1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đo “sức khỏe” thị trường lao động: Không chỉ dựa vào số liệu thất nghiệp

(Dân trí) - “Sức khỏe” của thị trường lao động được đánh giá bởi 19 tiêu chí khác nhau. Bên cạnh chỉ tiêu thất nghiệp và thiếu việc làm, chúng ta cần lưu ý tới thời gian làm việc. Điều này sẽ giúp hiểu thêm về mức độ sử dụng nguồn lao động và tăng năng suất lao động”.

Đo “sức khỏe” thị trường lao động: Cần lưu ý chỉ tiêu số giờ làm việc
Người có việc làm cần tận dụng thời gian làm việc thì mới có thể đánh giá đúng tỉ lệ sử dụng lao động (Ảnh: TL)

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp trao đổi với báo chí tại buổi công bố Bản tin cập nhật thị trường lao động VN quý 1/2015. Chương trình được Bộ LĐ-TB&XH và Tổng Cục thống kê tổ chức hôm 20/7 tại Hà Nội.

Bản tin cập nhật thị trường lao động VN quý 1/2015 được khảo sát trên 56.300 hộ gia đình được chọn, đại diện cho cấp vùng và tỉnh.

Khuyến cáo của đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, số liệu thất nghiệp và thiếu việc làm thường xuyên thấp, chưa hẳn đã phản ánh đầy đủ về “sức khỏe” của thị trường lao động

Không những thế, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng tỉ lệ thất nghiệp còn không phản ánh hết việc sử dụng nguồn nhân lực và thời gian lao động.

Trong khi đó, việc “nhận diện” chính xác thời gian, số nhân lực được sử dụng là một tiền đề quan trọng để các nhà quản lý, doanh nghiệp có phương án tăng năng suất lao động hiệu quả hơn.

“Trong Bản tin lần này, chúng tôi lưu ý thêm về việc tính số giờ làm việc của lao động thiếu việc làm. Theo đó, số giờ làm việc bình quân tuần của nhóm lao động thiếu việc làm ở thời điểm công bố là 24,46%” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nêu dẫn chứng.

Số liệu trên cho thấy, giờ làm việc của nhóm này chỉ bằng 50 % tổng số giờ làm việc bình quân của lao động cả nước (46,1 giờ/tuần).

“Lần công bố Bản tin quý 2 tới đây, chúng tôi hy vọng sẽ đưa ra được số trung bình thời gian làm việc trong tuần của một lao động VN” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phân tích thêm ý nghĩa của chỉ số giờ làm việc. Giả sử nền kinh tế có tới 98 % lao động có việc làm, nhưng thời gian làm việc của lao động chỉ bằng 70 % số giờ định mức (ví dụ số giờ định mức là 48 giờ/tuần).

Điều này có nghĩa là chỉ có 70 % lực lượng lao động đã được sử dụng.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp bổ sung: Nếu tỉ lệ thất nghiệp và tỉ lệ sử dụng thời gian lao động đều thấp, thì nguồn nhân lực của đất nước chưa sử dụng khá cao. Nếu tỉ lệ thất nghiệp cao một chút nhưng hầu hết sử dụng hết thời gian lao động. Điều đó chứng tỏ chúng ta đã khai thác khá tốt nguồn lực lao động của đất nước.

So sánh thời gian làm việc với số liệu thất nghiệp để thấy việc đánh giá thị trường lao động đòi hỏi sự quan sát toàn diện.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng: “Cần tính thêm tỉ lệ thời gian lao động. Với con số lao động thất nghiệp tới 10%, nhưng những người có việc làm đã sử dụng 100 % thời gian lao động. Điều này tức là có tới 90 % nguồn lực của đất nước đã được sử dụng.

Nhưng nếu 98 % lực lượng lao động có việc làm mà chỉ sử dụng 50 % thời gian. Điều này lại có nghĩa là chúng ta mới sử dụng 50 % lực lượng lao động của đất nước”.

Như vậy, bên cạnh chỉ số thất nghiệp và thiếu việc làm, việc đánh giá "sức khỏe" của thị trường lao động cần phải tính tới nhiều yếu tố quan trọng khác.

 Hạn chế của việc sử dụng tỉ lệ thất nghiệp làm thước đo cho các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. "Bởi vì tỉ lệ này chưa thể hiện được đầy đủ tình trạng của thị trường lao động. Những nước này không có đủ những việc làm tốt, bền vững với năng suất cao, dẫn đến việc không sử dụng được đầy đủ tiềm năng của lực lượng lao động, như tỉ lệ thiếu việc làm cao, thu nhập thấp và năng suất lao động thấp” - Theo ông Phú Huỳnh, chuyên gia kinh tế lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Châu Á Thái Bình Dương.

Vị chuyên gia này cũng cho biết, việc theo dõi thị trường lao động ở các nước đang phát triển như Việt Nam cần có thêm những chỉ số thể hiện được chất lượng việc làm, như: Tỉ lệ lao động nghèo, tỉ lệ việc làm dễ bị tổn thương, tỉ lệ nền kinh tế phi chính thức, tỉ lệ ngành nông nghiệp trong số việc làm, năng suất lao động và lương bình quân.

Hoàng Mạnh

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Việc làm, quý độc giả có thể gửi đến địa chỉ email vieclam@dantri.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn!