1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lao động nội cần thêm hỗ trợ trước sức ép lao động ngoại

(Dân trí) - Các địa phương kiến nghị cần có thêm những quy định cụ thể và thực tế hơn nhằm tạo cơ hội để lao động nội địa không bị lao động ngoại lấn át ngay trên sân nhà.

Nghị định 46, sửa đổi bổ sung một số điều của nghị định 34 về quản lý lao động nước ngoài vừa được Chính phủ ban hành có nhiều điểm mới nhằm siết lại chuyện cấp phép, quản lý lao động nước ngoài vốn bị xem là quá lỏng lẻo hiện nay. Điểm mới nhất của nghị định này là quy định bổ sung việc đăng ký sử dụng lao động nước ngoài đối với các nhà thầu và các chủ đầu tư công trình, bổ sung trách nhiệm của bộ Công an, bộ Công Thương và vai trò trách nhiệm của các tỉnh, thành phố, quy định về điều kiện  tuyền dụng lao động nước ngoài …Nghị định bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8-2011

 Theo ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH, khi rõ ràng trách nhiệm của các bộ, địa phương thì việc phối hợp quản lý sẽ chặt chẽ hơn dựa trên nhiệm vụ của các bộ. Những địa phương đang quản lý nhiều lao động nước ngoài cũng nhận định, quy định mới bắt buộc các nhà thầu phải đăng ký số lao động nước ngoài sẽ giúp cơ sở quản lý tốt hơn.

Tuy vậy, nhiều địa phương tiếp tục đóng góp ý kiến: vẫn còn rất nhiều điểm NĐ  “làm khó” các đơn vị liên quan trong việc quản lý lao động nước ngoài như: chưa có tiêu chuẩn với lao động nước ngoài có trình độ chuyên môn kỹ thuật nên thực tế có rất nhiều lao động phổ thông được cấp phép.

Lao động nội cần thêm hỗ trợ trước sức ép lao động ngoại - 1
Lao động Việt Nam đang phải cạnh tranh với lao động ngoại. (Ảnh minh họa)
 
Đáng chú ý, theo NĐ mới, trong vòng 60 ngày với yêu cầu tuyển 500 lao động và 30 ngày với yêu cầu tuyển dưới 500 lao động mà tỉnh không giới thiệu hoặc đáp ứng nhu cầu tuyển dụng cho nhà thầu nước ngoài  thì nhà thầu nước ngoài được xem xét cho phép tuyển lao động ngoại vào những vị trí công việc không tuyển được lao động Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, điều quan trọng nhất để nhà thầu nước ngoài không đưa lao động phổ thông nước ngoài vào làm việc là trong nước phải chuẩn bị được nguồn lao động. Với thời gian qui định từ 1-2 tháng thì việc chuẩn bị nguồn lao động vẫn là rất khó khả thi, bởi chưa kịp đào tạo sơ cấp nghề cho lao động tại địa phương nên không đáp ứng được yêu cầu của nhà thầu. Kết quả là lãnh đạo địa phương không có cách nào khác là phải phép nhà thầu tuyển dụng lao động nước ngoài.

 Kiến nghị được các địa phương đưa ra là cơ quan làm luật cần có quy định cụ thể hơn đối với lao động nước ngoài về trình độ chuyên môn kỹ thuật đối với vị trí công việc. Cùng đó, nên cân đối hoặc mở rộng thời gian tuyền dụng lao động Việt Nam đối các nhà thầu ngoại. Có vậy, lao động trong nước sẽ có thêm cơ hội tìm được việc làm ngay tại địa phương mà không phải nhường chỗ cho lao động ngoại nhập như hiện nay.

P. Thanh