1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

“Cãi” sếp như thế nào?

(Dân trí) - Việc không tán thành ý tưởng của sếp có thể khiến một nhân viên bị trù úm, mất việc; nhưng nếu chỉ luôn biết gật đầu tán thưởng hoặc mù quáng ủng hộ tất cả những ý kiến của sếp, nhân viên sẽ chẳng khác nào một con rối vô tri.

Bà Sharon Daniels, CEO của hãng tư vấn và đào tạo quốc tế AchieveGlobal đồng tình với quan điểm trên và cho rằng: “Việc nhân viên đưa ra những ý tưởng và phản hồi đầy hiểu biết sâu sắc của bạn với cấp trên sẽ mang lại cho họ những cơ hội nắm giữ vị trí quản lý cao hơn, gia tăng giá trị của họ với tổ chức đang làm việc và mở ra con đường thăng tiến trong sự nghiệp”.

 

Tuy nhiên, làm thế nào để bạn có thể chia sẻ quan điểm riêng của bạn với sếp mà không làm tổn hại tới những ý tưởng của ông/bà đó? Dưới đây là 5 chỉ dẫn dành cho bạn:

 

1. Gây dựng uy tín của bản thân

 

Đừng tỏ ra quá lắm lời với bất cứ công việc nào cho tới khi bạn đã chứng tỏ được khả năng và năng lực của mình với đồng nghiệp cũng như với người lãnh đạo. Nếu bạn gây dựng uy tín thông qua việc gặt hái các kết quả tích cực từ công việc của chính bạn, bạn sẽ thấy việc thuyết phục người khác tin tưởng vào giá trị của những ý tưởng mới do bạn đưa ra dễ dàng hơn nhiều.

 

2. Chỉ đề cập tới vấn đề khi đã nghĩ ra giải pháp

 

Khi bàn bạc công việc cùng sếp, bạn đừng bao giờ đề cập tới những trục trặc trong công việc cho tới khi bạn đã tìm ra được một giải pháp khả thi. Bà Daniels nói: “Chúng tôi luôn nói với các nhân viên cấp dưới của mình là đừng bao giờ xới lên những vấn đề chừng nào họ có thể đưa ra được ý tưởng để giải quyết vấn đề đó”.

 

3. Luôn nhớ rằng không có cái “tôi” nào trong một tập thể

 

Lúc nào bạn cũng nên tâm niệm một điều, bạn là thành viên của một tổ chức và sử dụng tiếng nói của bạn để tạo ra những thay đổi có thể đem lại lợi ích cho công việc của tất cả mọi người trong tổ chức đó. Việc áp dụng phương thức tiếp cận vấn đề mang tính tập thể như vậy sẽ khiến bạn tập đứng vào vị trí của một nhà lãnh đạo tương lai.

 

4. Biết bắt chước cấp trên

 

Bắt chước chính là một hình thức xu nịnh “thật thà” hơn cả, nhất là khi bạn cần đưa ra một thông điệp phản hồi với cấp trên. Bà Daniels khẳng định, việc bắt chước phong cách của cấp trên chính là mấu chốt quan trọng khiến quan điểm của bạn được tán thành trong toàn đơn vị làm việc.

 

Bà nói: “Bạn hãy học hỏi phong cách của sếp, cách ông/bà ấy muốn được tiếp cận theo kiểu nào. Nếu bạn biết thể hiện phong cách đó một cách hợp lý, quan điểm của bạn sẽ được nhiều người chấp nhận hơn”.

 

5. Đừng nên vượt mặt cấp trên của mình

 

Ngay cả khi người lãnh đạo bộ phận công tác của bạn không đủ thẩm quyền để thực thi những thay đổi trong đề xuất của bạn thì bạn vẫn phải trình bày nó với họ trước. Bà Daniels nói: “Trong một tổ chức có nhiều cấp lãnh đạo, bạn đừng quên nói rõ ý tưởng của mình với cấp trên trực tiếp của bạn, sau đó bạn có thể cùng họ trao đổi mọi việc với sếp trưởng, đây chính là phương thức tiếp cận có nhiều khả năng dẫn tới một cuộc trao đổi hiệu quả nhất”.

 

Đỗ Dương

Theo Yahoo