1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Dấu hiệu bất ổn trên thị trường lao động

60% doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm doanh số, phải cắt giảm lao động, khiến thị trường lao động năm 2011 được nhận định đang có dấu hiệu bất ổn.

Doanh nghiệp hoạt động cầm chừng

 

Thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho thấy, hiện có hơn 20%  trong tổng số hơn 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cả nước bị phá sản; 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động giảm doanh số, phải cắt giảm lao động; số còn lại hoạt động rất khó khăn.

 

Khó khăn được nhìn thấy rất rõ ở ngành dệt may, khi áp lực tăng lương tối thiểu từ ngày 1/10 sẽ khiến quỹ lương tăng thêm 30-40%, giá điện tăng 15%, chi phí vận tải tăng 20%, nước xử lý tăng 30%, khiến tổng chi phí đầu vào tăng hơn 20%.

 

Trong khi đó, đơn hàng xuất khẩu vụ xuân - hè (từ tháng 11/2011 đến 4/2012) đang giảm sút nghiêm trọng (từ 50 đến 60%); giá đơn hàng cũng giảm đáng kể (từ 5 đến 10% đối với hàng gia công).

 

Các doanh nghiệp xây dựng cũng trong tình cảnh khó trăm bề, bởi giá nguyên liệu tăng quá cao (nguyên liệu chiếm đến 60% tổng chi phí), dẫn đến đa số các công trình như cao ốc, chung cư phải hoãn hoặc dừng thi công. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư đã hủy hợp đồng, khiến hàng nghìn lao động mất việc làm.

 

Đối với ngành gỗ, kết quả khảo sát của Trung tâm Phân tích và Dự báo (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) lại cho thấy, doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã giảm quy mô hoạt động khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chi phí tài chính như lãi vay ngân hàng, chi phí nguyên liệu tăng khoảng 25%. Cộng với việc tăng lương cho công nhân, tổng chi phí đã tăng khoảng 30%, nhưng đơn giá xuất khẩu chỉ tăng 5%, khiến nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động để tránh lỗ.

 

Cầu tuyển dụng không tăng

 

Hàng loạt khó khăn khiến doanh nghiệp các ngành thâm dụng lao động như dệt may, gỗ, xây dựng… chỉ hoạt động cầm chừng đã phản ánh rõ sự bất ổn về việc làm.

 

Theo khảo sát nhanh về doanh nghiệp và người lao động của Trung tâm Phân tích và Dự báo, phần lớn doanh nghiệp đều tăng nhu cầu tuyển dụng để phục vụ mùa tăng ca, hoàn thành đơn hàng, chỉ tiêu những tháng cuối năm.

 

Tuy nhiên, sự ổn định việc làm và thu nhập trong một số khu vực chỉ mang tính chất tạm thời, bởi doanh nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, như chi phí sản xuất tăng quá cao, sức ép “vốn chết” trong hàng tồn kho và khó khăn về đơn hàng.

 

Kết quả khảo sát của Trung tâm Phân tích và Dự báo cũng cho thấy, nhiều doanh nghiệp đăng nhu cầu tuyển dụng, nhưng chủ yếu để bù lượng lao động luân chuyển giữa các doanh nghiệp, các khu vực, còn nhu cầu thực tế không tăng.

 

Bên cạnh đó, khảo sát cũng cho một kết quả không lạc quan đối với lao động tại các làng nghề truyền thống. Cụ thể, tính đến tháng 8/2011, lượng việc làm và thu nhập của lao động khu vực này đã giảm 60 - 70% so với năm 2010. Doanh thu của các doanh nghiệp làng nghề xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ phía Nam đã giảm 50%. Nhiều xưởng nghề của doanh nghiệp phía Bắc đã tạm dừng sản xuất khoảng 3/8 tháng đầu năm để tránh tồn kho quá cao.

 

Từ kết quả khảo sát trên, Trung tâm Phân tích và Dự báo nhận định, do tác động của hai yêu tố là chính sách tiền tệ và chi phí tăng, doanh nghiệp phải chịu tác động kép là đầu ra giảm và chi phí đầu vào tăng, khiến lợi nhuận giảm, dẫn tới việc sẽ phải giảm cầu lao động trong thời gian tới. Cùng với đó, người lao động có thể sẽ phải chịu cú sốc kép là giá cả sinh hoạt tăng, trong khi thời gian làm việc lại giảm, thậm chí mất việc làm, giảm thu nhập thực tế.

 

Theo Phan Long
Báo Đầu tư