1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cân bằng công việc - gia đình

Lấy vợ cách đây 2 năm và mới có đứa con đầu lòng, nhưng công việc quá bận rộn, vị giám đốc trẻ ít có thời gian chăm sóc vợ con. Để tạo lại “cân bằng”, anh chiều chuộng vợ nhiều hơn, chịu khó pha trò khi vợ cằn nhằn và tắt điện thoại vào tối thứ Bảy, ngày Chủ nhật. Nhưng xem ra đó chỉ là giải pháp ngắn hạn.

Không ít thành viên Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 là những người còn độc thân, thế nhưng vẫn đến tham dự cuộc tọa đàm tối 27/5 về chủ đề cân bằng công việc kinh doanh và cuộc sống gia đình. “Để học hỏi các anh chị đi trước” - một người trong số họ nói vậy. Những doanh nhân trẻ đã “qua cầu” không ngại bộc bạch nỗi niềm riêng và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sống.

“Vì sao người ta cần cân bằng trong cuộc sống?” - ông Lê Văn Khải, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Caltex Việt Nam bắt đầu cuộc trò chuyện bằng câu hỏi như vậy và đưa ra câu trả lời: “Vì người ta không muốn mất cân bằng”. Mất cân bằng - ấy là khi người ta phải tập trung nỗ lực, dành quá nhiều thời gian cho công việc để có thể tồn tại và thành đạt trong xã hội. Lại cũng có những người gặp phải “sự cố” trong cuộc sống gia đình, vùi đầu vào công việc, xem đó như một lối thoát. Ngược lại, cũng có nhiều người không hài lòng với công việc và khi đó họ lại mất cân bằng theo kiểu khác: Làm việc chểnh mảng, bê trễ...

Nói chung, trong xã hội hiện nay, khi nhịp sống ngày càng trở nên hối hả, áp lực công việc rất lớn trong khi nhu cầu của con người ngày càng cao, doanh nhân rất dễ mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình. Và không mấy khó khăn để nhận ra hậu quả những trường hợp mất cân bằng như vậy: Căng thẳng, thất vọng, không hòa hợp được với gia đình, rơi vào tình trạng khó xử, không tìm thấy niềm vui sống...

Như để minh họa cho ý kiến của ông Khải, một giám đốc trẻ kể lại câu chuyện của chính mình. Anh lập gia đình cách đây hai năm và mới có đứa con đầu lòng. Công việc quá bận rộn cho nên anh ít có thời gian chăm sóc vợ con. Có khi cả tuần anh chỉ ăn cơm với gia đình một, hai lần. Hẳn nhiên vợ anh cảm thấy không vui, còn anh thì cảm thấy chưa làm tròn trách nhiệm với gia đình. Để tạo lại “cân bằng”, anh chiều chuộng vợ nhiều hơn, chịu khó pha trò khi vợ cằn nhằn và tắt điện thoại vào tối thứ Bảy, ngày Chủ nhật... Nhưng rốt lại, như anh thừa nhận, đó chỉ là giải pháp ngắn hạn, chưa đủ xóa hết mặc cảm có lỗi với gia đình và anh tự nhủ “sắp tới chắc phải giảm bớt công việc”.

Có vẻ như việc dành quá nhiều thời gian, tập trung nhiều nỗ lực cho công việc là “thủ phạm” chính phá vỡ sự cân bằng trong cuộc sống doanh nhân. Nhưng anh Lý Quý Trung, Giám đốc Công ty Nam An lại cho rằng, thực tế không hoàn toàn như vậy. “Một người làm việc nhiều, nỗ lực cao mà anh ta vẫn cảm thấy vui vẻ, hài lòng; gia đình anh cũng vui vẻ, hài lòng và công việc thành công thì không thể gọi đó là mất cân bằng”. Như vậy, chính kết quả của công việc (thành công hay thất bại) và sự tác động (tích cực hoặc tiêu cực) đối với bản thân và gia đình, chứ không phải là việc dành nhiều hay ít thời gian, mới là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng trong cuộc sống. Anh Trung quả quyết: “Vấn đề cốt yếu là cân bằng trong cái đầu của mình”.

