Giải bài toán nhân lực cho bệnh viện vùng ven TP HCM

Làm gì để có đủ nhân lực cho các bệnh viện công ở vùng ven là một bài toán nan giải đối với ngành y tế TP HCM

Tại TPHCM, việc hàng loạt bệnh viện tư nhân được xây dựng khiến cho bệnh viện công, nhất là các bệnh viện vùng ven thiếu y bác sĩ trầm trọng. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh. Làm gì để có đủ nhân lực cho các bệnh viện công ở vùng ven là một bài toán nan giải đối với ngành y tế thành phố, đòi hỏi cần có những chính sách phù hợp để phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh cho người dân.

Các bệnh viện vùng ven thiếu y bác sĩ trầm trọng. (Ảnh minh họa).
Các bệnh viện vùng ven thiếu y bác sĩ trầm trọng. (Ảnh minh họa).

Sáng sớm, bà Võ Thị Pha, ngụ xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ đã có mặt tại Bệnh viện Cần Giờ để khám bệnh. Bà cho biết: đi khám những bệnh đơn giản thông thường thì có bác sĩ, nhưng lần trước đi khám mắt, bác sĩ của Bệnh viện Mắt đang công tác ở đây có việc đột xuất nghỉ nên không có ai khám cho bà. Bệnh viện này chưa có bác sĩ chuyên khoa mắt.

Bà Võ Thị Pha nói: “Xin thuốc hoặc đi xét nghiệm máu các thứ thì mình làm ở bệnh viện Cần Giờ có, còn nếu nặng hơn nữa thì mình lên tuyến trên. Ở đây thì không đủ như ở trên tuyến trên. Tôi mong bệnh viện đầy đủ, rồi tiện nghi để khám ở đây cho khỏi đi lên thành phố xa xôi”.

Thiếu bác sĩ đang là tình trạng trầm trọng của Bệnh viện Cần Giờ, một huyện biển duy nhất của TP HCM, nằm cách xa trung tâm và tách biệt. Hiện bệnh viện có 149 cán bộ viên chức, trong đó có 18 bác sĩ, bao gồm cả ban giám đốc. Trong khi đó, thực tế có ngày có khoảng 350- 400 lượt người tới khám chữa bệnh.

Thực hiện đề án luân phiên bác sĩ tuyến trên hỗ trợ cho bệnh viện tuyến dưới của Sở Y tế, Cần Giờ cũng được các bác sĩ ở các bệnh viện như Nguyễn Tri Phương, Hùng Vương, Nhi đồng 2 và Bệnh viện Mắt xuống hỗ trợ khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ, Giám đốc Bệnh viện Cần Giờ cho rằng, tăng cường các bác sĩ ở tuyến trên chỉ là giải pháp tạm thời. Bệnh viện hiện còn thiếu 17 bác sĩ và khi Bệnh viện Cần Giờ mới xây dựng xong với 200 giường đi vào hoạt động thì sẽ thiếu khoảng 40 bác sĩ. Bệnh viện mong muốn tuyển đủ y bác sỹ để công tác khám chữa bệnh không bị đứt quãng.

Tuyển bác sĩ khó, nhưng nhiều bác sĩ được hỗ trợ đi học nâng cao chuyên môn xong thì lại xin nghỉ việc. Mới đây, bệnh viện đã có 4 bác sĩ nghỉ việc và hiện có bác sĩ vừa đi học về cũng đang làm đơn xin nghỉ việc để chuyển công tác một nơi có thu nhập tốt hơn.

Bác sĩ Huệ bức xúc: “Chế độ thì chủ yếu là bồi thường về kinh phí học tập là nhiều, của huyện cấp. Huyện có một chính sách riêng cho các bác sĩ ở Cần Giờ khi đi học. Nhưng chi phí đó ít vài chục triệu thôi, còn đằng sau đó là chi phí bệnh viện Cần Giờ phải chi trả lương, rồi các khoản ưu đãi khác để bác sĩ đi học nhưng khi về nghỉ việc thì chúng ta không có chế tài gì.

