1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Làng bánh tét “độc nhất vô nhị” tại Quảng Trị nổi lửa dịp Tết

(Dân trí) - Những ngày cận Tết, làng bánh tét Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng lại nổi lửa nấu bánh tét để cung cấp sản phẩm ra thị trường, phục vụ cộng đồng. Đây là loại bánh tét hết sức độc đáo của người dân Quảng Trị, mang nhiều đặc trưng của miền canh tác lúa nước.

Từ những nguyên liệu tự nhiên và màu xanh từ lá thực vật, người dân nơi đây đã tạo ra những chiếc bánh với hình dáng độc đáo. Thay vì được làm bằng hình tròn, hay hình vuông, bánh tét của bà con nơi đây lại được tạo thành hình bán nguyệt, có màu xanh ngọc bích được trộn bằng nước ép lá thực vật, hương vị thơm ngon. Sản phẩm bánh tét làng Đại An Khê, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị mang hương vị đậm đà của quê hương lúa nước đã được người tiêu dùng trong nước và cả nước ngoài đón nhận.

Làng bánh tét “độc nhất vô nhị” tại Quảng Trị nổi lửa dịp Tết - 1

Vào dịp cận Tết, người dân lại hối hả gói bánh tét

Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, người dân trong làng lại hối hả làm bánh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân khắp nơi. Chúng tôi đã đến làng Đại An Khê và được chứng kiến kỹ thuật làm bánh độc đáo của bà con trong vùng.

Làng Đại An Khê có tục gói bánh tét hình bán nguyệt mỗi dịp Tết về và có khoảng 10 hộ làm nghề này quanh năm. Ngoài dịp cao điểm là Tết Nguyên đán, người dân cũng thường làm bánh vào các dịp rằm tháng Giêng, mùa Vu lan, Tết Trung thu...

Làng bánh tét “độc nhất vô nhị” tại Quảng Trị nổi lửa dịp Tết - 2

Bánh tét được làm theo hình bán nguyệt, cũng mang nét đặc trưng của miền canh tác nông nghiệp Quảng Trị

Hộ gia đình ông Đào Bá Vây là một trong những gia đình làm bánh tét lâu năm tại địa phương này. Gia đình ông cũng thuộc số ít những hộ làm bánh thường xuyên, cung cấp số lượng lớn bánh tét ra thị trường. Để có đủ số lượng bánh tét phân phối đi các nơi, ông Vây phải thuê thêm nhân công về cùng làm. Trung bình mỗi ngày, gia đình ông Vây sản xuất khoảng 100-150 cặp bánh ra thị trường các tỉnh miền Trung.

Bánh được làm ra từ những sản vật sẵn có của địa phương
Bánh được làm ra từ những sản vật sẵn có của địa phương

Ông Vây cho biết, trước khi làm bánh phải chọn loại nếp dẻo, thơm. Tiếp đó, đưa nếp vo trong nước rồi để ráo. Một nguyên liệu không thể thiếu là lá rau ngót, một loại rau người dân hay trồng để nấu canh ăn thường ngày. Loại rau này khi giã nhuyễn thành nước đem trộn với nếp sẽ giúp chiếc bánh có màu xanh như ngọc bích.

Bên cạnh việc tạo màu xanh hoàn toàn tự nhiên cho chiếc bánh, nước lá ngót chứa nhiều dinh dưỡng, khi trộn vào vừa làm mềm bánh, vừa cho vị ngon khác lạ, có ích cho sức khoẻ. Đây cũng là nét đặc trưng của bánh tét làng Đại An Khê so với các loại bánh những nơi khác. Nhân bánh được làm bằng đậu xanh luộc mềm, chà mịn đem trộn với hành, tiêu, dầu ăn…

Khi bánh nấu xong, cắt thành miếng bày ra dĩa, hòa trộn màu xanh của nước lá rau ngót, màu vàng của nhân đậu xanh, chiếc bánh như một tác phẩm nghệ thuật. “Người dân mong muốn sự thanh bình, yên ả của làng quê nên mượn màu xanh lá ngót để tượng trưng sự bình yên này, mượn hình bán nguyệt tượng trưng cho mảnh trăng treo trên lũy tre đầu làng, biểu hiện sự no ấm. Khi gói 2 chiếc bánh thành một cặp còn tượng trưng cho sự hạnh phúc, hòa hợp trong gia đình”, ông Vây giải thích.