Cũng theo chiều hướng phân tích này, có ý kiến cho rằng vấn đề mất cân bằng hay không tùy thuộc vào mục tiêu hạnh phúc của mỗi người là gì, anh muốn phấn đấu vươn lên làm tổng giám đốc, muốn tạo một gia đình thuận hòa, hạnh phúc; hay muốn cả hai? Tùy vào từng mục tiêu đó mà anh cân nhắc, sắp xếp, tạo sự cân bằng riêng giữa công việc và gia đình.

Dù không nói rõ nhưng hầu như trong mọi ý kiến nêu ra đều ngầm khẳng định một điều: tìm được (hay tái lập được) sự cân bằng giữa công việc và gia đình là nền tảng của cuộc sống êm ấm, hạnh phúc. Một thành viên khác của Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 nêu ra kinh nghiệm xây dựng cuộc sống “cân bằng” của hai vợ chồng giáo sư người Mỹ mà anh cho là đang sống hạnh phúc. Lúc còn độc thân, cả hai đều xác định những mục tiêu riêng sẽ phải đạt đến và họ sống theo “bảng mục tiêu” đó; đến khi lập gia đình, ông và vợ lại xác định các mục tiêu mới cho phù hợp và căn cứ vào đó để điều chỉnh cuộc sống.

Tuy nhiên, kinh nghiệm sống này lại không được Lý Quý Trung tán đồng. Anh cho rằng, tạo cuộc sống cân bằng là cả một nghệ thuật sống, không thể đặt kế hoạch, cũng không tính toán được. Ông Lê Văn Khải cũng nhìn nhận: “Trong việc tạo lập cân bằng giữa công việc và gia đình, không thể có một giải pháp chung cho mọi trường hợp mà có rất nhiều “bộ” giải pháp. Thậm chí mỗi người còn những thủ thuật riêng phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể”.

Chẳng hạn cách tạo sự cân bằng khá thú vị của một giám đốc trẻ nêu lên trong cuộc tọa đàm. Anh kể: “Bà xã tôi làm cho một hãng hàng không nước ngoài. Công việc khá bận cho nên nhà tôi về khá trễ. Nhưng tôi lại còn trễ hơn, có khi đến 9, 10 giờ tối. Chúng tôi ít có thời gian dành cho nhau. Cuộc sống như vậy chẳng vui gì. Cuối cùng, chúng tôi quyết định, vợ tôi xin nghỉ việc, lập một công ty riêng. Và để hai vợ chồng được chia sẻ khó khăn, gần gũi nhau thường ngày, chúng tôi thuê hai văn phòng sát nhau trong một cao ốc để đưa cả hai công ty (vợ và chồng) vào đó”. Thật là đề huề!

Không chọn giải pháp như của hai vợ chồng trẻ này, một nữ doanh nhân dùng phương cách đối thoại, cùng mổ xẻ vấn đề để tìm cách thoát ra khỏi sự bất ổn. Chị kể: “Chồng tôi là một phó giám đốc công ty, còn tôi làm việc cho một tập đoàn nước ngoài. Chồng tôi hay vắng nhà, thường tiệc tùng, ăn nhậu, bảo rằng do yêu cầu quan hệ công việc. Lúc đầu tôi rất buồn, nhưng dần cũng quen đi. Vả lại công ty tôi ngày càng phát triển, tôi cũng bị cuốn vào công việc và cũng đi về thất thường. Cứ thế, mỗi người cắm cúi đi theo một hướng. Đến một lúc tôi nhận ra giữa hai chúng tôi, khoảng cách về tinh thần cứ tăng dần, không sao có được tiếng nói chung. Có vấn đề rồi - thế là tôi quyết định nói thẳng với anh ấy: mình không thể cứ tiếp tục như thế này, phải cùng nhau tổ chức lại cuộc sống gia đình”.

Quả thật, mỗi người mỗi cách, cuộc sống muôn mặt nên cách ứng xử cũng vô cùng đa dạng. Tuy vậy, hầu như nhiều ý kiến đều gặp nhau ở một điểm chung: dù thế nào chăng nữa, nguyên tắc căn bản nhất để tạo được sự hài hòa chính là sự hiểu biết, cảm thông và tôn trọng lẫn nhau.

Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn