1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Công nhân Doojung Việt Nam “phải coi người quản lý là... bố mẹ”?!

“Vị giám đốc người Hàn Quốc tên Kim bắt chúng em phải học thuộc câu nói “ở nhà có bố mẹ, đến công ty phải coi quản lý là bố mẹ". Ông ta còn nói, luật pháp Việt Nam tôi không biết, tôi chỉ biết làm ở đây thì chỉ có luật của công ty”.

Không chấp nhận những chính sách “quân phiệt” từ phía lãnh đạo công ty đưa ra, sáng ngày 8/4, hàng nghìn công nhân đang làm việc tại công ty Doojung Việt Nam đã tập trung trước cổng công ty này để đình công...

 

Công nhân bày tỏ nỗi bức xúc về các chính sách của công ty Doojung Việt
Công nhân bày tỏ nỗi bức xúc về các chính sách của công ty Doojung Việt Nam

 

Ép làm thêm 110 giờ/tháng

 

Sáng ngày 8/4, ngay từ sáng sớm, các công nhân đang làm việc tại Công ty Doojung Việt Nam (ở Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã tụ tập ngay trước cổng chính của công ty này để phản đối những sách bất hợp lý mà công ty này đề ra.

 

Theo phản ánh của các công nhân đang làm việc tại Công ty Doojung Việt Nam, tất cả những ai đang làm tại đây đều phải làm tăng ca từ 110 giờ đến 120 giờ/tháng. Bên cạnh đó, chế độ nghỉ phép tháng, nghỉ giữa giờ đều bị "ăn bớt".

 

Công nhân Nguyễn Thị Nhật (ở xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ) cho hay: “Tôi vào làm công ty này hơn 1 năm, từ ngày vào làm việc đến giờ, ngoài làm việc theo hợp đồng 8 giờ/ngày thì công ty này bắt chúng em phải tăng ca 4-6 giờ/ ngày. Tháng 3/2013, tôi phải tăng ca 120 giờ/tháng.

 

Mỗi giờ tăng ca, công ty trả cho em 18.000 đồng/ giờ. Trong hợp đồng ghi rõ ngày Chủ nhật được nghỉ thế những các ngày nghỉ này, công ty vẫn bắt chúng tôi phải tăng ca. Không chỉ tăng ca bình thường mà họ bắt phải làm thông 25 giờ liên tục (tức công nhân phải làm việc từ 7 giờ sáng thứ 7 đến 8 giờ Chủ nhật -PV)”

 

Bảo vệ công ty ngăn chặn phóng viên từ vòng ngoài
Bảo vệ công ty ngăn chặn phóng viên từ vòng ngoài

 

Cũng theo các công nhân thì mỗi tuần họ phải làm 6 ngày và ngày nào cũng bị tăng ca. Mức tăng ca vào các ngày hành chính từ 4-6 giờ. Mặc dù ép công nhân tăng ca nhưng chính sách đại ngộ thì công ty đều “lặng thinh”. Nhiều công nhân tăng ca cả tháng nhưng nếu xin nghỉ 1 giờ, liền bị quản lý gọi lên và cho nghỉ việc.

 

Công nhân Tống Thị Thắm (xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ) tâm sự: “Đã có rất nhiều công nhân bị ép tăng ca dẫn đến quá sức. Nhiều người không chịu nổi với thời gian làm việc quá dài trong một ngày đã lả đi và xin nghỉ không tăng ca thì bị quản lý đuổi việc”.

 

Cũng theo chị Thắm, rất nhiều công nhân trong công ty vì bận việc gia đình như con ốm, bố mẹ mất, người thân trong gia đình cưới xin... muốn xin nghỉ phép đều bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

 

Theo tính toán của công nhân, mỗi ngày họ phải làm việc 12-14 giờ liên tục. Buổi trưa họ chỉ được nghỉ 30 phút để ăn cơm. Thế những, mỗi tháng họ cũng chỉ được hưởng có 115.000 đồng tiền chuyên cần (tiền chuyên cần chỉ được nhận nếu như tăng ca đủ 120 giờ/tháng). Ngoài ra, nếu công nhân nào chỉ đi muộn 1 phút đều bị trừ tiền chuyên cần.

 

“Làm việc dài như vậy mà buổi trưa chúng em chỉ được nghỉ 30 phút ăn cơm. Thời gian này chỉ tính xếp hàng lấy cơm cũng đã mất 20 phút. 10 phút còn lại thì ăn uống kiểu gì. Nhiều công nhân đang ăn dở đã bị quản lý đuổi vào xưởng để tiếp tục làm việc” – một công nhân cho hay.

