1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hổng văn hóa nghề nghiệp: Khoảng cách chất lượng nhân lực

(Dân trí) - Có lao động VN đi làm việc ở xứ người với hành trang “3 không”. Tại các khu công nghiệp- chế xuất, nhà máy trong nước, nhiều lao động làm việc với tư tưởng thích đi muộn về sớm, coi thường thiết bị bảo hộ lao động, sẵn sàng bỏ việc khi không vừa ý.

Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội dạy nghề Việt Nam, mỗi năm Việt Nam đào tạo được khoảng trên 1,5 triệu lao động, tuy nhiên chất lượng tay nghề cũng như văn hóa ứng xử trong nghề nghiệp còn nhiều điều phải bàn.

 Khi “mổ xẻ” vì sao ngay cả lao động xuất khẩu cũng thiếu văn hóa nghề, các chuyên gia cho rằng do họ bị ảnh hưởng của hai từ “cấp tốc”. Để được “xuất ngoại”, cả doanh nghiệp và lao động đều phải chạy đua với thời gian: học một khoá nghề và ngoại ngữ cấp tốc có khi chỉ 3 tháng cho đủ tiêu chuẩn. Do vậy, tác phong làm việc, kiến thức về pháp luật và văn hoá ứng xử của lao động luôn có một lỗ hổng khá lớn. Không ít trường hợp lao chỉ cần có mâu thuẫn với chủ sử dụng lao động, lao động ngay lập tức bỏ làm. Một nhóm lao động thậm chí không tuân thủ pháp luật nước sở tại, chơi cờ bạc, uống rượu, đánh nhau....Đặc biệt, tình trạng lao động gian dối ngay từ trong nước đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh, uy tín của Việt Nam. Mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước buộc phải dùng biện pháp kiểm tra sức khỏe tức thời cho các lao động tại địa điểm xuất cảnh. Vì có một số lao động biết mình bị bệnh, chủ yếu là viêm gan B vẫn cố tình làm giấy khám sức khỏe bằng mọi cách để hoàn thiện hồ sơ, để được xuất cảnh. Sau khi sang đến sân bay Hàn Quốc họ đã bỏ trốn nhằm tránh sự kiểm soát của nước sở tại như bị tập trung học bồi dưỡng kiến thức và làm xét nghiệm máu. Nếu bị bệnh thì sẽ họ phải quay về nước ngay lập tức.
 
Hổng văn hóa nghề nghiệp: Khoảng cách chất lượng nhân lực - 1
Văn hóa nghề chưa được chú trọng trong quá trình dạy nghề. (Ảnh minh họa)
 
Với lao động trong nước, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, phông văn hóa nghề cũng là một trong những điều gây đau đầu cho các cơ quan quản lý. Không ít lao động sẵn sàng “về quê”, từ chối những yêu cầu về quản lý công nghiệp. Tìm mọi cơ hội có thể đi muộn về sớm, không chú trọng đến các thiết bị bảo hộ lao động khi làm việc, bỏ việc khi không vừa ý….là thói quen của không ít người.  

 Nhiều chuyên gia nhìn nhận tình hình thực tại: Hiện Việt Nam mới chỉ chú trọng vào công tác dạy nghề chứ không thực sự sâu sát đến những kiến thức về văn hóa nghề. Do đó, lao động thiếu kiến thức để nhận biết, không có khả năng xây dựng và thích nghi với môi trường văn hóa nghề. Còn nhớ tại một hội thảo về văn hóa nghề được tổ chức hồi đầu năm 2010, rất nhiều ý kiến gay gắt về các hành vi có phần thiếu văn hóa nghề của lao động Việt Nam đang làm việc trong và ngoài nước. Có rất nhiều giải pháp được đưa ra, nhiều ý kiến xây dựng, đóng góp, trong đó, đáng nhớ nhất là việc đưa bộ môn văn hóa nghề vào các giáo trình dạy nghề. Kết thúc hội thảo, ai cũng tin chắc một điều rằng tới đây lao động Việt Nam sẽ có những hành động đẹp, sẽ hiểu biết hơn nhờ được học văn hóa nghề. Tuy nhiên, nhìn lại 1 năm qua thì lao động Việt Nam vẫn thiếu văn hóa nghề, họ vẫn đang tiếp tục với những hành vi cẩu thả, tùy tiện như đã nêu ở trên.

Khi tìm hiểu về bộ môn văn hóa nghề trong các trường nghề mới vỡ lẽ đây chưa phải là một môn học bắt buộc trong chương trình khung của các trường nghề. Trong khi đó, Bộ LĐ-TB&XH chưa thực sự áp dụng nhiều thời lượng dạy cho học viên tác phong, ý thức nghề nghiệp, tình yêu với nghề… Do vậy, dù các trường nghề có muốn tập trung đào tạo văn hóa nghề cũng khó do chính sách, có sự phân phối chương trình đào tạo.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội Dạy nghề Việt Nam cho biết thời gian tới Hội sẽ thành lập trung tâm văn hóa nghề để khảo sát, nghiên cứu, từ đó có sự cụ thể hóa giáo dục chính trị, đạo đức đối với hệ thống các trường nghề để hình thành bộ môn văn hóa nghề. Theo bà Hằng, chúng ta không thể chậm trễ hơn nữa với văn hóa nghề bởi chính những rào cản đó đã hạn chế nhiều các đơn hàng của Việt Nam, thậm chí nếu không xóa bỏ rào cản đó chúng ta sẽ có nguy cơ đánh mất thị trường lao động của chính mình và ngay trên thị trường nội địa.

D. Hải