1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Làm giả hồ sơ thai sản, trục lợi hàng trăm triệu đồng từ BHXH

Nguyễn Thị Phương (33 tuổi), trú tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương đã cấu kết với 13 đối tượng, lập khống 36 hồ sơ, làm giả 44 hồ sơ thanh, quyết toán chế độ thai sản sinh con, chiếm đoạt của Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Thanh Hà gần 900 triệu đồng.

Đối tượng Phương thời điểm bị triệu tập, bắt giữ
Đối tượng Phương thời điểm bị triệu tập, bắt giữ

CQĐT Công an tỉnh Hải Dương ngày 18-4 cho biết, đơn vị đã hoàn tất điều tra, chuyển hồ sơ vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến Viện KSND tỉnh, đề nghị truy tố 14 đối tượng về tội danh nêu trên.

Đối tượng chủ mưu trong vụ án này là Nguyễn Thị Phương, nguyên nhân viên Công ty TNHH may mặc Makalot Việt Nam (viết tắt là Công ty Makalot), có nhiệm vụ theo dõi báo cáo tăng, giảm người lao động tham gia BHXH và đề nghị thanh, quyết toán chế độ BHXH của người lao động. Quá trình làm nhiệm vụ, Phương phát hiện sơ hở trong công tác quản lý tham gia đóng BHXH và thanh quyết toán chế độ BHXH thai sản của Công ty Makalot và BHXH huyện Thanh Hà, nên đã nảy ý định chiếm đoạt tài sản.

Thực hiện tội phạm, Phương bàn bạc với Nguyễn Thị Hoa (31 tuổi, kế toán trưởng), Lê Thị Láng (36 tuổi, nhân viên bộ phận nhân sự), Giang Thị Thanh Hương (39 tuổi, Chủ tịch Công đoàn, phụ trách nhân sự) và Nguyễn Thị Hương, công nhân Công ty Makalot tham gia.

Theo đó, từng người sẽ tìm hồ sơ của lao động là nữ, trong độ tuổi sinh đẻ, đang mang thai, là lao động tự do, không tham gia BHXH ở đâu, lấy giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân của họ, để khai thác thông tin tên, tuổi, địa chỉ, lập khống hợp đồng lao động, tờ khai tham gia đóng bảo BHXH, bảo hiểm y tế.

Sau đó, Phương lập danh sách người lao động để trình lãnh đạo Công ty Makalot ký cho họ tham gia BHXH. Phương thống nhất, ai tìm được hồ sơ của người lao động sẽ được trả 3 triệu đồng/hồ sơ.

Tổng cộng, các đối tượng đã tìm được 36 bộ hồ sơ. Sau đó, Phương đã cùng Láng, Hương ký giả chữ ký người lao động, lập khống hợp đồng lao động, tờ khai tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, danh sách người lao động tham gia đóng BHXH, bảo hiểm y tế chuyển cho lãnh đạo công ty ký duyệt và đã được BHXH huyện Thanh Hà cấp 36 sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế. Tiếp đó, để hợp thức hóa, Hoa đã mở tài khoản thẻ cá nhân khống cho số lao động trên. Còn Giang Thị Thanh Hương lập khống hồ sơ liên quan đến số người lao động.

Trong vụ án này, CQĐT xác định sai phạm của một số cán bộ xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà là ông Phạm Hữu Đỗ, Phó Chủ tịch UBND và Phạm Hữu Toán, cán bộ tư pháp. Do quen biết Giang nên khi được đối tượng này nhờ công chứng, chứng thực các bản giấy khai sinh, Đỗ và Toán đã không tuân thủ đúng quy trình, giúp các đối tượng chứng thực hàng chục giấy khai sinh khống trên.

Với những bộ hồ sơ được làm giả tinh vi như trên, Phương đã lập danh sách đề nghị thanh toán tiền trợ cấp thai sản sinh con cho lãnh đạo công ty và các bộ phận liên quan ký đóng dấu và được BHXH huyện Thanh Hà duyệt chi hàng trăm triệu đồng.

Theo An ninh Thủ đô