1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Còn “khoảng trống” BHYT với hơn 1,5 triệu học sinh, sinh viên

(Dân trí) - “Trong gần 18 triệu học sinh và sinh viên của cả nước, còn tới 7,5 % chưa tham gia vào chính sách bảo hiểm y tế (khoảng 1,5 triệu người). Thực tế này đòi hỏi nhiều giải pháp mới nhằm phát triển bảo hiểm y tế học sinh và sinh viên năm học 2017-2018”.

Còn “khoảng trống” BHYT với hơn 1,5 triệu học sinh, sinh viên - 1

Ông Vũ Mạnh Chữ - Phó Trưởng ban Thu (Bảo hiểm xã hội VN), trao đổi về những thách thức trong công tác triển khai chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) đầu năm học 2017-2018.

Còn 1,5 triệu học sinh sinh viên chưa có BHYT

Thống kê của Bảo hiểm xã hội VN, số học sinh và sinh viên tham gia BHYT đã tăng dần trong những năm gần đây. Năm học 2013 - 2014, số học sinh, sinh viên tham gia BHYT đạt 85%. Năm học 2016 - 2017, tỉ lệ trên đạt 92,5%, tương ứng khoảng 15,9 triệu học sinh, sinh viên có thẻ BHYT.

“Tuy nhiên vẫn còn tới 7,5 % học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT, tương ứng với khoảng 1,5 triệu người. Đây là con số không nhỏ và là thác thức trong công tác triển khai chính sách BHYT năm học 2017-2018” - ông Vũ Mạnh Chữ nói.

Theo Ban Thu (BHXH VN), một trong những nguyên nhân chính của số lượng người chưa tham gia BHYT là do một bộ phận người dân còn nhận thức hạn chế về chính sách bắt buộc tham gia BHYT của học sinh sinh viên.

Trong khi đó, một số cơ sở giáo dục chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm chỉ đạo triển khai BHYT học sinh tại các nhà trường.

BHXH VN đề xuất sửa đổi một số nội dung quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa phù hợp thực tế như: Trẻ em dưới 6 tuổi chuyển sang học sinh lớp 1 mà sinh vào các ngày trong tháng sau ngày 30/9 thì được sử dụng đến hết tháng của tháng đủ 72 tháng tuổi; học sinh lớp 12 được cấp thẻ BHYT đến 30/9 thay vì cấp thẻ đến 31/5 (kết thúc khóa học).

“Nhiều cơ sở giáo dục bậc đại học, cao đẳng, chỉ liệt kê số tiền đóng BHYT học sinh, sinh viên vào các khoản thu đầu năm học mà thiếu đi công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật BHYT cho học sinh sinh viên” - ông Vũ Mạnh Chữ nói.

Tình trạng học sinh, sinh viên năm đầu của các trường TC, CĐ, ĐH tham gia BHYT nhiều, nhưng lại giảm dần trong các năm học tiếp sau, đang là một thực tế diễn ra ở nhiều nơi.

Trong khi đó, một số cơ quan BHXH chưa thật sự sâu sát trong quá trình triển khai thực hiện BHYT học sinh, sinh viên, chưa tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo thực hiện công tác này.

Một số cơ quan BHXH cũng chưa phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục trong công tác rà soát, đối chiếu số học sinh sinh viên đã tham gia và chưa tham gia BHYT để xây dựng kế hoạch tuyên truyền vận động phụ huynh và học sinh sinh viên tham gia BHYT, đồng thời đề xuất giải pháp để phát triển đối tượng tham gia BHYT.

Nhiều giải pháp tăng đối tượng tham gia BHYT

Theo ông Vũ Mạnh Chữ, để đạt mục tiêu 100 % học sinh, sinh viên tham gia BHYT trong thời gian tới, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

“Ngành BHXH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo từ Trung ương đến địa phương giao chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT của học sinh đối với từng cơ sở giáo dục.

Theo ông Vũ Mạnh Chữ, cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm, tăng cường chỉ đạo việc thực hiện công tác BHXH, BHYT nói chung và BHYT học sinh, sinh viên nói riêng trên địa bàn; Kiên quyết không khen thưởng đối với các nhà trường nếu chưa hoàn thành tỷ lệ HSSV tham gia BHYT. Đồng thời cần dành một nguồn kinh phí hỗ trợ HSSV tham gia BHYT ngoài phần kinh phí đã được ngân sách Trung ương hỗ trợ.

Bên cạnh đó, BHXH VN đề xuất việc đưa tiêu chí về tỷ lệ tham gia BHYT học sinh, sinh viên là một trong các tiêu chí đánh giá phân loại tổ chức cơ sở Đảng, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và việc chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên, đảm bảo đến hết năm 2017 đạt 100% HSSV tham gia BHYT” - ông Vũ Mạnh Chữ nói.

Đồng thời, BHXH VN tiếp tục thực hiện phương thức thu phí BHYT linh hoạt để giảm nhẹ số tiền đóng góp của phụ huynh học sinh vào đầu năm học, cụ thể. Đặc biệt, BHXH VN chỉ thực hiện thu phí BHYT một lần nếu học sinh, sinh viên có nguyện vọng và tự nguyện đóng.

