lực L&A - cho rằng: “SV phải chủ động tạo kinh nghiệm cho chính mình ngay khi còn đang học.

Bằng cách nào? Tự đào sâu nghiên cứu chuyên môn để am hiểu lĩnh vực và phải khổ luyện. Cạnh đó, những công cụ hỗ trợ nghề nghiệp cũng không thể thiếu (nhân viên bán hàng, tiếp thị nhất thiết phải giỏi tiếng Anh, kế toán phải giỏi vi tính...)”.

 

Chị Mỹ Lệ có một nhận xét tuy “phũ phàng” nhưng được nhiều ngành đồng cảm: “Không ít SV hiện nay có sức ỳ rất lớn”.

 

Ở các thành phố lớn, SV càng có nhiều cơ hội để tự tích lũy kinh nghiệm lúc ngồi trên ghế giảng đường, thuận lợi xin việc sau này như làm bán thời gian (cố gắng tìm công việc phù hợp ngành nghề đang học), nghiên cứu thị trường và thực tập...

 

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, trưởng khoa ngân hàng ĐH Kinh tế TPHCM, nhiều lần khẳng định: “SV giỏi chuyên môn, có chí tiến thủ, năng động và khả năng làm việc độc lập tốt. Nếu một SV mới ra trường mà hội đủ những tố chất đó thì không một doanh nghiệp nào chê cả”.

 

Cô cựu chủ nhiệm nhóm SV nghiên cứu tài chính SFR ĐH Kinh tế TPHCM - Phạm Thu Hương - cuối năm 1 đã “buổi học, buổi làm thêm” và làm khá nhiều việc: dạy kèm, tiếp thị... Cô SV dân thành phố này “đi làm không chỉ để kiếm tiền mà để sớm tiếp cận với công việc”.

 

Hương nói: “Kinh nghiệm do mình tạo ra chứ không có ai đem tới, đó là hành trang tốt sau này ra trường sẽ dễ dàng tìm được công việc ổn định”. Cuối năm 2, Hương đã làm nhân viên đánh máy ở chi nhánh một công ty quảng cáo, Hương còn phụ làm thư ký, kế toán, phụ trách kinh doanh... như một cách thực tập những gì đã học.

 

Bạn Trần Ngọc Phú, khoa kỹ thuật công trình ĐHDL Công nghệ Sài Gòn, ngay từ năm 2 đã tìm đến các công ty xây dựng xin phụ việc. “Ở đây mình học được rất nhiều bài học thực tế mà nếu chỉ học ở trường thì chẳng bao giờ có được”.

 

Khi đi phỏng vấn nhà tuyển dụng đặt vấn đề kinh nghiệm, Phú đã chứng minh năng lực của mình: đọc những bản vẽ khó bằng tiếng Anh. Tất nhiên chàng trai xứ Quảng này được tuyển dụng ngay.

 

Theo Trần Huỳnh
Tuổi Trẻ