1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cty vốn chi phối của Nhà nước: Lương của sếp không quá 36 triệu đồng

(Dân trí) - Đây là nội dung trong Nghị định 53/2016/NĐ-CP vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/8/2016. Nghị định 53/2016/NĐ-CP nhằm quy định về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước.

Cty vốn chi phối của Nhà nước: Lương của sếp không quá 36 triệu đồng - 1

Liên quan tới mức tiền lương, thù lao của người quản lý công ty, Nghị định 53/2016/NĐ-CP quy định, quỹ tiền lương kế hoạch của người quản lý công ty chuyên trách được xác định dựa trên số lượng người quản lý công ty chuyên trách và mức tiền lương bình quân kế hoạch.

Theo đó, mức tiền lương bình quân kế hoạch đối với người quản lý công ty chuyên trách là người đại diện phần vốn nhà nước được xác định trên cơ sở mức tiền lương bình quân thực hiện năm trước liền kề gắn với việc bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp, bảo đảm tiền lương và thu nhập của người lao động, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm đối với người lao động và nhà nước theo quy định của pháp luật, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh kế hoạch và bảo đảm tối đa không quá 36 triệu đồng/tháng (gọi là mức lương cơ bản, khi Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ bản thì thực hiện theo quy định mới của Chính phủ) đối với công ty có lợi nhuận kế hoạch dưới 50 tỷ đồng.

Về căn cứ để gia tăng mức lương, Nghi định 53/2016/NĐ-CP nêu rõ, trong trường hợp công ty có lợi nhuận kế hoạch từ 50 tỷ đồng trở lên thì áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương so với mức lương cơ bản, cụ thể:

Hệ số điều chỉnh tăng thêm tối đa bằng 0,5 đối với công ty có lợi nhuận từ 50 tỉ đồng đến dưới 100 tỉ đồng.

Hệ số điều chỉnh tăng thêm tối đa 1,0 đối với các công ty thuộc lĩnh vực ngân hàng, tài chính, viễn thông có lợi nhuận có lợi nhuận từ 100 tỉ đồng tới dưới 500 tỉ đồng, công ty thuộc lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí, khoáng sản, điện, thương mại dịch vụ có lợi nhuận từ 100 tỉ đồng đến 300 tỉ đồng. Công ty thuộc lĩnh vực còn lại có lợi nhuận từ 100 tỉ đồng tới dưới 200 tỉ đồng.

Hệ số điều chỉnh tăng thêm tối đa 1,5 đối với các công ty thuộc lĩnh vực ngân hàng, tài chính, viễn thông có lợi nhuận có lợi nhuận từ 500 tỉ đồng tới dưới 1.000 tỉ đồng, công ty thuộc lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí, khoáng sản, điện, thương mại dịch vụ có lợi nhuận từ 300 tỉ đồng đến 700 tỉ đồng. Công ty thuộc lĩnh vực còn lại có lợi nhuận từ 200 tỉ đồng tới dưới 500 tỉ đồng.

Hệ số điều chỉnh tăng thêm tối đa 2 đối với các công ty thuộc lĩnh vực ngân hàng, tài chính, viễn thông có lợi nhuận có lợi nhuận từ 1.000 tỉ đồng tới dưới 1.500 tỉ đồng, công ty thuộc lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí, khoáng sản, điện, thương mại dịch vụ có lợi nhuận từ 700 tỉ đồng đến dưới 1.000 tỉ đồng. Công ty thuộc lĩnh vực còn lại có lợi nhuận từ 500 tỉ đồng tới dưới 700 tỉ đồng.

Hệ số điều chỉnh tăng thêm tối đa 2,5 đối với các công ty thuộc lĩnh vực ngân hàng, tài chính, viễn thông có lợi nhuận có lợi nhuận từ 1.500 tỉ đồng trở lên, công ty thuộc lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí, khoáng sản, điện, thương mại dịch vụ có lợi nhuận từ 1.000 tỉ đồng trở lên. Công ty thuộc lĩnh vực còn lại có lợi nhuận từ 700 tỉ đồng trở lên.

Nghị định cũng nêu rõ, quỹ thù lao của người quản lý công ty không chuyên trách được xác định trên cơ sở số lượng người quản lý công ty không chuyên trách, thời gian thực tế làm việc và mức thù lao tối đa 20% mức tiền lương của người quản lý công ty chuyên trách.

Nghị định 53/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/8/2016.

Nghị định 53/2016/NĐ-CP cũng quy định tiền lương của người lao động, quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động được xác định dựa trên số lao động kế hoạch và mức tiền lương bình quân kế hoạch.

Mức tiền lương bình quân kế hoạch được xác định căn cứ vào mức tiền lương trong hợp đồng lao động, mức tiền lương bình quân thực hiện theo kết quả sản xuất, kinh doanh của năm trước liền kề và gắn với chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh kế hoạch của công ty.

Trường hợp công ty có lợi nhuận, mức tiền lương bình quân kế hoạch được xác định trên cơ sở mức tiền lương bình quân thực hiện theo kết quả sản xuất, kinh doanh của năm trước liền kề gắn với mức tăng/giảm năng suất lao động kế hoạch so với thực hiện năm trước liền kề, đảm bảo mức tăng tiền lương bình quân phải thấp hơn mức tăng năng suất lao động bình quân.

Nếu công ty không có lợi nhuận hoặc lỗ (trừ các trường hợp khách quan), mức tiền lương bình quân kế hoạch được xác định bằng mức tiền lương bình quân trong hợp đồng lao động và tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, tiền lương trả thêm khi làm việc vào ban đêm, khi làm thêm giờ theo quy định của Bộ luật lao động.

Hoàng Mạnh