1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hơn 40% người lao động nông nghiệp tiếp xúc các yếu tố có hại

(Dân trí) - Ngày 25/8, tại Cần Thơ, Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật- Bảo hộ lao động, thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường trong nông nghiệp và nông thôn” khu vực phía Nam.

Tại Hội thảo, PGS.TS Lê Văn Trình- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật- Bảo hộ lao động- nhấn mạnh: “Nông nghiệp vẫn là một trong những ngành có nhiều yếu tố nguy hiểm, độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động do sử dụng máy móc, công cụ sản xuất nông nghiệp không đảm bảo an toàn, sử dụng hóa chất nông nghiệp thiếu kiểm soát, điều kiện dịch vụ y tế lao động còn khó khăn…”

 

Cũng theo PGS.TS Lê Văn Trình, thì Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổng kết cho thấy 2 nguyên nhân chính của tình trạng tai nạn lao động, bệnh liên quan đến nghề nghiệp trong hoạt động sản xuất nông nghiệp là do nhận thức, ý thức và kiến thức của nông dân và người lao động ở khu vực nông thôn về an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường còn hạn chế.

 

PGS.TS Trình đưa ra thực trạng về tai nạn lao động và bênh tật trong khu vực sản xuất nông nghiệp hiện nay là Sản xuất nông nghiệp ngày càng được cơ giới hóa, hóa chất sử dụng trong nông nghiệp nhiều hơn, làng nghề phát triển gây ô nhiễm môi trường, tai nạn lao động và bệnh tật tăng lên và hơn 40% người lao động nông nghiệp và làng nghề tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm có hại khi làm việc.

 

Người lao động nông nghiệp và làng nghề tiếp xúc các yếu tố nóng (91,5%), bụi (65,89%), tiếng ồn (48,8%), hóa chất (59,5%) và các yếu tố khác (36,3%). Đối với tai nạn lao động và bệnh tật thì bỏng, đứt tay chân, điện giật, hô hấp, ngoài da, tiêu hóa, phụ khoa luôn chiếm tỷ lệ cao; trong đó khu vực sản xuất nông nghiệp bị đứt tay chân chiếm tỷ lệ cao nhất (38,9%), còn đối với làng nghề thì tỷ lệ cao là bệnh liên quan đến hô hấp (54,2%).

 

Qua những con số cụ thể trên và qua khảo sát một số giải pháp, PGS.TS Lê Văn Trình cho rằng: “Công tác an toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp, nông thôn cũng đã thu được kết quả thiết thực. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền còn chưa được thường xuyên liên tục, đặc biệt là việc huấn luyện, tập huấn cho người lao động và bà con nông dân về các biện pháp kỹ thuật quy trình, những kiến thức cơ bản trong vận hành máy móc hay sử dụng bảo quản các loại hóa chất vẫn còn hạn chế”.

 

Theo PGS.TS Trình, để hạn chế mức thấp nhất tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp- thì: “Nhà nước cần quan tâm đầu tư nghiên cứu từng bước nâng cao nhận thức của người lao động; nghiên cứu xây dựng các giải pháp tuyên truyền; cần có một chính sách quan tâm đồng bộ và sát thực hơn nữa; cần triển khai mô hình hệ thống quản lý chi tiết hơn; đẩy mạnh phong trào quần chúng; nhà nước cần đầu tư kinh phí thỏa đáng cho công tác an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường”.

 

                                                                                                            Huỳnh Hải