Lương tối thiểu tăng 12,4%: Các bên đã hài lòng?

(Dân trí) - Sau 3 cuộc tranh luận giằng co về đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, kết quả cuối cùng đã được ấn định bằng bỏ phiếu với 92,8% thành viên đồng thuận mức 12,4% (từ 250.000-400.000 đồng/mức). Ý kiến của các bên ra sao khi kết quả này đều khác xa quan điểm ban đầu?

Lương tối thiểu tăng 12,4%: Các bên đã hài lòng? - 1

Đại diện các bên công bố kết quả sau cuộc họp hôm 3/9.

Sự giằng co bảo vệ quan điểm của các bên cũng dễ hiểu, bởi việc tăng - giảm một tỉ lệ phần trăm rất nhỏ tiền lương tối thiểu vùng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới mức đóng bảo hiểm xã hội của 14-15 triệu lao động làm công ăn lương chịu ảnh hưởng trực tiếp của lương tối thiểu vùng.

Về lâu dài, mức tăng lương tối thiểu còn ảnh hưởng tới mức lương hưu của người lao động được hưởng sau này.

Đồng thời, việc tăng giảm lương tối thiểu cũng làm phát sinh một nguồn ngân sách khổng lồ của hơn 400.000 doanh nghiệp cho các khoản: Đóng BHXH, BHYT, kinh phí công đoàn... Chỉ tính riêng chi phí đóng BHYT, BHXH, phí công đoàn làm tăng chi phí lao động của doanh nghiệp lên 15-17% (tương ứng với 1,2-1,5% tổng chi phí của doanh nghiệp) do mức lương tham gia BHXH, BHYT hiện tại ở các chỉ bằng 60-70% tiền lương của người lao động.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và thương mại VN (VCCI): “VCCI chưa thực sự thỏa mãn với kết quả”.

Lương tối thiểu tăng 12,4%: Các bên đã hài lòng? - 2

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và thương mại VN.

Vị đại diện VCCI tại cuộc họp cho rằng: Mặc dù Hội đồng thông qua được kết quả cuối cùng cho đợt tăng lương tối thiểu vùng 2016, nhưng thực sự mức tăng này là một gánh nặng lớn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Giải thích lý do VCCI luôn đưa ra quan điểm tăng 10 % nhưng cuối cùng đã đồng thuận với mức 12,4%, ông Hoàng Quang Phòng cho rằng: “Chúng tôi vẫn nói, mức tăng trên 10 % là quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Qua khảo sát 16 hiệp hội doanh nghiệp, trong đó có 14 hiệp hội nước ngoài đều kiến nghị mức tăng chỉ 5-6, 6-7, 9-10%.

Ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia: “Hội đồng tiền lương Quốc gia có 14/15 thành viên tham gia bỏ phiếu, có 1 thành viên đi vắng. Số phiếu hợp lệ là 14 phiếu và số phiếu đồng thuận với phương án đưa ra là 92,8%. Đây là phương án đã được các thành viên của hội đồng đồng thuận cao nhất trong 3 năm qua. Mức điều chỉnh tiền lương năm 2016 bằng mức điều chỉnh của năm 2015”.

Với nghiên cứu của bộ phận kỹ thuật, VCCI đề xuất mức trên dưới 10%. Qua thương lượng, chúng tôi có đề xuất lên mức 10,7 %. Tuy nhiên, do cơ chế hoạt động của Hội đồng là đồng thuận để kiến nghị lên Chính phủ. Dù chưa thỏa mãn nhưng VCCI buộc phải chấp nhận với kết quả này”.

Mặc dù vậy, ông Hoàng Quang Phòng dự kiến sẽ tập hợp các ý kiến của doanh nghiệp về việc điều chỉnh mức đóng BHXH nhằm “giảm nhẹ cũng như giãn lộ trình đóng góp để hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2016 trở đi”.

Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN: “Mức tăng phần nào có cơ sở để giải thích với người lao động”.

Lương tối thiểu tăng 12,4%: Các bên đã hài lòng? - 3

Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN.

Chúng tôi đã có sự nhân nhượng trong việc điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu vùng 2016. Kết quả mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 từ 250.000-400.000 đồng/mức cũng tương đương với mức tăng cho năm 2015. Điều này phần nào là cơ sở để giải thích với người lao động rằng, tăng năm trước như thế nào thì năm nay ít nhất cũng tăng như vậy.

Mức tăng lương tối thiểu sẽ tiêu tốn thêm cho doanh nghiệp bao nhiêu kinh phí? “Với mức tăng 12,4 %, toàn ngành dệt may chi thêm 450 tỉ đồng tiền kinh phí công đoàn, trên 6000 tỉ đồng cho BHXH. Đây là áp lực chúng tôi phải tính toán để bảo vệ quyền lợi người lao động. Tuy nhiên, cộng đồng sẽ tìm ra giải pháp và chiến lược để đào tạo nâng cao tay nghề của người lao động và từ đó tăng năng suất lao động. Bởi tăng năng suất lao động là vấn đề cơ bản nhất trong việc đối mặt với việc chi phí từ năm 2016 sẽ tăng nhanh” - Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội dệt may VN nhận định.

Chia sẻ những nhận xét riêng, ông Mai Đức Chính cho rằng: “Thực tế, doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động cao hơn lương tối thiểu gấp 1,5 lần. Chúng tôi có danh sách doanh nghiệp ở Bình Dương, Hà Nội và TP HCM trả lương cho người lao động từ 5,5 - 6 triệu đồng/người”.

Vị đại diện Tổng LĐLĐ VN tại cuộc họp cho biết thêm: Mức tăng lên 3.500.000 đồng/mức (vùng 1) không làm tăng tác động về quỹ lương. Mức này chỉ điều chỉnh về tiền đóng BHXH. Trước đây, doanh nghiệp đóng cho lao động ở vùng 1 mức 3.100.000 đồng thì nay tăng lên đóng ở mức 3.500.000 đồng.

“Nếu theo đề xuất của Tổng LĐLĐ VN, lộ trình tăng lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động sẽ hoàn thành vào năm 2017. Khi đó, từ năm 2018, lương tối thiểu chỉ cần tăng 5-6 %” - ông Mai Đức Chính kỳ vọng.

Mức tăng lương tối thiểu vùng 2016 đáp ứng bao nhiêu mức sống tối thiểu? “Tôi cho việc tăng lương tối thiểu vùng 2016 sẽ đáp ứng trên 80% mức sống tối thiểu. Theo ILO, mức lương tối thiểu chỉ nên để từ 40-60 % mức lương trung bình. Để cho khoảng còn lại để thương lương. Nếu chúng ta quy định mức lương tối thiểu quá cao, sát với lương trung bình thì gần như không còn cơ chế thương lượng.

Chúng ta đang cố gắng lương tối thiểu bằng 60 % lương trung bình. Chúng tôi đang chỉ đạo bộ phận kỹ thuật để cho cuối năm 2015 và đầu năm 2016 chuẩn bị lại số liệu tính toán và kể cả nền nhu cầu, các yếu tố đề chúng ta xác định lại mặt bằng mới để bắt đầu thực hiện lại từ năm 2017” - Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia.

Hoàng Mạnh