1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lao động trẻ sốc vì một năm 3 lần mất việc

Kinh tế khó khăn, DN co hẹp sản xuất, sa thải lao động. Nhiều bạn trẻ mới ra trường, đi làm đã đối mặt với cảnh mất việc. Đây là một cú sốc khiến họ gặp nhiều khó khăn, bị áp lực lớn và mất tự tin bước đầu vào đời.

Phạm Thị Luyến (thị trấn Sao Đỏ, Hải Dương) chia sẻ: "Mình tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán nhưng đã thất nghiệp gần một năm nay. Cách đây 3 năm, sau khi tốt nghiệp hệ cao đẳng của một trường đại học vài tuần mình đã xin được một công việc làm đúng với chuyên ngành học với vị trí kế toán tổng hợp ở công ty kinh doanh về lĩnh vực dịch vụ. Sau đó mình vừa làm vừa học liên thông đại học. Đến khi tốt nghiệp đại học xong cũng là lúc công ty cắt giảm nhân sự và mình phải nghỉ việc".

 

Chị Luyến tâm sự: "Lúc đầu, mình nghĩ với gần 2 năm kinh nghiệm làm kế toán tổng hợp thì sẽ dễ dàng tìm được việc mới và với một mức lương cũng tương đối, nhưng sự thật không như thế. Mình đã đi xin việc rất nhiều công ty khác nhau. Có công ty nhận hồ sơ xong rồi biệt tăm không liên hệ lại, có công ty thì phỏng vấn, làm bài test và hẹn sẽ gọi lại nhưng cũng lại "bặt vô âm tín". Ngày nào mình cũng lên mạng tìm việc rồi mang hồ sơ tới các công ty xin việc. Cứ thế cứ thế tới bây giờ đã hơn 1 năm rồi mà mình vẫn thất nghiệp. Giờ đây, mình rất lo sẽ còn thất nghiệp dài".

 

Tốt nghiệp khoa Quan hệ quốc tế, Đại học KHXH-NV Hà Nội mới 1 năm những Lê Vân Quỳnh Trang (Khoái Châu, Hưng Yên) đã 3 lần chuyển việc. Trang kể lại: "Sau khi ra trường, em tìm được việc làm ngay tại một công ty bất động sản với vai trò là điều phối viên dự án. Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng, em phải xin thôi việc vì công việc không phù hợp với định hướng nghề nghiệp của bản thân là quản lý nhân sự. Chuyển sang một công ty khác, em làm việc theo đúng định hướng tại phòng nhân sự. Tuy nhiên, cũng chỉ nửa năm sau em phải nghỉ việc vì em bị chuyển sang phòng sản xuất do công ty gặp khó khăn.

 

Trang nói: "Hiện tại, em đã thất nghiệp 3 tháng. Đã mang hồ sơ đi xin việc ở nhiều nơi, tham gia phỏng vấn cũng nhiều mà vẫn chưa có công ty nào lựa chọn. Bây giờ, tình hình kinh tế khó khăn nên cơ hội việc làm cũng rất ít".

 

Có bằng cử nhân Báo chí nhưng Chu Thị Thu Hoài (Ba Vì, Hà Nội) hiện vẫn chỉ là cộng tác viên cho một tờ báo. Hoài cho biết: Trước đây, mình làm việc tại một công ty truyền thông. Đến lúc tài chính khó khăn, phòng mình bị giải tán nên mình mất việc. Từ hơn một năm nay, mình làm cộng tác viên cho một tờ báo để có thu nhập trang trải cuộc sống. Cứ nghĩ về công việc là mình thấy buồn bã và chán nản.

 

Lao động trẻ sốc vì một năm 3 lần mất việc
Sinh viên mới ra trường chật vật tìm việc làm (ảnh Tiền Phong)

 

"Thất nghiệp cứ kéo dài thế này mình sẽ mất hết tự tin, kiến thức đã có bị mai một, và những kiến thức mới thì sẽ không cập nhật được như vậy sẽ càng khó xin việc hơn. Và cả chuyện tài chính nữa, nếu không đi làm thì chỉ sau 1 hay 2 tháng nữa mình không biết sẽ lấy đâu ra tiền để sống nữa khi chi phí sinh hoạt hàng ngày ở mức cao và giá cả thì ngày một tăng. Mình đã cố tìm ra nguyên nhân tại sao mình chưa xin được việc, có thể do kiến thức và kinh nghiệm của mình còn hạn chế và may mắn chưa mỉm cười với mình? Mình bế tắc quá, bây giờ mình không biết phải làm thế nào nữa", Hoài lo lắng.

 

Trang chia sẻ hiện tại đang dạy thêm cho một trung tâm tiếng Anh. Công việc làm chủ yếu vào buổi tối nên rất vất vả, tiền công lại thấp. Đành phải cố gắng vì đó là nguồn thu chính đảm bảo cho cuộc sống trong thời gian chờ việc. Thấy con gái đã ra trường một năm mà vẫn chưa ổn định công việc, bố mẹ Trang cũng rất lo lắng. Bây giờ, cô không dám về quê vì gặp ai cũng hỏi han về công việc, lương bổng. Trang cảm thấy rất áp lực.

 

"Sau 3 năm ra trường, công ăn việc làm ổn định mà bản thân vẫn chưa đâu vào đâu nên mình thấy rất tự ti. Cũng đã đến tuổi lập gia đình nhưng mình chưa dám kết hôn vì thất nghiệp, cuộc sống không ổn định", Hoài tâm sự.

 

Theo điều tra của Viện Nghiên cứu thanh niên, 70% sinh viên Việt Nam cho biết lo lắng hàng đầu hiện nay là việc làm. Điều tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có tới 63% sinh viên tốt nghiệp Đại học và Cao đẳng ra trường không có việc làm, 37% có việc làm nhưng nhiều sinh viên phải làm trái nghề hoặc phải qua đào tạo lại.

 

Theo Mạnh Phúc

VEF