Gần 177 ngàn lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp

(Dân trí) - Trong hai ngày 1-2/4 tại TP Đà Nẵng, Bộ LĐTB-XH phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức tổng kết đánh giá một năm thực hiện bảo hiểm thất nghiệp và đề xuất các giải pháp trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam , bắt đầu từ 1/1/2009, Luật BHXH về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) bắt đầu có hiệu lực và tính đến cuối năm 2010 cả nước có hơn 7 triệu người tham gia đóng BHTN với tổng số tiền thu được trên 3.672 tỉ đồng (tăng 17,7% so với năm 2009 và bằng 75% tổng số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc), trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ thêm trên 1.218 tỉ đồng.
Gần 177 ngàn lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp - 1
Đến cuối năm 2010 cả nước đã có 7 triệu lao động tham gia BHTN.

Theo quy định, người tham gia BHXH đủ 12 tháng trong thời hạn 24 tháng mới được hưởng chế độ BHTN, do đó năm 2010 mới bắt đầu phát sinh chi BHTN.

Còn theo báo cáo của Cục việc làm (Bộ LĐTB-XH), tính đến tháng 2/2011 đã có trên 225 ngàn người đăng ký thất nghiệp và đã có gần 177 ngàn người được hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng kinh phí các chế độ BHTN đã chi trên 544 tỉ đồng. Địa phương chi nhiều nhất là TPHCM (chiếm 37,83%), Bình Dương (15,28%) và Đồng Nai (9%)...

Phó Cục trưởng Cục việc làm ông Lê Quang Trung cho biết: Chính sách BHTN đã phát huy một số mặt tích cực như giải quyết chính sách được thực hiện theo phương châm 3 đúng: đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn. Do đó việc triển khai thực hiện chính sách BHTN đã đạt được nhiều kết quả cao.

Tuy nhiên, theo ông Trung, trong quá trình triển khai, chính sách này vẫn còn nhiều vướng mắc như việc quy định một khoảng thời gian đóng BHTN dài cùng được hưởng một thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp là không phù hợp, người lao động dễ lợi dụng như đóng đủ 12 tháng đến 36 tháng đều được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp... Trợ cấp một lần đối với người lao động có việc làm hoặc đi làm nghĩa vụ quân sự được nhận trợ cấp một lần là không hợp lý vì đây không phải là đối tượng thất nghiệp, không phù hợp với các nguyên tắc của BHXH, nhất là đối với những người đóng BHTN mà không bị mất việc...

Bên cạnh đó, Cục việc làm cũng cho biết quy định thời hạn 7 ngày phải đăng ký thất nghiệp là gây khó khăn cho người lao động vì trong vòng 15 ngày phải nộp hồ sơ hưởng BHTN trong điều kiện việc chốt sổ BHXH gặp khó khăn, xác nhận của người sử dụng lao động không kịp thời. Hơn nữa nhiều trường hợp lao động chưa muốn đăng ký thất nghiệp ngay mà họ muốn tìm việc làm, không muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp... Do đó, một số địa phương đã vận dụng chính sách nới thời gian chốt sổ đăng ký trợ cấp thất nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động. Nhiều ý kiến đề nghị quy định này sẽ được đề xuất sửa đổi thời gian từ 3 – 12 tháng.

Để giải quyết cho người lao động được hưởng BHTN, Cục việc làm cho rằng việc này nên giao cho các Trung tâm giới thiệu việc làm tiếp nhận xem xét và ban hành các quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tạm dừng hay tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề... để giảm bớt thủ tục hành chính và nâng cao trách nhiệm của trung tâm giới thiệu việc làm.

Mặc khác, người lao động hiện nay cũng muốn được tập trung một đầu mối từ khâu nhận đăng ký thất nghiệp, giải quyết chế độ đến nhận trợ cấp thất nghiệp... tránh phải đi lại nhiều cơ quan.

Trong thời gian tới, Cục việc làm sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách BHTN và khẩn trương nghiên cứu để trình Quốc hội ban hành Luật việc làm trong đó có nội dung về BHTN, bảo hiểm việc làm nhằm bổ sung các quy định về đối tượng tham gia, các chế độ về BHTN, bảo hiểm việc làm, giới thiệu việc làm, quản lý lao động...

Công Bính