BHXH VN cũng đề nghị, đối với sinh viên mới nhập học, học sinh chuyển cấp, mới vào lớp 1 thực hiện thu phí BHYT học sinh sinh viên của những tháng còn lại năm 2017. Với học sinh, sinh viên đã thực hiện thu theo năm tài chính thì tiếp tục thực hiện thu vào cuối năm 2017: cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của học sinh, sinh viên 6 tháng hoặc một năm một lần nộp vào quỹ BHYT.

Kịp thời xét duyệt và trích, chuyển kinh phí thù lao thu BHYT học sinh, sinh viên, xác định và chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các cơ sở giáo dục đủ điều kiện theo quy định.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Khoảng 15, 9 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT

Theo BHXH VN, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) quy định , học sinh, sinh viên được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT và một số địa phương đã thực hiện hỗ trợ thêm 20% mức đóng.

Ngoài ra, nhóm học sinh sinh viên còn được hưởng nhiều lợi ích từ việc khám, chữa bệnh bằng BHYT hơn hẳn các nhóm khác. Thống kê của BHXH VN, đối tượng tham gia BHYT học sinh sinh viên ngày càng tăng. Theo đó, năm học 2015 - 2016, tỷ lệ học sinh sinh viên (HSSV) tham gia BHYT đạt 90,5%, tương ứng khoảng 15,6 triệu em; năm học 2016 - 2017, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đạt 92,5%, tương ứng khoảng 15,9 triệu HSSV có thẻ. Theo ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng Giám đốc BHXH VN, cho biết: Theo quy định, học sinh, sinh viên khi mua BHYT sẽ được nhà nước hỗ trợ 30% mệnh giá thẻ giảm từ hơn 700.000 đồng xuống còn 492.000 đồng/em. Được biết, BHXH VN đã kiến nghị Chính phủ nghiên cứu xem xét nâng mức hỗ trợ đóng BHYT từ 30% lên 50% cho nhóm đối tượng học sinh, sinh viên. Cũng theo ông Trần Đình Liệu, một số nguyên nhân cả về cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện dẫn đến tình trạng HSSV tham gia BHYT chưa đủ 100% theo luật định.

T.L

Cấp số BHXH mới, lợi ích cho người tham gia

Theo ông Vũ Mạnh Chữ - Phó trưởng Ban Thu (BHXH VN), việc xúc tiến cấp số BHXH mới đang được xúc tiến chuẩn bị để bắt đầu từ 1/10.

Phân tích về lợi ích của việc cấp số BHXH mới, ông Vũ Mạnh Chữ cho biết: Việc bổ sung hoàn thiện thông tin lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý hộ gia đình và giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người tham gia khi giải quyết chế độ BHXH và khám bệnh, chữa bệnh BHYT được thuận lợi, cụ thể:

Đồng thời, khi thay mã thẻ BHYT bằng mã số BHXH, dữ liệu quản lý sẽ liên tục được cập nhật về thời điểm tham gia BHYT đủ 05 năm liên tục và phần kinh phí KCB tự chi trả vượt quá 06 tháng lương cơ sở trong năm tài chính để xác định thời điểm được miễn cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh (quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB). Cũng theo ông Vũ Mạnh Chữ, khi tiếp tục đăng ký tham gia BHXH, BHYT, xác nhận quá trình tham gia và giải quyết chế độ BHXH, BHYT, người tham gia không cần xuất trình giấy tờ hay lập lại các thủ tục như tham gia lần đầu, chỉ cần nhớ và báo lại cho cơ quan BHXH mã số BHXH khi làm thủ tục.

C.A

Trình tự thủ tục giải quyết hỗ trợ kinh phí đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động

Bạn Trịnh Thị Biên, Đồng Nai hỏi: Trình tự, thủ tục giải quyết hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì trình tự, thủ tục giải quyết hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động được thực hiện như sau:

- Người sử dụng lao động có nhu cầu hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động phải nộp hồ sơ theo quy định tại Điều 26 Nghị định này cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đóng trụ sở chính của đơn vị để thẩm định.

- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người sử dụng lao động theo quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định và phê duyệt phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm; chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề theo quy định tại Điều 3 Nghị định này và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây được viết tắt là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) xem xét, quyết định việc hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Trường hợp không hỗ trợ thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người sử dụng lao động.

Quyết định về việc hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội gửi: 01 bản đến Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ; 01 bản đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để báo cáo; 01 bản đến trung tâm dịch vụ việc làm; 01 bản đến người sử dụng lao động để thực hiện và 01 bản đến cơ sở dạy nghề cho người lao động trong trường hợp việc đào tạo không do người sử dụng lao động trực tiếp thực hiện. Quyết định về việc hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động thực hiện theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

- Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện tạm ứng 50% kinh phí hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người sử dụng lao động theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và thực hiện việc thanh quyết toán theo quy định trên cơ sở thực tế của việc thực hiện phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

N.Y