1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Một năm, hơn 100 lao động Việt Nam chết tại Malaysia:

Chính phủ cần có tiếng nói bảo vệ người lao động

Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội trong cuộc phỏng vấn chiều 27/2.

Bà Hoài Thu cho biết: “Năm 2005, khi còn là chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, tôi đã tổ chức một đoàn kiểm tra, giám sát tình hình người lao động Việt Nam ở một số nước, trong đó có Malaysia”.

 

Kết quả chuyến giám sát ấy ra sao, thưa bà?

 

Chúng tôi đến tận nơi lao động Việt Nam làm việc và thấy rằng số người lao động ở Malaysia chết cũng tương đương với con số hiện nay, tỷ lệ lao động Việt Nam chết ở Malaysia cao hơn so với nước khác. So với số lao động ở nhiều nước thì người Việt Nam đi lao động ở Malaysia đông hơn cả, như năm 2007 là hơn 100 ngàn người.

 

Sau đó, tôi đã có báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với Bộ LĐ-TB&XH hết sức quan tâm đến người lao động, nhất là lao động nặng nhọc về cơ bắp ở Malaysia và tìm hiểu nguyên nhân tại sao lại như vậy. Rất tiếc là tôi không có điều kiện để so sánh với lao động nước khác cùng đang làm việc tại Malaysia để có đánh giá toàn diện hơn.

 

Nhờ có chuyến đi thị sát lần đó mà có sự chuyển biến nhất định khi Quốc hội khóa XI thống nhất xây dựng “Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Quy định của luật chặt chẽ hơn, ràng buộc hơn. Chúng ta xác định đưa người đi lao động là nhằm giải quyết vấn đề lao động dôi dư, để “xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, người lao động sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm của những nước phát triển hơn mình. Thế nhưng nhiều người đi mà không có về.

 

Chúng ta đưa ra đây không phải để đổ lỗi cho ai mà quan trọng là tìm cho ra nguyên nhân. Đừng để tắc một thị trường lao động mà nhiều người đang cần, nhất là lao động có tay nghề thấp. Theo tôi, phải làm thế nào để qua loạt bài phóng sự của Báo Pháp Luật TPHCM, quyền lợi người lao động ở nước ngoài được bảo vệ nhiều hơn, hạn chế tỷ lệ chết và tăng cường số người lao động ở nước ngoài.

 

Thưa bà, phần lớn người lao động phải vay mượn, thế chấp ngân hàng để mong “thoát nghèo”. Ngoài những khoản “bù” mà các doanh nghiệp đưa lại, nhà nước nên có chính sách gì để hỗ trợ gia đình lao động chết không?

 

Đây là mất mát, là nỗi đau không chỉ của gia đình người lao động mà nhà nước cũng bị ảnh hưởng. Theo tôi, nhà nước hãy coi đây là thiên tai, thảm họa giống như vụ sập cầu Cần Thơ để có hỗ trợ phần nào và để vận động cộng đồng chia sẻ. Đối với những gia đình phải vay nợ để đi, nhà nước cũng nên tạo điều kiện giãn nợ, khoanh nợ. Đây chỉ là đòi hỏi bình đẳng quyền lợi thôi. Đừng nên phủi tay và cho rằng người lao động đi là mang lợi ích về cho gia đình họ thôi. Thống kê mỗi năm những người lao động này mang về hơn 1,5 tỷ USD cho đất nước.

 

Nhiều chủ doanh nghiệp nước bạn cho hay “trình độ lao động Việt Nam quá kém, không đủ đáp ứng yêu cầu của họ”. Trong khi cơ quan quản lý và công ty môi giới lại không bảo vệ được. Vậy trách nhiệm của những cơ quan ấy trong trường hợp này sẽ như thế nào?

 

Người lao động phải chủ động về trình độ tay nghề, sức khỏe, đừng có giấu bệnh. Họ phải hiểu đi ra nước ngoài là phải làm việc rất vất vả. Phải tìm hiểu thật kỹ môi trường làm việc mới có thích nghi với sức khỏe không. Đừng bao giờ nghe lời dụ dỗ của các công ty môi giới. Đi đâu cũng nên đi tập thể và đến tận nơi cơ quan quản lý trực tiếp để tìm hiểu thị trường lao động mới.

 

Theo quy định của pháp luật, cơ quan quản lý lao động (Bộ LĐ-TB&XH, Sở LĐ-TB&XH) phải có chế tài xử lý công ty môi giới đã làm sai luật và không kiểm tra thường xuyên lao động. Trong trường hợp có chết người, nếu nguyên nhân là do lỗi của công ty môi giới thì phải yêu cầu họ chịu toàn bộ trách nhiệm trước pháp luật và rút ngay giấy phép hoạt động.

 

Theo bà, Chính phủ Việt Nam nên có biện pháp khẩn cấp như thế nào đối với vấn đề này?

 

Trước hiện tượng hàng trăm lao động sang Malaysia chết mỗi năm thì Chính phủ cũng nên có tiếng nói ngay trong nước, nhất là với nhân dân mình. Với nước bạn, Bộ Ngoại giao Việt Nam cần lên tiếng để nói rằng người lao động Việt Nam trong nhiều năm qua đã đóng góp, làm giàu cho đất nước Malaysia. Ít nhiều gì chính phủ nước sở tại cũng nên có sự ưu ái người giúp việc cho mình, làm giàu cho mình chứ.

 

Riêng với Việt Nam, phải cho kiểm tra ngay việc thi hành pháp luật trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nếu luật sai, phải sửa luật. Nếu thiếu thì bổ sung.

 

Xin cảm ơn bà!

 

Theo Tố Như
Pháp luật TPHCM