Thực trạng này cũng diễn ra tại Bệnh viện huyện Củ Chi 1 năm về trước. May mắn là lúc đó Củ Chi được Bệnh viện quận Thủ Đức cử nhiều bác sĩ trưởng phó khoa lên cộng tác, đồng thời đào tạo, hướng dẫn cho các bác sĩ mới tại đây. Bên cạnh đó, do tiếp giáp với các địa bàn tỉnh Bình Dương, Long An nên Củ Chi cũng thu hút được một số bác sĩ về cộng tác rồi thành bác sĩ cơ hữu. Bệnh viện Củ Chi cũng xây dựng ký túc xá khang trang cho bác sĩ, có căn- tin phục vụ đầy đủ và một số chính sách đãi ngộ khác nên nên hiện đã có 30 bác sĩ, tạm đủ đáp ứng công tác khám chữa bệnh.

Theo các bệnh viện ở ven đô, tình trạng “đói” bác sĩ đã kéo dài từ lâu vì không thu hút được nhân tài. Ở xa trung tâm mà cơ sở thì xuống cấp, trang thiết bị nghèo nàn, chế độ đãi ngộ thấp là những nguyên nhân chính mà bác sĩ không muốn về.

Bà Đoàn Thị Ngọc Cẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết: Bà đã từng trực tiếp nói chuyện vận động bác sĩ vừa tốt nghiệp là người địa phương Cần Giờ ở lại công tác tại bệnh viện nhưng họ vẫn ra đi. Trước đây, UBND huyện dự định đưa chính sách cấp đất cho các bác sĩ về huyện công tác, tuy nhiên thành phố đang có chủ trương ngừng hết các dự án trên địa bàn để phục vụ quy hoạch lại nên huyện tập trung xây dựng các dự án nhà ở công vụ cho bác sĩ cư trú.

Hiện UBND huyện Cần Giờ đã làm dự thảo dự án thu hút nguồn nhân lực cho huyện giai đoạn từ 2018-2020. Dự thảo đưa ra 3 chính sách hỗ trợ, bao gồm: chính sách trợ cấp hàng tháng, hỗ trợ kinh phí đào tạo và chính sách nhà ở công vụ. Bà Đoàn Thị Ngọc Cẩm nói: “Đối với các bác sĩ trình độ đại học trở lên sẽ hỗ trợ 5 lần mức lương cơ sở, còn đối với y sĩ, và các chức danh khác trình độ trung cấp trở lên là 3 lần mức lương cơ sở. Với dự thảo này cơ bản sẽ thu hút các bác sĩ đến với Cần Giờ trong tương lai”.

Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, Sở Y tế có chủ trương đưa các bác sĩ bệnh viện chuyên khoa đầu ngành luân phiên đến khám chữa bệnh, qua đó chuyển giao kỹ thuật, đào tạo cho các bác sĩ tuyến dưới, ở vùng xa. Với cách làm như vậy, nhiều bác sĩ cũng đã đăng ký ở lại công tác tại bệnh viện huyện.

Đồng thời, sở y tế tăng cường phát triển quy trình báo động đỏ để hỗ trợ cho các bác sĩ tuyến dưới: “Khi khám chữa bệnh thì cũng không nói trước được điều gì. Có trường hợp nặng đột xuất không thể chuyển đi được, chúng tôi có quy trình báo động đỏ để hỗ trợ cho các bệnh viện vùng xa. Với báo động đỏ đó thì các bệnh viện sẽ lập tức đến để hỗ trợ cho các bệnh viện ở xa thành phố”.

Theo quy định của TPHCM, từ ngày 1/11/2017, các bệnh viện công lập có thể tuyển dụng bác sĩ và nhân viên y tế mà không cần phải có hộ khẩu thường trú tại thành phố. Đây được xem là một giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện công lập vốn rất khó tuyển dụng bác sĩ trong thời gian qua. Nhưng đây cũng mới chỉ là điều kiện cần, còn để thu hút và giữ chân được các bác sĩ có năng lực thì đòi hỏi các bệnh viện phải không ngừng phát triển về cả chuyên môn và môi trường làm việc. Đặc biệt là những bệnh viện vùng ven, một chính sách tốt cho người công tác ngành y là điều tiên quyết để thu hút và giữ chân nhân lực./.

Theo Kim Dung/ VOV- TPHCM