1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cử nhân, kỹ sư thất nghiệp là do trường đào tạo kém?

Nhiều trường cho rằng số lượng sinh viên ra trường có việc làm, chưa đủ để đánh giá chất lượng đào tạo của các trường.

Trong văn bản gửi các trường đại học, cao đẳng mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường báo cáo tình trạng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, khu vực làm việc, đánh giá mối quan hệ giữa kết quả đào tạo và tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp.

Trên cơ sở dữ liệu được công bố công khai của các trường, Bộ sẽ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh các năm, cơ cấu đào tạo, điều chỉnh bổ sung chương trình đào tạo của các trường nhằm nâng cao tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Bộ cũng yêu cầu các trường phải thực hiện hoạt động này một cách thường xuyên, đều đặn.

Khảo sát sinh viên không dễ

Tại nhiều trường đại học, việc thống kê tình trạng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp được thực hiện từ nhiều năm nay, nhưng để lấy được những con số chính xác về vấn đề này không phải là bài toán dễ.

Là trường thực hiện điều tra, thống kê về tình trạng việc làm của sinh viên hàng năm, đại diện Đại học Công đoàn (Hà Nội), TS Nguyễn Đức Tĩnh, Phó Hiệu trưởng nhà trường vẫn tỏ ra lo ngại về công tác triển khai quy định này.

Cử nhân, kỹ sư thất nghiệp là do trường đào tạo kém? - 1

TS Nguyễn Đức Tĩnh, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công đoàn.

Theo thầy Tĩnh, đối tượng sinh viên theo học trong trường gồm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là các cán bộ công đoàn tại các cơ quan được cử đi học, nhóm thứ 2 là học sinh phổ thông thi vào trường. Với nhóm thứ nhất, trường dễ dàng tìm hiểu về tình trạng việc làm của người học sau khi tốt nghiệp do vẫn có những liên hệ với các cơ quan nơi họ đang công tác. Nhưng với nhóm thứ 2 việc khảo sát lại không hề đơn giản.

Theo thông tin từ thầy Tĩnh, mỗi năm trường đều phát phiếu điều tra tình trạng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Phiếu này được phát khi sinh viên chuẩn bị ra trường, nhưng mỗi năm thông tin phản hồi lại chỉ từ 15-20%. “Con số còn lại nhà trường không thể biết đích xác các em đang làm gì, ở đâu. Hay có những trường hợp giảng viên đi công tác gặp lại sinh viên cũ tại địa phương thì cũng hỏi han thêm được thông tin việc làm của các em”.

Nói về con số khiên tốn trên, thầy Tĩnh cho biết khó khăn lớn nhất của các trường là không có thông tin liên lạc chính xác của sinh viên sau khi ra trường. Ngoài ra hiện nay cũng chưa có cơ chế yêu cầu sinh viên bắt buộc phải phản hồi, hàng năm trường “đều phải nói khéo, động viên các em để cung cấp thông tin”.

Ngoài ra, thầy Nguyễn Đức Tĩnh cũng nhận thấy công tác xác minh, xử lý thông tin thu về cũng là một bài toán mới cần giải: “Có những em ngại, khiêm tốn không chia sẻ thật về tình trạng việc làm của mình, hoặc cũng có trường hợp lại nói quá, nên các trường không khỏi lúng túng trong vấn đề này”.

Với quy định mới của Bộ, trường Đại học Công đoàn đang gấp rút xây dựng hệ thống website cho phép cựu sinh viên truy cập và nhập thông tin về tình trạng việc làm.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Việt Hương Phó Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng với mỗi phương thức đào tạo của từng trường lại có cái khó riêng.

TS Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
TS Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Như với các trường đào tạo theo hình thức niên chế, sinh viên có sự gắn kết hơn với cán bộ lớp, giáo viên chủ nhiệm. Nhưng áp lực lại dồn lên ban cán sự lớp. Còn với những trường đào tạo theo hình thức tín chỉ, lớp hành chính bị phá vỡ, sinh viên tốt nghiệp ra trường nhiều đợt, khó theo dõi hơn. Tuy vậy, với hình thức đào tạo mới, sinh viên phải chủ động theo dõi thông tin trên website của trường, nên việc khảo sát qua mạng lại dễ thực hiện hơn. Do đó, TS Hương nhận định: “Việc thống kê tình trạng việc làm của sinh viên không hề dễ dàng nhưng các trường nếu kịp quản lý sinh viên theo hệ thống thông tin hiện đại thì hoàn toàn có thể thực hiện được”.

Nhiều trường đại học khác cũng có chung khó khăn trong việc kết nối với sinh viên sau khi ra trường. Thêm nữa, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa có bất cứ biểu mẫu chung nào cho các trường, dẫn đến tình trạng mỗi trường chạy một hướng.

Chưa thể đánh giá chất lượng đào tạo

PGS.TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) cho rằng yêu cầu của Bộ là hợp lý, giúp thực hiện hiệu quả hơn hoạt động hướng nghiệp và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học. Ngay sau khi Bộ có yêu cầu, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã lên kế hoạch thực hiện thông qua các nhóm, hội cựu sinh viên của trường, xây dựng hệ thống website và thành lập bộ phận chuyên trách về vấn đề này.

PGS.TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
PGS.TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Cũng theo quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo, nếu tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm thấp, sẽ điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Thầy Nam cho rằng, quy định này sẽ tạo ra tính cạnh tranh giữa các trường. Song cũng cần có quá trình quan sát lâu dài, do bên cạnh vấn đề chất lượng giáo dục cũng còn nhiều yếu tố xã hội ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của sinh viên.

Thầy Nam lấy ví dụ tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngành báo chí khá cao, nhưng với các khối ngành về lý luận chính trị, tỷ lệ lại thấp hơn nhiều: “Thực tế, với các em lớp lý luận chính trị có nhiều khó khăn, do các cơ quan đều đang giảm biên chế, giảm số lượng hoạt động trong lĩnh vực công. Nhiều em làm trái ngành trái nghề, có em học Triết nhưng lại ra làm về truyền hình, marketing…

Theo TS Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cho biết trường đang triển khai việc thu thập thông tin trên nhiều kênh khác nhau như thông qua các hội cựu sinh viên, hệ thống giáo viên chủ nhiệm, nắm bắt thông tin từ những sinh viên đầu mối, qua trang facebook của Phòng Đào tạo và hệ thống website của trường.

Theo cô Hương, đây là năm đầu tiên thực hiện quy định này, nếu thống kê được khoảng 70% đã là thành công rất lớn của các trường. Cô Hương nói về thực tế nhiều sinh viên ra trường trong vòng 1 năm chưa thể có việc ngay được, hay có những trường hợp “nhảy việc” dẫn đến thông tin đúng ở thời điểm này, nhưng lại không đúng ở thời điểm khác.

Do vậy, thống kê chỉ mang tính khái quát tổng thể, chưa phải căn cứ chuẩn xác 100%. Từ đó, TS Việt Hương cho rằng nếu lấy tiêu chí sinh viên xin được việc hay chưa sau 1 năm ra trường để đưa ra đánh giá về chất lượng đào tạo của các trường thì chưa đúng. Muốn đánh giá chính xác chất lượng đào tạo các trường cần phải thực hiện việc này trong nhiều năm.

Theo VOV.VN