Lương tối thiểu “làm khổ” người lao động

(Dân trí) - “Lương tối thiểu hiện đang bị doanh nghiệp lợi dụng để “ép” người lao động. Nhà nước công bố mức 1,9- 2 triệu đồng, họ thường chỉ trả nhỉnh hơn một chút. Mức lương đó vẫn không đảm bảo mức sống tối thiểu…”

Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai bày tỏ xung quanh vấn đề lương, cải cách tiền lương. 

Lương tối thiểu “làm khổ” người lao động - 1
Qua nhiều lần điều chỉnh, lương tối thiểu vẫn lệch xa đời sống.

Khảo sát mới đây của Bộ Nội vụ cho thấy, 49% công chức hiện nay nhận mức lương không đủ để tái tạo sức lao động?

Khảo sát vừa rồi của Bộ Nội vụ về tiền lương của công chức nhưng tôi nghĩ không chỉ với đối tượng này, tiền lương cho người lao động nói chung là vấn đề phải xem xét tổng thể khi bắt đầu chiến lược cải cách tiền lương cho 10 năm vào năm tới. Đặt câu hỏi tại sao lương tối thiểu là mức sống tối thiểu, nhưng bản thân việc xác định mức sống tối thiểu thì lý do gì mà định đoạt mức sống tối thiểu của cán bộ công chức và của người lao động lại khác nhau.

Bộ Luật lao động sửa đổi lần này đang hướng tới giải quyết vấn đề lương, lương tối thiểu cho 15 triệu người tham gia quan hệ lao động.

Cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã có hướng sửa đổi quy định thế nào để kéo lương tiệm cận với mức sống?

Hướng là tiền lương phải tính theo đúng giá cả của sức lao động trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Nói lương là sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động nhưng phải có cơ sở đảm bảo có sự thỏa thuận công bằng bởi người lao động bao giờ cũng ở thế yếu hơn trong quan hệ này. Cũng chưa có cơ sở nào để xét tiền lương mà chủ sử dụng lao động đưa ra đã hợp lý, đúng giá cả sức lao động của người lao động bỏ ra.

Vì vậy nhà nước phải quy định cơ chế thông tin để người lao động biết tiền lương đối với ngành nghề của mình trong từng giai đoạn, làm cơ sở cân nhắc thỏa thuận với chủ sử dụng. Nhà nước phải quy định thang lương, bảng lương để kiểm tra kiểm soát hoặc phải quy định cách thức trả lương để đảm bảo tính hợp lý trong trả tiền lương cho người lao động. Bên cạnh đó, nhà nước sẽ định kỳ công bố tiền lương tối thiểu (được xem như mức sàn tối thiểu, mức sống tối thiểu) để người lao động, chủ sử dụng lao động căn cứ vào đó để đưa ra mức giá thỏa thuận về tiền lương.

Nhưng không ít ý kiến quan ngại, việc đặt ra lương tối thiểu dễ bị người sử dụng lao động lợi dụng để ép, khống chế mức thỏa thuận với người lao động?

Đúng là tiền lương tối thiểu phải hướng tới việc không để người chủ sử dụng lao động lạm dụng, khống chế mức chi trả cho người lao động. Hiện có tình trạng các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp FDI, khi chúng ta công bố lương tối thiểu khoảng 1,9- 2 triệu đồng, họ có thể trả nhỉnh hơn mức đó một chút. Như vậy cũng không phải là mức đảm bảo sự công bằng hợp lý đối với người lao động. Nhà nước phải can thiệp, điều chỉnh việc này.

Tiêu chí nào để xác định giá trị thực của sức lao động làm cơ sở định lương?
 
Lương tối thiểu “làm khổ” người lao động - 2
Bà Trương Thị Mai: "Tiêu chí để tính lương là mức sống thực tế" (ảnh: Việt Hưng).

Đây chính là điểm thể hiện vai trò của nhà nước. Dự thảo luật sửa đổi lần này quy định nhà nước phối hợp với tổ chức công đoàn định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm đưa các thông tin công khai minh bạch về tiền lương. Ví dụ, vùng Đông Nam Bộ hiện mức lương có ngành dệt may khoảng 4-5 triệu đồng/tháng là hợp lý. Đó sẽ được xem như lương mẫu để người lao động biết mình được trả lương hợp lý hay chưa. Hiện nay người lao động không có cơ sở gì mà chỉ dựa trên căn cứ tự mỗi người cho là mức lương đáp ứng được phần nào đó sự hợp lý đối với các nhu cầu của mình để ký kết hợp đồng lao động.

Có nghĩa là phải dựa trên cơ sở mức sống thực tế để tính lương và nhà nước phải làm việc này vì nếu nhà nước, tổ chức đại diện cho người lao động ở cấp TƯ không làm được việc này thì người lao động rất khó để quyết định mức lương thỏa thuận với chủ sử dụng lao động.

Trong điều kiện lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng như hiện nay đặt ra các mức sàn, mức tiền lương cứng có hợp lý?

Chính việc chỉ số giá tiêu dùng của chúng ta tăng liên tục trong nhiều năm làm cho nền kinh tế của chúng ta không ổn định. Chúng ta đưa ra mục tiêu bắt đầu từ năm sau khi chỉ số giá tiêu dùng quay trở lại mức một con số, hoàn toàn có thể tính toán được tiền lương hợp lý và công bố thông tin đó.

Khi nào có thể hiện thực được mức lương theo mức sống khi lộ trình cải cách tiền lương hiện vẫn chỉ ở mức “nhỏ giọt”, mỗi năm tăng thêm được vài ba trăm nghìn?

Năm nay đã có tiến bộ là đưa được mức lương 3 khu vực đi về thời hạn trước một năm. Dự kiến ban đầu, đến năm 2012, khu vực FDI, khu vực tư nhân, khu vực nhà nước cùng chung một mức lương, nhưng năm nay chúng ta quyết định triển khai sớm hơn nhằm mục đích tạo điều kiện cho người lao động một mức sống đảm bảo được cho một năm mà lạm phát tăng cao như này. Năm sau mới bắt đầu thực hiện lộ trình cải cách tiền lương cho 10 năm sắp tới. Vấn đề này sẽ được thảo luận một cách chi tiết để đưa ra định hướng cụ thể hơn.

Năm 2012 dự kiến điều chỉnh lương công chức thêm khoảng 200.000 đ, lên mức 1,05 triệu đồng mà ước tính ngân sách đã phải chi thêm 59.000 tỷ đồng. Việc này sẽ tăng thêm gánh nặng cho ngân sách vốn đã rất hạn hẹp?

Tôi nghĩ rằng gánh nặng ngân sách cũng phải chấp nhận vì cán bộ công chức, người lao động cần có lương tối thiểu đảm bảo đáp ứng được nhu cầu tối thiểu thì người ta mới có thể tiếp tục làm việc được. Dù ngân sách có thế nào cũng vẫn phải ưu tiên để giải quyết vấn đề này. Khối doanh nghiệp cũng phải chịu áp lực khi mà chúng ta công bố lương tối thiểu sớm hơn thời hạn nhưng họ vẫn phải chấp nhận. Phải vận động khuyến khích để giải quyết vấn đề này bởi nếu mức lương không thể đáp ứng được mức sống tối thiểu sẽ rất khó khăn.
 
Xin cảm ơn bà!

P.Thảo (ghi)