Làng bánh tét “độc nhất vô nhị” tại Quảng Trị nổi lửa dịp Tết - 4

Những chiếc bánh khi được cắt thành miếng nhỏ có màu xanh bên ngoài, hình vòng cung, ở giữa là nhân đậu màu vàng

Chính vì những đặc trưng riêng biệt, nguyên liệu tự nhiên mà bánh tét nơi đây được người dân các nơi đón nhận với sự tin cậy về chất lượng. Hơn nữa, bánh tét hình bán nguyệt mang hương vị quê hương nên được sử dụng làm quà biếu cho người thân, bạn bè ở phương xa. Từ đó, bánh tét mặt trăng đã có mặt khắp nơi, cả trong Nam, ngoài Bắc và ra tận nước ngoài.

Cụ bà Nguyễn Thị Thuấn (80 tuổi, làng Đại An Khê) cũng là người có thâm niên hơn 20 năm làm bánh tét cho biết, loại bánh tét hình bán nguyệt này đã có từ lâu đời, chỉ biết là ông nội bà đã truyền lại cho các thế hệ con cháu, khi bà được sinh ra đã có loại bánh này. Bao nhiêu năm qua, bà Thuấn vẫn duy trì việc làm bánh tét để vừa sử dụng và bán ra thị trường.

Làng bánh tét “độc nhất vô nhị” tại Quảng Trị nổi lửa dịp Tết - 5

Theo cụ Thuấn, lá ngót là thứ không thể thiếu khi làm bánh tét bán nguyệt

Bà Thuấn chia sẻ: “Bánh được làm theo hình bán nguyệt với màu xanh rất tự nhiên bằng lá rau ngót. Từ trước đến nay, vào các dịp lễ hội làng, giỗ, chạp, đám cưới… đều làm bánh này để dâng lên tổ tiên. Dường như đây cũng là sản phẩm buộc phải có để đặt lên bàn thờ ông bà để nhắn nhủ với các thế hệ con cháu không quên cội nguồn.

Hơn nữa đây là sản phẩm được làm ra tại quê hương, kết tinh từ công sức lao động của mọi người như: nếp, đậu xanh, thịt lợn… đều có sẵn. Sau khi dâng lên bàn thờ ông bà, bánh được đưa xuống cắt thành từng miếng để mời mọi người cùng thưởng thức”.

Đồng quan điểm với bà Thuấn, bà Lê Thị Diệm (81 tuổi, là người làm bánh lâu năm) cho hay: “Ngày trước, tuy điều kiện gia đình không được dư giả nhưng vào các dịp lễ, tết đều không thể thiếu loại bánh này. Tui biết làm bánh từ lúc 16 tuổi, do các thế hệ trước truyền dạy và đều làm theo hình dáng như bây giờ. Tùy theo nhu cầu thưởng thức và thời gian sử dụng mà cho thêm gia vị, nhưng vẫn giữ được nét đẹp của quê hương, là quà tặng cho bạn bè phương xa”.

Làng bánh tét “độc nhất vô nhị” tại Quảng Trị nổi lửa dịp Tết - 6

Bà Diệm cho rằng, dù thời gian trôi qua nhưng loại bánh này vẫn được giữ gìn, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và không thay đổi so với trước

Với mức giá bình dân, chỉ 40 ngàn đồng/cặp bánh nhân đậu và 45-50 ngàn đồng/cặp bánh nhân thịt, bánh tét làng Đại An Khê được mọi người ưa chuộng. Hiện loại bánh tét này được phân phối đi các nơi, không chỉ ở thị trường Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Hà Nội, vào Huế, TP Hồ Chí Minh, bánh này còn được nhiều người đặt hàng thường xuyên đưa ra nước ngoài.

Làng bánh tét “độc nhất vô nhị” tại Quảng Trị nổi lửa dịp Tết - 7

Những chiếc bánh được hình thành chuẩn bị đưa vào nấu

Ông Lê Ngọc Anh, Chủ tịch UBND xã Hải Thượng cho biết, bánh tét hình bán nguyệt là sản vật đặc trưng của địa phương, bánh có từ thời xa xưa và được duy trì đến ngày nay. Bánh được làm ra để cung cấp quanh năm, nhưng đặc biệt là vào các dịp lễ, tết.

“Hiện người dân chưa quen với việc chào bán rộng rãi nên số lượng tiêu thụ chưa nhiều, chủ yếu lấy công làm lãi, làm quà biếu. Trong tương lai, chúng tôi hướng đến thành lập tổ hợp tác để người dân giúp nhau quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, từ đó xây dựng thương hiệu đến người dân khắp nơi. Cùng với nghề làm bánh tét, địa phương định hướng phát triển làng nghề chế biến tinh bột nghệ… để phát huy thế mạnh của vùng, tận dụng các sản phẩm do bà con sản xuất ra”, ông Anh nói.

Đăng Đức