Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam:

"Lao động chết ở nước ngoài: Nếu công bố, dư luận sẽ sững sờ"

(Dân trí) - Ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, cho biết, quan điểm của ông là phải khẩn trương làm việc thật nghiêm túc, kết luận rõ ràng và công khai về số lao động bị chết khi đi xuất khẩu lao động…

Trao đổi với Dân trí về vấn đề nhiều lao động chết ở nước ngoài, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nói:

"Gần đây tôi có đọc một số báo nói về một số người lao động Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt là người lao động Việt Nam tại Malaysia bị chết. Tôi cũng đã trao đổi với các vị lãnh đạo bên Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, các anh ấy cũng nói rằng cái chết xuất phát từ nhiều nguyên nhân, do đó đưa ngay những thông tin ấy lên sẽ có những mặt không có lợi.

Không phải các anh ấy muốn giấu thông tin, nhưng trong từng trường hợp cụ thể thì vì nhiều lý do, có người vì khâu kiểm tra sức khỏe không được kỹ nên sang đấy điều kiện lao động căng thẳng, cộng thêm có lao động không giữ mình nên đã uống rượu, dẫn đến đột tử. Các anh bên Bộ LĐ-TB&XH hứa sẽ xem xét một cách nghiêm túc, kết luận một cách sòng phẳng, rõ ràng, tôi rất hoan nghênh thái độ đó.

Nhưng tôi cho rằng những thông tin ấy làm cho dư luận chung sững sờ, vì theo tôi, phải kiến nghị với Bộ LĐ-TB&XH, đại sứ quán phải vào cuộc để kết luận từng trường hợp một thật rõ ràng, như thế mới tạo nên sự yên tâm cho người lao động xuất khẩu.

Số lao động tử vong ở nước ngoài, đặc biệt là tại thị trường Malaysia lớn như vậy nhưng vẫn chưa có công bố rộng rãi, phải chăng chúng ta đang bưng bít thông tin, thưa ông?

Các anh ở Bộ LĐ-TB&XH nói rằng họ không giấu giếm gì cả, những trường hợp chết thì sau đó đã làm thủ tục thông báo về gia đình. Còn bây giờ đăng lên báo chí ngay thì không có lợi trong dư luận xã hội, vì có nhiều vấn đề chưa được rõ ràng.

Liệu phản ứng của Bộ LĐ-TB&XH có quá chậm so với những mất mát về người mà lao động gặp phải?

Tôi nghĩ rằng khi có trường hợp chết người từ vài ba người thì Bộ LĐ-TB&XH nên vào cuộc ngay. Chỉ tiếc rằng qua những vụ việc vừa rồi, những nghiên cứu, kết luận là hơi chậm trễ.

Quan điểm của tôi là phải khẩn trương làm việc thật nghiêm túc, kết luận rõ ràng và công khai.

Thưa ông, có điều gì bất ổn giữa luật pháp Việt Nam và luật pháp nước tiếp nhận lao động hiện nay?

Người Việt Nam đi xuất khẩu lao động thì phải tuân thủ theo đúng luật của nước ngoài và đúng luật trong nước. Nhưng để vận dụng cái đó, nhất là làm rõ trách nhiệm của toàn xã hội trong việc phối hợp với nhau để tổ chức tốt đưa người lao động làm việc ở nước ngoài thì còn nhiều mặt khiếm khuyết. Chính vì vậy, Hội Luật gia Việt Nam đã tiến hành tổ chức hai cuộc hội thảo để bảo vệ quyền lợi người lao động Việt Nam lao động tại nước ngoài.

Ông có thể cho biết đó là những khiếm khuyết nào?

Chúng ta đã không quản lý chặt chẽ nên "đẻ" ra lớp người giả danh để trục lợi. Theo khuyến nghị của nước ngoài thì nên tập trung vào các đầu mối ở cấp tỉnh để đưa người lao động đi nước ngoài. Còn như hiện nay, các công ty lớn nhưng không có đại diện ở cấp tỉnh gắn với hành chính, cho nên một số kẻ lợi dụng công ty này công ty khác để làm việc không tốt. Chuyện ở trong nước thì phải làm sao chống được những người lợi dụng lừa đảo.

Ông có giải pháp nào để quản lý tốt hơn người lao động Việt Nam ở nước ngoài?

Riêng ở ngoài nước thì phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ người lao động. Nhiều khi mình đưa người lao động qua rồi “buông”. Các cơ quan chuyên trách về lao động ở nước ngoài không sao sát theo dõi, bảo vệ quyền lợi người lao động, đặc biệt là những lao động đi làm việc tại các gia đình thì mình phải nghiên cứu thật kỹ, học tập với các nước khác.

Bên cạnh đó, vì đây là vấn đề liên quan đến các tổ chức xã hội nên phải làm sao huy được được những tổ chức này tham gia tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho những người lao động xuất khẩu, cũng như có cơ chế hỗ trợ khi họ về nước.

Xin cảm ơn ông!

Trần Hưng (thực hiện)