Đánh giá 5 năm thực hiện chính sách BHXH, BHYT

(Dân trí) - Sáng 28/6, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội VN tổ chức hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020.

Đánh giá 5 năm thực hiện chính sách BHXH, BHYT - 1

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - nhấn mạnh, BHXH và BHYT giữ vai trò trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội. Thời gian qua, cùng với chính sách phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến chính sách an sinh xã hội, trong đó đặc biệt chú ý tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đói tượng tham gia BHXH, BHYT.

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW trong hơn 5 năm qua đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực và nhiều thành quả có ý nghĩa, góp phần quan trọng tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

“Chương trình sơ kết, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW là dịp khẳng định các thành quả cần tiếp tục phát huy, vừa nhằm chỉ ra các hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục. Đồng thời là căn cứ để tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị trong lãnh đạo chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 21-NQ/TW trong thời gian tới” - ông Nguyễn Văn Bình cho biết.

Tính đến hết tháng 5/2018, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,82 triệu người, tăng mới 3,25 triệu người so với năm 2012, đạt 25,8% lực lượng lao động. Số người tham gia BHXH tự nguyện là 240 nghìn người; BHTN là 11,7 triệu người, bình quân mỗi năm tăng 700 nghìn người.

Dân số tham gia BHYT đạt 81,3 triệu người, phát triển mới gần 21 triệu người so với năm 2012, tăng 35,6%, đạt tỷ lệ bao phủ 86,6% dân số. Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT tăng nhanh qua từng năm, đặc biệt, năm 2017, số người tham gia BHYT đã đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết 21 đề ra.

Tổng số người hưởng lương hưu tăng lên 3,1 triệu người, tăng gần 18% so với năm 2012. Ngành BHXH cũng đã có những bước tiến trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động BHXH, BHYT…

nguyen van binh

Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội nghị.

Theo Ban Kinh tế Trung ương, những kết quả và kinh nghiệm chia sẻ tại Hội nghị này sẽ là bài học quý báu cho việc lãnh đạo chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH.

Thông qua những tham luận, các đại biểu đã tập trung đề cập và phân tích những chủ đề quan trọng, nhằm chia sẻ kinh nghiệm thành công cũng như những khó khăn, bất cập, trên cơ sở đó đưa ra đề xuất kiến nghị.

Trong đó, nhiều vấn đề quan trong được đề cập, như: Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT”; nhiệm vụ của ngành LĐ-TB&XH với những kết quả và khó khăn vướng mắc cần tập trung chỉ đạo”; Bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT tại các khu công nghiệp…Hội nghị đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW trong những năm tiếp theo.

Cũng tại Hội nghị, đại diện BHXH Việt Nam đã báo cáo khái quát “Một số kết quả đạt được trong công tác tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT sau 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị”.

Kết quả Hội nghị cho thấy, trong hơn 5 năm qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 21-NQ/TW. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền, thực hiện Nghị quyết được ban hành kịp thời; nội dung tuyên truyền đảm bảo đúng định hướng, bám sát tinh thần Nghị quyết.

Công tác phối hợp tuyên truyền thực hiện Nghị quyết được tiến hành hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết việc tuyên truyền được chú trọng và được thực hiện nghiêm túc. Các cấp uỷ đảng, chính quyền ban hành kế hoạch, chương trình hành động, các văn bản có liên quan đã bám sát Nghị quyết…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, nhiều báo cáo cũng chỉ ra một số những hạn chế, bất cập như: Việc phổ biến, quán triệt Nghị quyết ở một số nơi chưa sâu rộng, còn hình thức, chủ yếu mới chỉ đến cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đảng viên trong hệ thống chính trị mà chưa đến đối tượng đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT; một số cấp ủy, chính quyền còn coi công tác tuyên truyền là nhiệm vụ riêng của ngành BHXH hoặc tuyên giáo…

Hoàng Mạnh