1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thị trường lao động TPHCM 2012:

Cung tăng, cầu giảm, thất nghiệp nhiều

(Dân trí) - Do ảnh hưởng từ nền kinh tế, thị trường lao động TPHCM năm 2012 diễn biến theo xu hướng gia tăng việc làm không ổn định, thất nghiệp cao hơn so năm 2011, lao động mới khó tìm việc làm hơn.

Lao động ngành bất động sản, tài chính ngân hàng “mất giá” trong năm 201
Lao động ngành bất động sản, tài chính ngân hàng “mất giá” trong năm 2012

Đội quân thất nghiệp gia nhập thị trường

Theo báo cáo tình hình lao động 2012 của Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi), thị trường lao động và nhu cầu nhân lực tại TPHCM năm 2012 có thể chia làm 2 thời điểm với xu hướng phát triển khác nhau.

Trong 6 tháng đầu năm, do có nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, ngưng hoạt động nên thị trường lao động thành phố chưa thật sự ổn định và phát sinh nhiều nghịch lý, tồn tại mất cân đối giữa nhu cầu nhân lực và nhu cầu việc làm. Chỉ số nhu cầu tuyển dụng giảm 15% so với 6 tháng đầu năm 2011, nhu cầu nhân lực giảm đa số các nhóm ngành nghề.

6 tháng cuối năm, nền kinh tế phát triển khởi sắc hơn, tác động tích cực đến thị trường lao động, thị trường ổn định hơn so với 6 tháng đầu năm, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tăng 14% so cùng kỳ năm 2011.

Ngoài ra, tình trạng lao động thất nghiệp, không tìm được việc làm, mất việc mà nguyên nhân chính xuất phát từ sản xuất – kinh doanh gặp khó khăn và yêu cầu tái cấu trúc doanh nghiệp là vấn đề đáng quan tâm của thị trường lao động năm 2012. Đội quân thất nghiệp này gia nhập thị trường khiến nhu cầu tìm việc tăng cao.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Falmi cho biết: “Chỉ số người có nhu cầu tìm việc làm năm 2012 liên tục tăng qua các quý, bao gồm lao động thất nghiệp, học sinh – sinh viên tốt nghiệp có nhu cầu tìm việc làm. Một số ngành nghề có nhu cầu tìm việc cao như: Kế toán, Nhân sự - Hành chính văn phòng, Nhân viên kinh doanh- Marketing...”.

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Trưởng bộ phận nhân lực Chonviec đồng tình: “Năm 2012, nhu cầu tìm việc nhiều ngành như tài chính ngân hàng, bất động sản trên hệ thống của chúng tôi tăng cao bất thường, toàn là lao động có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề. Hầu hết họ đều đến từ các doanh nghiệp bị đóng cửa hoặc tinh giản nhân sự”.

Cầu giảm, tìm việc ngày càng khó

Trong khi đó, nhu cầu nhân lực năm 2012 lại giảm 2,9% so với năm 2011. Khác với những năm trước, nhu cầu tuyển dụng ồ ạt lao động phổ thông trong những ngành nghề sản xuất chế biến, năm 2012 nhu cầu này giảm hẳn.

Ông Trần Anh Tuấn cho biết: “Số lượng chỗ làm việc năm 2012 của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố giảm so với năm 2011; trong đó giảm nhiều nhu cầu lao động phổ thông, sơ cấp nghề trong các ngành nghề sản xuất – chế biến”.

Nhân viên mất việc nhiều cộng với số lượng lao động mới gia nhập thị trường khiến nguồn cung tăng cao, số lượng chỗ làm lại giảm khiến mức độ cạnh tranh cho mỗi chỗ làm ngày càng khốc liệt hơn, khiến nhiều sinh viên mới ra trường chịu nhiều thiệt thòi, khó tìm được việc làm phù hợp hơn xưa.

Ông Trần Anh Tuấn nhận định: “Trong năm 2012, lượng người tìm việc có trình độ chuyên môn kỹ thuật, có tay nghề và có kinh nghiệm trên 1 năm là trên 50%. Điều đó tạo ra sự cạnh tranh khá gay gắt giữa những người tìm việc làm có trình độ chuyên môn”.

Ông Tuấn cho rằng: “Có thể nhận định hai lý do cơ bản gây ra thất nghiệp, đó là: Có ít chỗ làm việc hơn là nhu cầu của người tìm việc làm phù hợp ngành nghề đã được đào tạo; Số lượng chỗ làm việc nhiều, nhưng nhiều người tìm việc làm không đáp ứng trình độ hoặc không muốn làm những công việc đó”.

Tùng Nguyên