1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa: Đòi bằng được lương và BHXH cho công nhân

Nói thẳng nói thật, nói đến tận cùng sự việc và cần thiết, truy luôn nguyên nhân và xử lý ngay sự việc trong hội nghị, giao ban. Đó là điều nổi bật tại LĐLĐ tỉnh Thanh Hoá. Chính sự mạnh mẽ, quyết liệt này đã giúp tổ chức Công đoàn Thanh Hoá tham gia sâu và hiệu quả nhiều vấn đề nổi cộm, góp phần ổn định tình hình và thiết thực bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ).

Công đoàn không phải nói chung chung

Ông Ngô Tôn Tẫn - Chủ tịch LĐLĐ Thanh Hoá - thẳng thắn: “Ở LĐLĐ Thanh Hoá, cán bộ CĐ nói và làm luôn đi đôi. Tổ chức CĐ vừa đi đầu tổ chức các hoạt động tập thể tạo sự gắn kết trong CNLĐ, góp phần nâng cao năng suất LĐ, ổn định sản xuất nhưng cũng rất quyết liệt tham gia những sự việc cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi NLĐ”.

Theo ông Tẫn, từ năm 2011 đến nay, tổ chức CĐ Thanh Hoá đã tham gia giải quyết nhiều vụ việc tranh chấp LĐ, có những vụ rất phức tạp. Tính từ năm 2011 đến tháng 6.2016, toàn tỉnh xảy ra 37 cuộc ngừng việc tập thể không đúng pháp luật.


Công nhân trong dây chuyền sản xuất của Cty CP ximăng Công Thanh. Ảnh: Sĩ Chức

Công nhân trong dây chuyền sản xuất của Cty CP ximăng Công Thanh. Ảnh: Sĩ Chức

Thời gian mỗi cuộc ngừng việc tập thể thường kéo dài từ 2 - 7 ngày, số LĐ tham gia từ 200 - 8.000 LĐ. Lớn nhất là các cuộc ngừng việc tập thể ở các Cty thuộc Tập đoàn Hồng Phúc năm 2012. Các cuộc ngừng việc tập thể này chủ yếu xảy ra ở các DN may mặc, giày da (86,7%); nguyên nhân chủ yếu do mâu thuẫn về chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc.

Trước những sự việc như vậy, LĐLĐ Thanh Hoá đã chủ động cùng với CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo CĐCS phân công các uỷ viên BCH LĐLĐ tỉnh nắm tình hình, phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành chức năng tổ chức đối thoại với NLĐ cũng như chủ SDLĐ để hiểu rõ bản chất sự việc, sau đó hướng dẫn NLĐ cách kiến nghị, đưa yêu sách sao cho hợp lý, đúng quy định.

CĐ sẽ đại diện cho NLĐ đứng ra đàm phán, yêu cầu chủ SDLĐ giải quyết. CĐ luôn sát cánh cùng NLĐ, tuyên truyền vận động NLĐ bình tĩnh, kiên trì đấu tranh đúng luật nhằm vừa đảm bảo quyền lợi NLĐ nhưng vẫn hỗ trợ DN ổn định sản xuất.

Điển hình vụ ngừng việc tập thể của 3.035 CN Cty TNHH Ivory (Hậu Lộc) xảy ra từ 23 - 28.8.2013. Ngay khi xảy ra vụ việc, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp CĐ vào cuộc đồng thời làm việc với Bí thư Huyện uỷ, đề nghị chỉ đạo các ngành nhanh chóng làm việc với lãnh đạo DN kiên quyết yêu cầu DN phải thực thi đúng pháp luật Việt Nam, giám sát đến cùng việc thực thi quyền lợi chính đáng cho NLĐ và cảnh báo DN nguy cơ tái đình công nếu DN tiếp tục vi phạm quyền lợi NLĐ. Cuối cùng, chủ DN phải chấp nhận các yêu sách chính đáng của CN.

Đòi bằng được lương và BHXH cho công nhân

Cán bộ CĐ Thanh Hoá không phải là những người chỉ nói chung chung, họ sẵn sàng xắn tay đeo bám vụ việc đến tận cùng, đòi bằng được lương, BHXH cho công nhân. Điển hình vụ việc tại Cty CP ximăng Công Thanh. Đến tháng 2.2016, Cty này nợ đọng BHXH, BHYT lên con số trên 7 tỉ đồng, không ký HĐLĐ dù NLĐ đã làm việc trên 12 tháng, nợ lương CN tới 4 tháng.

CĐ KKT Nghi Sơn cũng như BQL KKT Nghi Sơn đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu chấp hành nhưng Cty vẫn trây ỳ. Trước tình hình này, LĐLĐ Thanh Hoá đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo Cty yêu cầu giải quyết ngay quyền lợi cho CN. Chỉ đạo CĐCS không bỏ phiếu tín nhiệm ông Nguyễn Công Lý - Chủ tịch HĐQT Cty ứng cử đại biểu QH nếu không thực hiện quyền lợi chính đáng của NLĐ. Phối hợp với PV thường trú Báo Lao Động phản ánh rõ vấn đề của Cty…

Với hàng loạt biện pháp, cuối cùng Cty đã kịp thời nộp đầy đủ số nợ BHXH, BHYT với số tiền hơn 7 tỉ đồng, ký HĐLĐ với hơn 400 CN, trả đầy đủ nợ lương.

Trên địa bàn Thanh Hoá có 36 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 89.334 LĐ, chiếm 37,3% số CN toàn tỉnh. Các cuộc giao ban DN FDI hằng tháng ở trụ sở LĐLĐ tỉnh luôn sôi nổi từ phút đầu đến phút cuối. Trong các cuộc giao ban này, đại diện DN cũng như cán bộ CĐCS có thể nói thẳng tất cả những bức xúc, vướng mắc ở đơn vị mà không cần câu nệ, thưa gửi nhiều.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh lắng nghe, đối thoại thẳng thắn, nếu sự việc cấp bách thì truy đến cùng nguyên nhân và chỉ đạo giải quyết ngay trong giao ban. Chẳng hạn, trong cuộc giao ban tháng 1.2016, Cty TNHH Sakurai Việt Nam còn nợ tiền ốm đau, thai sản của NLĐ trên 2 tỉ đồng. Đây là thời điểm giáp tết nên CNLĐ rất bức xúc. Cán bộ CĐCS báo cáo cho biết, khi làm việc với Cty, lãnh đạo Cty cho rằng do Cty đang khó khăn, chờ cơ quan BHXH quyết toán mới có tiền chi trả.

Ngay tại giao ban, ông Ngô Tôn Tẫn chủ trì hội nghị đã gọi điện cho Cơ quan BHXH huyện để biết rõ tình hình và bàn ngay với cơ quan BHXH tỉnh duyệt chi ngay hơn 2 tỉ đồng cho NLĐ giúp giải toả khó khăn, bức xúc của NLĐ và tạo điều kiện ổn định cho DN.

“Những việc làm cụ thể như vậy khiến NLĐ tin tưởng mạnh mẽ vào tổ chức CĐ, khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức CĐ trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ cũng như tạo dựng mối quan hệ lao động hài hoà, là chỗ dựa cho không chỉ NLĐ mà cả DN và để minh chứng rằng, tổ chức CĐ không phải chỉ nói chung chung mà rất cụ thể” - ông Ngô Tôn Tẫn - Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch LĐLĐ Thanh Hoá khẳng định.

Theo Báo Lao động