Lương tối thiểu vùng 2016: Cần bổ sung khoản 600.000 - 800.000 đồng tiền thuê nhà

(Dân trí) - Theo Tổng LĐLĐ VN, người lao động sẽ yên tâm làm việc khi các yếu tố đảm bảo các nhu cầu tiêu dùng tối thiểu (một phần của mức sống tối thiểu). Đơn cử như việc cần tăng thêm mức tiền thuê nhà theo thực tế từ 600.000-800.000 đồng/tháng.

Lương tối thiểu vùng 2016: Cần bổ sung khoản 600.000 - 800.000 đồng tiền thuê nhà
Chi phí của người lao động cho việc thuê nhà chiếm một khoản tiền không nhỏ trong tiền lương.

Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, một trong những yếu tố tạo việc làm bền vững là nhu cầu sống tối thiểu của người lao động được đáp ứng đầy đủ. Nhìn từ góc độ lương tối thiểu, việc đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu là căn cứ hết sức quan trọng.

Tại Điều 91 của Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động.

Quan điểm của Tổng LĐLĐ VN cho rằng, nhu cầu sống tối thiểu của người lao động đang được nhiều cơ quan xác định với số liệu khác nhau. Điều đó ảnh hưởng lớn đến việc thống nhất xác định mức lương tối thiểu vùng hàng năm của các bên trong Hội đồng tiền lương Quốc gia.

Trong đề xuất tăng lương tối thiểu, Tổng LĐLĐ VN nhất trí sử dụng phương pháp và số liệu xác định nhu cầu sống tối thiểu của người lao động dựa vào nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của người lao động (có tính đến sự thay đổi thói quen tiêu dùng từng thời kỳ).

Đây là phương pháp được Bộ phận kỹ thuật Hội đồng tiền lương Quốc gia áp dụng khi xây dựng phương án điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu vùng năm 2016.

Tuy nhiên, một bất hợp lý được đại diện Tổng LĐLĐ VN chỉ ra là: Trong số liệu xác định nhu cầu sống tối thiểu của người lao động của Bộ phận kỹ thuật Hội đồng tiền lương Quốc gia nêu trên, tiền thuê nhà được tính bình quân một người là 80.000 đồng/tháng.

Trong khi đó, mức tiền thuê nhà tính trong tiền lương nêu trên là rất thấp, không phản ánh đúng thực tế hiện nay, khoảng 600.000 - 800.000 đồng/gia đình/tháng, theo biểu sau:

Từ thực tiễn trên, Tổng LĐLĐ VN đưa ra một mức đề xuất xác định nhu cầu sống tối thiểu giai đoạn 2015-2017 của người lao động sau khi được điều chỉnh theo thực tế, như sau:

Vùng

Năm 2015

Năm 2016

Năm 2017

Vùng 1

3.920

4.103

4.347

Vùng 2

3.508

3.676

3.801

Vùng 3

3.072

3.219

3.353

Vùng 4

2.730

2.861

3.010

(Đơn vị: 1000 đồng/tháng)

Đây cũng là căn cứ để Tổng LĐLĐ VN đề xuất với Hội đồng tiền lương Quốc gia mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 từ 350.000 - 550.000 đồng/mức (tăng trung bình 16% so với mức lương tối thiểu 2015).

Trước đó, ngày 3/7 tại Hà Nội, đại diện VCCI - một bên trong Hội đồng tiền lương Quốc gia - đã đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là trên 10 %. Lý giải điều này, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng mức tăng này đáp ứng được 3 yêu cầu chính: Bù đắp được sự mất giá của đồng tiền hiện nay, phù hợp với nhịp độ tăng năng suất lao động và rút ngắn một phần mức sống hiện tại của người lao động và mức sống tối thiểu theo Nghị quyết của Đảng đề ra.

Tiền làm thêm, phụ cấp, ăn ca chiếm từ 1/4 -1/3 tổng thu nhập của người lao động

Tổng LĐLĐ VN mới công bố khảo sát tình hình tiền lương, thu nhập của người lao động năm 2015 trong 60 doanh nghiệp, trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố đại diện cho 4 vùng lương tại các lĩnh vực dệt may, giày da, chế biến nông lâm thủy sản, dịch vụ - thương mại, giao thông vận tải, cơ khí, điện tử…

Kết quả cho thấy, tiền lương (thu nhập) trung bình của người lao động vào khoảng 3.817.000 đồng/tháng, trong đó: Tiền lương trung bình vùng I: 4.369.000 đồng/tháng; vùng II: 3.860.000 đồng/tháng; vùng III: 3.811.000 đồng/tháng; vùng IV: 3.225.000 đồng/tháng.

Tiền lương trung bình tính theo loại hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp nhà nước: 4.180.000 đồng/tháng; doanh nghiệp cổ phần hoá: 4.300.000 đồng/tháng; doanh nghiệp FDI: 3.800.000 đồng/tháng; doanh nghiệp dân doanh khác: 3.646.000 đồng/tháng.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, mức lương thực nhận cao hơn tiền lương ghi trong hợp đồng, làm căn cứ để đóng bảo hiểm cho người lao động từ 10 - 14%.