 

Muốn sinh đẻ thì đừng đi làm...

 

Bên cạnh việc tăng ca này, công ty Doojung cũng áp rất nhiều chính sách "quái gở" với phụ nữ mang thai. Theo công nhân Nguyễn Thị Tươi (ở xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ), vừa qua, tất cả nữ công nhân đang công tác tại đây phải khai vào bản “tình trạng hôn nhân và sinh đẻ”. Tưởng công ty yêu cầu khai báo để làm chính sách, nào ngờ, cứ có ai mang thai đến tháng thứ 6 đều bị lãnh đạo gọi lên văn phòng để nhận thông báo với nội dung rằng: “Thôi em nghỉ sinh đi, khi nào sinh xong thì đi làm lại”.

 

Tưởng rằng cơ chế chính sách tạo điều kiện cho phụ nữ mang thai, ai dè, khi nghỉ các công nhân này đều không nhận được bất kỳ một đồng lương nào. Thắc mắc lên gặp lãnh đạo thì những người có trách nhiệm đều nói rằng: “Cứ nghỉ sinh đẻ đi, bao giờ con lớn thì nộp hồ sơ đi làm lại”.

 

Còn những công nhân mang thai dưới 6 tháng tuổi thì công ty vẫn để cho đi làm bình thường, nhưng phải tăng ca. "Mặc dù bụng mang dạ chửa những công ty vẫn bắt chúng tôi phải tăng ca 3 giờ/ngày, ngoài 8 giờ làm hành chính theo hợp đồng" - công nhân tên Hạnh cho hay.

 

Theo hợp đồng lao động, các công nhân vào đây làm việc đều được hưởng các chế độ theo Luật Lao động Việt Nam, thế nhưng tất cả các quy định trong Bộ luật lao động đều bị công ty Doojung phớt lờ. Họ đãi ngộ với phụ nữ mang thai và đang nuôi con dưới 2 tuổi bằng cách, cắt hết chế độ nghỉ theo chính sách và đi làm tăng ca để lấy tiền nuôi con.

 

Công nhân Đỗ Thị Ái cho hay: "Tôi vào đây làm được hơn 1 năm. Hiện đang thai được gần 7 tháng nên bị lãnh đạo công ty gọi lên cho nghỉ việc. Khi thắc mắc thì lãnh đạo công ty bảo cứ nghỉ sinh đẻ đi, bao giờ con lớn thì nộp hồ sơ vào làm. Công ty sẽ tạo điều kiện".

 

Theo chị Ái, khi hỏi về các chế độ chính sách khi nghỉ sinh thì chỉ nhận được một câu trả lời duy nhất từ phía lãnh đạo công ty rằng: “Làm gì có chế độ mà đòi hỏi”.

 

“Sau khi bị cho nghỉ việc, qua tìm hiểu tôi mới được biết lí do vì mang thai ảnh hưởng đến năng suất lao động và không thể tăng ca nên bị cho thôi việc. Sau khi nghỉ thì công ty này sẽ chấm dứt toàn bộ hợp đồng lao động. Tức là công ty sẽ không có trách nhiệm gì sau khi nghỉ việc” – chị Ái tâm sự.

 

Nhiều công nhân ở Doojung mang bầu nhưng vẫn phải tăng ca.
Nhiều công nhân ở Doojung mang bầu nhưng vẫn phải tăng ca.

 

Cũng trong buổi đình công này, một số công nhân cho biết, đã có rất nhiều công nhân đã làm việc với thời gian từ 18-20 tháng tại công ty khi nghỉ làm và xin lại sổ bảo hiểm xã hội thì được nhận câu trả lời: “Muốn lấy sổ bảo hiểm thì lên Công ty bảo hiểm xã hội chi nhánh Chương Mỹ mà lấy!”. Nhưng khi tìm đến công ty bảo hiểm xã hội thì đều nhận câu trả lời nguyên vẹn “Công ty Doojung Việt Nam không đăng ký và đóng bảo hiểm cho bất kỳ một công nhân nào cả, nên không có sổ”.

 

Đến lúc này, các công nhân mới “giật mình” vì trong thời gian công tác đều bị thu phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế mà lại không có trong danh sách của bảo hiểm xã hội huyện Chương Mỹ.

 

Công nhân Nguyễn Thị Nhung cho hay: “Em làm công ty này được 16 tháng, lương của em được gần 2.515.000 đồng, mỗi tháng em đều bị chiết khấu 250.000 đồng vào lương. Theo giải thích của kế toán công ty thì số tiền đó là chiết khấu để đóng bảo hiểm. Nhưng khi hỏi bảo hiểm thì họ cho biết công ty không đăng ký đóng. Không biết số tiền bị thu hàng tháng đi đâu về đâu?”.

