1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cả tin, dễ "sập bẫy" "chạy" việc làm

Có một công việc tốt, thu nhập cao là nguyện vọng chính đáng của mỗi người, nhất là với những sinh viên vừa tốt nghiệp. Nắm được tâm lý ấy, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng để lừa đảo bằng chiêu trò “chạy việc”.


Ảnh minh họa: PHÚ KHÁNH

Ảnh minh họa: PHÚ KHÁNH

Làm giả, ăn thật

Tại một phiên tòa mới đây, Ngọ Thị Tâm (SN 1979, trú tại tổ 20, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã phải nhận những hình phạt thích đáng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tâm đã dễ dàng chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng của nhiều người bằng thủ đoạn lừa đảo đơn giản là đưa ra những lời hứa hẹn xin được việc làm cho họ vào các cơ quan có tên tuổi. Tiếp cận hồ sơ vụ án cho thấy, trong quá trình lừa đảo, Tâm luôn vận dụng triệt để cách thức “làm giả ăn thật”.

Trong số hàng chục bị hại của Tâm phải kể đến là mẹ con bà Vũ Thị Thanh, trú ở huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Theo đó, sau một thời gian tốt nghiệp trường cao đẳng về kinh tế, chị Nguyễn Thị Thúy (SN 1985, con gái bà Thanh) vẫn không tìm được công việc ưng ý.

Đầu tháng 8-2011, thông qua một số mối quan hệ, bà Thanh được Tâm hứa hẹn sẽ xin việc cho con gái bà vào làm tại một ngân hàng lớn ở Hà Nội. Đổi lại, gia đình phải chuẩn bị 175 triệu đồng tiền… “bôi trơn”.

Nhận tiền và hồ sơ của mẹ con bà Thanh, Tâm nhanh chóng tìm đến một công ty tư nhân chuyên tư vấn và xuất khẩu lao động tại quận Cầu Giấy rồi giao kèo với giám đốc công ty này xin cho chị Thúy vào làm việc tại ngân hàng, chi phí trọn gói là 150 triệu đồng. Cẩn thận hơn, Tâm còn giao kết sẽ phạt đối tác 30 triệu đồng nếu không xin được việc làm cho chị Thúy.

Con đường đến ngân hàng làm việc của chị Thúy càng gập ghềnh và chứa đựng nhiều rủi ro hơn, bởi giám đốc công ty tư vấn và xuất khẩu lao động kia cũng chẳng hề có đầu mối nào đáng tin cậy. Cách thức mà Tâm đặt vấn đề xin việc cho chị Thúy cũng chỉ là qua người quen giới thiệu để gặp một “cò” đúng nghĩa với tiền công là 120 triệu đồng. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng chờ đợi, chị Thúy cũng được một ngân hàng ở Hà Nội gọi lên thi tuyển.

Chỉ có điều kết quả thi cử cho thấy, cô gái này hoàn toàn không đủ điều kiện, năng lực để làm việc ở đây. 

Ngày 7/8 vừa qua, Nguyễn Thị Thanh Tấm (SN 1986, trú ở xã An Tiến, Mỹ Đức, Hà Nội) cũng đã bị Tòa án Hà Nội xử phạt tổng cộng 16 năm tù về cả 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Bị cáo vốn là nhân viên của một xí nghiệp thủy lợi ở huyện Mỹ Đức, nhưng khi lừa bịp mọi người, Tấm lấy tên gọi khác và còn mạo nhận là Phó trưởng phòng Tổ chức của công ty chủ quản. Sau khi dụ được một số người nộp hồ sơ xin việc, đối tượng đã “sáng chế” ra hàng loạt quyết định tuyển dụng người vào làm việc giả mạo. Ngoài ra, đối tượng không hề có bất kỳ hành động gì thêm để thực hiện lời hứa “chạy” việc làm cho mọi người.

Bằng thủ đoạn đó, từ tháng 3-2013 đến tháng 1-2014, Tấm đã chiếm đoạt hơn 1,3 tỷ đồng của 12 bị hại.

Chớ dại viển vông và ảo tưởng

Đó chính là lời cảnh báo của một thẩm phán TAND TP Hà Nội khi nói về các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn “chạy” việc làm do ông trực tiếp tham gia xét xử. Theo vị thẩm phán này, thực tế việc cảm ơn, biếu quà cho những người giúp đỡ mình có được công việc tốt là điều bình thường và vẫn tồn tại trong xã hội. Tuy nhiên, điều này khác với “chạy” việc mà nói thẳng ra là mua bán vị trí công việc.

Phân tích về loại tội phạm lừa đảo “chạy” việc làm, vị thẩm phán Tòa án Hà Nội khẳng định, thực tiễn giải quyết các vụ án cho thấy hầu hết các bị can, bị cáo đều không có công ăn việc làm và ít có địa vị xã hội. Nguy hiểm hơn, đa số các vụ án lừa “chạy” việc đều có tính bắc cầu. Nghĩa là đối tượng lừa đảo và người bị hại nhiều khi không hề biết nhau.

Hành vi lừa đảo của tội phạm thường được những người trung gian tiếp sức theo kiểu người này tin vào người kia. Và cứ qua mỗi “cầu” thì thông tin cùng số tiền “chạy” việc lại thay đổi theo hướng tăng dần. Thứ mà các đối tượng lừa “chạy” việc hay đưa ra để lừa bịp là chúng có quan hệ với “ông này, bà kia” nên có khả năng lo lót được.

Để tránh bị lừa, điều đầu tiên và quan trọng nhất khi người lao động muốn tìm kiếm việc làm là phải xem xét kỹ về nhu cầu tuyển dụng lao động thực tế của cơ quan, doanh nghiệp. Tiếp đến phải xem xét, đánh giá khả năng, điều kiện của bản thân đối với công việc, cơ quan mà mình mong muốn được vào đó làm việc. Và sau cùng mới tính đến các yếu tố khác.

Cũng theo vị phẩm phán Tòa án Hà Nội, với sự phát triển của công nghệ thông tin, phương tiện truyền thông và nhất là sự tồn vong, phát triển của chính các cơ quan, doanh nghiệp, thì công tác tuyển dụng nhân sự hiện nay luôn được công khai, rộng rãi. Do đó, nếu ai đó có ý định “chạy” việc cần phải xem xét, cân nhắc lại và tuyệt đối không nên viển vông, ảo tưởng tin vào những lời hứa hẹn không có cơ sở xác đáng.

Đồng quan điểm với vị thẩm phán Tòa án Hà Nội, luật sư Giang Hồng Thanh - Trưởng VPLS Giang Thanh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) còn chỉ ra rằng không ít bị hại trong các vụ án lừa đảo “chạy” việc còn vô tình tiếp tay cho tội phạm vì quá thờ ơ, thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm soát với cả đống tiền bỏ ra. Và đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho loại tội phạm lừa đảo “chạy” việc làm vẫn còn “đất sống”.

Theo An ninh Thủ đô