1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đề xuất hoán đổi ngày nghỉ và Tết âm lịch 2019, liệu có sớm?

(Dân trí) - Chiều 16/4, ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) - đã trao đổi với báo giới xung quanh ý kiến cho rằng, việc đề xuất hoán đổi một số ngày lễ, tết và lịch nghỉ Tết âm lịch 2019 hơi sớm ở thời điểm hiện nay.

Ông Hà Tất Thắng lý giải việc đề xuất hoán đổi ngày nghỉ một số ngày lễ, tết năm 2019 ở thời điểm này.

Trình đề xuất vào tháng 6

Theo ông Hà Tất Thắng, việc gửi dự thảo Tờ trình xin ý kiến 12 bộ, ban ngành và dư luận xã hội ở thời điểm này không hề sớm. Bởi đây là hoạt động nhằm thực hiện lộ trình tới tháng 6/2018, Bộ LĐ-TB&XH phải có đề xuất chính thức trình Chính phủ về việc này.

“Trước đó, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân và doanh nghiệp về việc đưa ra hơi muộn kế hoạch nghỉ các ngày lễ, tết cho năm sau” - ông Hà Tất Thắng nói.

Do đó, việc trưng cầu quan điểm về lịch nghỉ ở thời điểm này càng giúp tăng sự minh bạch và góp ý rộng rãi, qua đó giúp các cơ quan, doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch làm việc của năm 2019.

Bộ LĐ-TB&XH đang xin ý kiến các bộ, ban ngành về 2 phương án nghỉ dịp Tết âm lịch 2019 với tổng số ngày nghỉ là 9 ngày (trong đó có 4 ngày cuối tuần). Đồng thời, Bộ cũng xin ý kiến về đề xuất hoán đổi ngày nghỉ và ngày làm việc trong dịp Tết dương lịch 2019, dịp 30/4 và 1/5 theo hướng kéo dài chuỗi ngày nghỉ và công chức, viên chức đi làm bù. Việc đề xuất vì năm 2019 có nhiều tình huống ngày nghỉ đan xen vào ngày làm việc.

Cũng theo ông Hà Tất Thắng, Cục đã xây dựng đề xuất lịch nghỉ năm 2019 để Bộ LĐ-TB&XH gửi tới xin ý kiến 12 bộ, ban ngành liên quan trực tiếp. Trên tinh thần đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổng hợp ý kiến và báo cáo Chính phủ chậm nhất là 30/6/2018. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ xem xét và ban hành sớm lịch nghỉ chính thức trong năm 2019.

“Việc ban hành sớm sẽ giúp doanh nghiệp, cơ quan chủ động trong sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp liên quan tới vận tải cũng có sự chủ động hơn” - ông Hà Tất Thắng nhận định.

Dự kiến thời điểm ban hành chính thức việc hoán đổi một số ngày Lễ, Tết dương lịch và lịch nghỉ tết âm lịch 2019 chỉ còn cách thời điểm cuối năm khoảng 4-5 tháng.

Số ngày nghỉ ở Việt Nam có nhiều?

Liên đới với việc bố trí các ngày nghỉ trong năm, ông Hà Tất Thắng cho rằng: “Qua tìm hiểu, số ngày nghỉ trong năm của Việt Nam theo quy định, đang ở mức trung bình thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới nói chung. Đặc biệt là thấp so với các nước phát triển”.

Hiện nay, Luật lao động quy định giờ làm việc trung bình là 48 h/tuần.

“Nhưng chúng tôi khuyến khích làm 40h/tuần. Điều này không có gì đặc biệt nếu so với các nước phát triển ở Châu âu chỉ làm 36 h/tuần. Thậm chí tại Pháp đang đề nghị chỉ làm từ 30-32 h/tuần”- Cục trưởng Cục An toàn lao động nói.

Cũng theo ông Hà Tất Thắng, một số người cho rằng Việt Nam có nhiều ngày nghỉ lễ, tết vì sự nhầm lẫn giữa ngày nghỉ thực tế và ngày nghỉ lễ, tết.

“Ngày nghỉ Lễ, tết được quy định trong Bộ Luật Lao động. Ví dụ như ngày nghỉ Tết âm lịch được nghỉ 5 ngày. Còn việc nghỉ hoán đổi thì công chức, viên chức phải làm bù vào những ngày làm việc khác” - ông Hà Tất Thắng đơn cử.

Phân tích về đề xuất nghỉ Tết âm lịch 2019, ông Hà Tất Thắng nói: “Đề xuất nghỉ tới 9 ngày nhưng trong đó có 4 ngày là ngày nghỉ cuối tuần. Như vậy thực chất vẫn là nghỉ Tết có 5 ngày”.

Đối tượng nghỉ là công chức, viên chức

Cũng theo ông Hà Tất Thắng, dự thảo Tờ trình hướng tới đối tượng công chức, viên chức nhà nước. Với doanh nghiêp, tuỳ vào điều kiện sản xuất cụ thể để cho người lao động nghỉ. Nếu bố trí người lao động làm việc vào những ngày Lễ, tết, doanh nghiệp phải trả thêm tiền làm việc theo quy định của Luật lao động.

Hoàng Mạnh