 

Còn theo công nhân tên Phương, chị này đang nuôi con tháng thứ 5, theo hợp đồng và chính sách bảo hiểm thì chỉ làm 7 giờ/ngày và không phải tăng ca. Thế những, công ty bắt phải tăng ca 3 giờ/ngày và không được nghỉ theo chế độ. Một ngày phải làm ít nhất 11 giờ/ngày.

 

Theo các công nhân, trong hợp đồng lao động ghi rõ, mỗi tháng họ được nghỉ 1 ngày phép, nhưng hầu như họ không được hưởng. Nếu ai cố tình nghỉ phép sẽ bị công ty trừ lương. Và, tất cả những người phụ nữ nộp hồ sơ vào làm việc đều phải cam kết trong 3 năm đầu không được phép mang thai. Nếu ai vi phạm sẽ bị đuổi việc.

 

Cuộc đình công diễn ra khá trật tự
Cuộc đình công diễn ra khá trật tự

 

Công nhân phải coi quản lý là bố mẹ

 

Các công nhân ở đây tâm sự, không chấp nhận với những chính sách bóc lột sức lao động này, họ đã phản ánh lên công đoàn công ty nhưng đều bị phớt lờ và dọa dẫm cho nghỉ việc. Công nhân Nguyễn Thị Nhung cho hay: “Để phản đối chế độ giờ làm và đối xử với người mang thai, công nhân đã phản ánh với công đoàn thì bị vị Chủ tịch Công đoàn công ty phớt lờ và trả lời rằng: “Không rỗi hơi ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

 

Còn công nhân Đỗ Thị Ái cho biết, trong quá trình làm việc, một người Hàn Quốc tên Kim luôn giám sát công nhân làm việc. Người này luôn tỏ thái độ với công nhân. Trong lúc làm việc, nếu ai lơ là hay nghỉ tay một chút sẽ bị phạt.

 

“Vị giám đốc người Hàn Quốc tên Kim bắt chúng em phải học thuộc câu nói “ở nhà có bố mẹ, đến công ty phải coi quản lý là bố mẹ”. Bên cạnh đó, ông ta còn nói, luật pháp Việt Nam tôi không biết, tôi chỉ biết làm ở đây thì chỉ có luật của công ty” – chị Ái cho hay.

 

Trước những chính sách này, sáng ngày 8/4, các công nhân đang làm việc tại đây đã tổ chức đình công đòi yêu sách. Thế nhưng bị lãnh đạo công ty phớt lờ. Để làm rõ sự việc, PV Petrotimes đã liên hệ làm việc liền bị nhân viên bảo vệ của công ty ngăn cản và nói “lãnh đạo không gặp”.

 

Ngay sau đó, rất nhiều công an xã và cán bộ Phòng LĐ-TB-XH huyện Chương Mỹ đến làm việc đều bị bảo vệ của công ty "mời" đứng ngoài cổng.

 

Ngoài ra, cũng trong buổi đình công này, khi phóng viên tác nghiệp ngoài cổng công ty liền bị một người mặc quân phục công an, xưng là công an huyện Chương Mỹ ra ngăn cản không cho quay phim, chụp ảnh. Để ngăn cản báo chí tác nghiệp, người mặc quân phục này hống hách: Ai mời các anh về, ai cho các anh tác nghiệp ở đây, giấy phép tác nghiệp đâu....?

 

Theo quan sát của phóng viên Petrotimes, người này đeo quân hàm Trung sĩ, biển hiệu ghi tên là Nguyễn Văn Trung. Khi thấy phóng viên nói sẽ gọi điện thoại cho đồng chí Lê Đình Sức - Trưởng Công an huyện Chương Mỹ thì người này liền bỏ vào phía trong công ty mà không nói một câu nào.

 

Một số hình ảnh ghi tại công ty Doojung Việt Nam:

 

Công nhân tụ tập trước văn phòng công ty để phản đối
Công nhân tụ tập trước văn phòng công ty để phản đối

 

Ước tính gần 1000 công nhân tham gia cuộc đình công
Ước tính gần 1000 công nhân tham gia cuộc đình công

 

Cán bộ LĐTBXH huyện cũng không được vào bên trong...
Cán bộ LĐTBXH huyện cũng không được vào bên trong...

 

Công an xã Phú Nghĩa cũng bị đứng ngoài
Công an xã Phú Nghĩa cũng bị "đứng ngoài"

 

Theo Thiên Minh - Nguyễn Hoan

Petrotimes