1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lương tối thiểu đã trở nên lạc hậu!

(Dân trí) - Tại buổi đối thoại trực tuyến với người dân, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận, trong tình trạng lạm phát và giá cả tăng cao, người thu nhập thấp sẽ gặp khó khăn rất lớn trong cuộc sống; lương tối thiểu không còn phù hợp với lạm phát tăng mạnh.

Cuộc đối thoại trực tuyến chiều 19/12, Bộ trưởng  Bộ Lao động Thương binh và Xã hội  (LĐ – TB&XH)  và lãnh đạo các đơn vị chức năng đã tập trung vào các nhóm vấn đề chính: Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011-2015; thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động; trợ cấp, trợ giúp các đối tượng khó khăn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Trong buổi trực tuyến với người dân về công tác an sinh xã hội, trước băn khoăn của người lao động về việc điều chỉnh chế độ tiền lương năm 2012, khi quy định mức lương tối thiểu không còn phù hợp do lạm phát tăng cao, Bộ trưởng cho rằng lương tối thiểu là vấn đề nhạy cảm. Quá trình xây dựng lương tối thiểu được dựa trên căn cứ khoa học về mức sống tối thiểu.

Lương tối thiểu đã trở nên lạc hậu! - 1

Bộ trưởng Bộ LĐ- TB &XH Phạm Thị Hải Chuyền (bên phải) tại buổi đối thoại trực tuyến với người dân.

"Tuy nhiên, khi xây dựng, so với quá trình trượt giá thì đến thời điểm này, rõ ràng mức lương tối thiểu cần được xem xét. Quốc hội cũng đã giao cho Chính phủ xây dựng Luật lương tối thiểu và tới đây, trong quá trình xây dựng luật, nội dung cụ thể này sẽ được giải quyết", Bộ trưởng nói.

Cũng trong buổi đối thoại  trực tuyến, Bộ trưởng bộ LĐ- TB &XH cho rằng, lạm phát và giá cả tăng cao, người thu nhập thấp sẽ gặp khó khăn rất lớn trong cuộc sống. Để hạn chế tình trạng đó, Bộ đã phối hợp với Bộ Tài chính và một số bộ ban hành chính sách cụ thể như hỗ trợ tiền điện hàng tháng là 30.000 đồng (từ tháng 3/2011) đối với các hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, hỗ trợ 250.000 đồng cho những người có mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội dưới 2,5 triệu đồng một tháng, hỗ trợ 60.000 tấn gạo cứu đói cho 811.000 hộ với 2 triệu khẩu.

Chia sẻ tình hình từ đầu năm đến nay, do gặp nhiều khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ phải ngừng hoạt động, dẫn đến số lao động thất nghiệp gia tăng, Bộ trưởng đưa ra thông tin chính thức: Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 11/2011, doanh nghiệp đã đăng ký 609.907, doanh nghiệp đã thu hồi chứng nhận đăng ký là 76.317, chiếm khoảng 12,6%, chứ không phải 40%. Tuy nhiên, trong số chưa phải thu hồi cũng có một số doanh nghiệp gặp khó khăn, có thể tạm dừng sản xuất, ảnh hưởng nhất định tới đời sống người lao động hoặc ảnh hưởng tới việc làm.

“Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Thứ nhất, làm sao để những người lao động này có việc làm ở nơi khác. Thứ hai, hỗ trợ họ nếu chưa thể tìm việc làm ở chỗ khác. Bộ cũng đã chỉ đạo cụ thể như có văn bản đề nghị địa phương ưu tiên những người thất nghiệp vay vốn từ Quỹ việc làm quốc gia; chỉ đạo các trung tâm giới thiệu việc làm cung cấp thông tin về thị trường lao động để họ có thể tìm được việc làm mới; thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp; kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ chính sách đối với người lao động”- Bộ trưởng  nói.

Lương tối thiểu đã trở nên lạc hậu! - 2

Lạm phát tăng cao khiến đời sống người lao động thêm khó khăn. (Ảnh minh họa: CTV)

Về vấn đề thưởng Tết, Bộ trưởng Chuyền cho biết, đang tiếp nhận báo cáo của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, sau khi có số liệu sẽ báo cáo với Thủ tướng. Tuy nhiên về mặt nguyên tắc thì đúng là với trường hợp các công ty báo lỗ sẽ không có chế độ thưởng Tết.

 "Trong đợt Tết Nguyên đán sắp tới, Bộ chủ trương hỗ trợ tiền tiêu Tết đối với người thuộc diện chính sách. Bộ cũng đã có công văn yêu cầu các địa phương rà soát người khó khăn, vùng bão lũ để có giải pháp hỗ trợ kịp thời"- Bộ trưởng thông báo.

Trước câu hỏi của người dân về việc áp dụng tính toán khi đưa ra mức chuẩn nghèo trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay, Bộ trưởng Chuyền khẳng định: Chuẩn nghèo được xác định trên cơ sở chuẩn chi tiêu tối thiểu. Trên cơ sở đó Nghị quyết (NQ) 9/2009 của Chính phủ đã quy định rõ, chuẩn nghèo đối với bình quân 1 khẩu là 400.000 đồng/tháng ở nông thôn, 500.000 đồng/tháng ở thành thị. Bộ Trưởng cũng nhìn nhận, với chuẩn ấy, về nguyên tắc phù hợp tại thời điểm ban hành quy định, nhưng khi trượt giá cần nâng chuẩn lên. Nhưng thực tế, việc nâng chuẩn nghèo cần có quá trình nghiên cứu đánh giá, khảo sát và phải phụ thuộc khả năng chung của ngân sách để hỗ trợ cho người nghèo theo chuẩn nghèo đó. Do vậy, không thể ngay một lúc có thể thay đổi chuẩn nghèo. Tuy nhiên, trong bối cảnh trượt giá, nếu quá khó khăn, Chính phủ sẽ nghiên cứu biện pháp hỗ trợ nhất định để đảm bảo mức tối thiểu.

Về công tác an sinh xã hội theo NQ 11 của Chính phủ, Bộ trưởng khẳng định,  trong bối cảnh kinh tế hết sức khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến chính sách an sinh xã hội. Cụ thể, riêng năm 2011, Chính phủ vẫn bố trí kinh phí để giảm nghèo gấp đôi so với năm 2010. Vừa qua, Chính phủ cũng đã thực hiện sơ kết 3 năm thực hiện NQ 30a về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo. Theo báo cáo, tổng số vốn ngân sách trung ương đã bố trí để hỗ trợ thực hiện chương trình theo NQ 30a kể từ năm 2008 là 8.535 tỷ đồng, trong đó cho đầu tư là 6.493 tỷ đồng còn lại là vốn sự nghiệp, giúp các huyện nghèo chủ động giải quyết các khó khăn trên địa bàn. Bên cạnh vốn ngân sách, Chính phủ dành ưu tiên trong phân bổ vốn trái phiếu, vốn ODA cho các huyện nghèo. Với tổng số kinh phí 22.000 tỷ đồng trong 3 năm, bình quân mỗi huyện được bố trí 118 tỷ đồng một năm.

P. Thanh