Đồng thời, ngoài ra người lao động có thêm thu nhập từ tiền làm thêm giờ, tiền phụ cấp với nhiều tên gọi khác nhau (nhà ở, xăng xe, đời sống, chuyên cần, thâm niên, trách nhiệm, kỹ năng…) và tiền ăn ca. Các khoản này chiếm từ 1/4 - 1/3 thu nhập của người lao động.

Theo ông Mai Đức Chính: Nếu không có các khoản làm thêm thì thu nhập của người lao động rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn và không thể có tích lũy. Việc công nhân ngừng việc tập thể để phản đối quy định tại điều 60 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 cũng xuất phát từ vấn đề này.

Hoàng Mạnh

 

TIN LIÊN QUAN:

Hơn 5.600 chỉ tiêu được rao tuyển tại Phiên GDVL lưu động huyện Gia Lâm

Theo TT DVVL Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), Phiên GDVL lưu động sẽ thu hút 43 doanh nghiệp, đơn vị tham gia với 5.633 chỉ tiêu, trong đó có 1.713 chỉ tiêu tuyển dụng và 3.920 chỉ tiêu tuyển sinh.

Lương tối thiểu vùng 2016: Cần bổ sung khoản 600.000 - 800.000 đồng tiền thuê nhà - 1

Phiên GDVL sẽ diễn ra tại Trường Trung cấp nghề, số 6 đường Cổ Bi (Gia Lâm, Hà Nội). Trong hơn 5.633 chỉ tiêu, Ban tổ chức tập trung vào nhiều chỉ tiêu học nghề (hơn 3.900 chỉ tiêu), với các nhóm ngành như: may, cơ khí hàn, điện, kinh doanh, xuất khẩu lao động, marketing, nhà hàng - khách sạn, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, giúp việc gia đình…Phần lớn là các doanh nghiệp có như cầu tuyển dụng lao động phổ thông với 827 chỉ tiêu (chiếm 48.28%), trung cấp – công nhân kỹ thuật 660 chỉ tiêu (chiếm 38.53%), lao động có trình độ cao đẳng, đại học 226 chỉ tiêu (chiếm 13.19%).

 M.L

Hội NKT Chương Mỹ (Hà Nội): Chi hội NKT tạo việc làm cho hội viên

Hội NKT huyện Chương Mỹ (Hội NKT Hà Nội) vừa tổ chức lễ ra mắt chi hội NKT xã Quảng Bị. Đây là chi hội đầu tiền của Huyện Chương Mỹ với 70 thành viên được thành lập.

Lương tối thiểu vùng 2016: Cần bổ sung khoản 600.000 - 800.000 đồng tiền thuê nhà - 2

Tại buổi lễ, Ban chấp hành gồm 3 cán bộ đã được thành lập. Chức vụ Chi hội được bầu là ông Trịnh Đình Tính. Chi hội được hình thành chính thức sẽ góp phần tạo điều kiện để NKT tham gia vào hòa nhập cộng đồng và tìm kiếm việc làm. Theo Hội NKT Quảng Bị, toàn xã có 375 NKT, chiếm 3,22 % dân số trong xã. Sau một thời gian tuyên truyền vận động, hơn 60 NKT trong xã đã tham gia vào Chi hội. Trong hoặc động bước đầu, Chi hội kết hợp với Hội NKT huyện Chương Mỹ  tổ chức cho 10 hội viên vay tổng số vốn hơn 200 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Chi hội còn phối hợp với Trung tâm dạy nghề tư thục May tre đan Phú Vinh dạy nghề may tre đan cho gần 60 hội viên.

V.Đ

Điểm hẹn việc làm quận, huyện của thành phố Cần Thơ năm 2015

Trung tâm DVVL Cần Thơ phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận, huyện dự kiến tổ chức “Điểm hẹn việc làm quận, huyện của thành phố Cần Thơ năm 2015” vào trung tuần tháng 7. Chương trình sẽ thực hiện 16 kỳ Điểm hẹn việc làm tại 5 quận, huyện: Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ, Phong Điền, Vĩnh Thạnh. Trung tâm DVVL thành phố Cần Thơ phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Thạnh tổ chức kỳ Điểm hẹn việc làm đầu tiên tại huyện Vĩnh Thạnh, Địa điểm: UBND Thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ.

Lương tối thiểu vùng 2016: Cần bổ sung khoản 600.000 - 800.000 đồng tiền thuê nhà - 3

Người lao động tới dự sẽ được tiếp cận với các thông tin về cơ hội học nghề đang tuyển sinh và cơ hội việc làm cần tuyển dụng nhân lực; Tổ chức giao dịch việc làm trực tiếp giữa người tìm việc và nhà tuyển dụng; tiếp xúc, kết nối với nhà tuyển dụng qua mạng Internet và Cổng thông tin việc làm Cần Thơ; Tư vấn lập hồ sơ dự tuyển và viết C.V; Hướng dẫn kỹ năng dự phỏng vấn; Gameshow “Vòng quay việc làm” về kiến thức xã hội và hiểu biết về nghề nghiệp, việc làm. Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ, số 95 - 97 đường Trần Hưng Đạo, phường An Phú, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Điện thoại: (0710) 3832486; Fax: (0710)3830249.

B.K