1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bộ LĐ-TB&XH: 190.900 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp

(Dân trí) - Theo ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ LĐ-TB&XH), tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao ở nhóm thanh niên và lao động có trình độ cao trong quý 1/2016. Buổi công bố khảo sát thị trường lao động toàn quốc trong Quý 1/2016 vừa được Bộ LĐ-TB&XH thực hiện chiều 25/5 tại Hà Nội.


Người lao động tìm việc tại TT DVVL Hà Nội (Ảnh: H.M)

Người lao động tìm việc tại TT DVVL Hà Nội (Ảnh: H.M)

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, trong Quý 1/2016, cả nước có 1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 20.700 người so với Quý 4/2015 và giảm 87.500 người so với cùng kỳ năm 2015.

Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,25%, tăng lên so với Quý 4/2015 nhưng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2015.

“Phân loại theo chuyên môn kỹ thuật, Bản tin thị trường cho thấy, người có chuyên môn kỹ thuật thất nghiệp chia theo cấp trình độ bao gồm: 190.900 người có trình độ đại học trở lên, tăng hơn 35.400 người so với Quý 4/2015. Nhóm trình độ cao đẳng chuyên nghiệp thất nghiệp chiếm 118.900 người, tăng hơn 2.000 người so với Quý 4/2015” - ông Đào Quang Vinh cho biết.

Điểm sáng duy nhất trong Bản tin thị trường: Tình trạng thất nghiệp của nhóm chuyên môn trung cấp chuyên nghiệp và chứng chỉ nghề dưới 3 tháng giảm nhẹ so với số người thất nghiệp giảm nhẹ so với Quý 1/2015.

Cụ thể: Nhóm trung cấp chuyên nghiệp thất nghiệp là 60.200 người, giảm 3.600 người; nhóm chứng chỉ nghề dưới 3 tháng có tỉ lệ thất nghiệp 11.200 người, thấp hơn Quý 1/2015 là 24.000 người.

Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm cao đẳng chuyên nghiệp vẫn giữ ở mức cao nhất (8,07%), tiếp theo là cao đẳng nghề (4,87%) và đại học trở lên (3,93%). Nhóm không có chuyên môn kỹ thuật, bằng/chứng chỉ vẫn duy trì tỷ lệ thất nghiệp thấp (1,75%), giảm đáng kể so với quý 4/2015 (1,93%).

Về tỉ lệ thiếu việc làm, Bản tin thị trường lao động cũng cho thấy: Quý 1/2016 có tổng số 1,6 triệu lao động có thời gian làm việc dưới 35 giờ/tuần, 821.100 người trong độ tuổi lao động bị thiếu việc làm, tăng 62.800 người so với Quý 4/2015.

Bộ LĐ-TB&XH: 190.900 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp - 2

Khu vực nông thôn chiếm 86,8% tổng số lao động thiếu việc làm; ngành nông lâm nghiệp - thủy sản chiếm 79,7%; lao động tự làm và lao động hộ gia đình chiếm 77,0%.

So với quý 4/2015, 4 ngành có lao động tăng nhiều nhất là: Xây dựng (tăng 127.000 người); tài chính, ngân hàng (tăng 36.000 người); dịch vụ khác (tăng 34.200 người); cung cấp nước, quản lý, xử lý nước thải, rác thải (tăng 28.500 người). Ba ngành giảm lao động nhiều nhất là: Công nghiệp chế biến - chế tạo (giảm 94.200 người); nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 82.300 người) và bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và động cơ khác (giảm 74.000 người).

Tương quan với quý 1/2015, số lao động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tăng cao nhất (1.072.000 người), ngành xây dựng (602.000 người), ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và động cơ khác (226.000 người). Ngược lại, số lao động trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm khá mạnh (1.044.000 người).

So với quý 1/2015, tỉ trọng lao động nông, lâm, thủy sản giảm từ 45% xuống còn 42,3%, chủ yếu do tăng lao động trong ngành công nghiệp và xây dựng (CN-XD) (từ 21,5% lên 24,5%). Tỉ trọng lao động làm công hưởng lương tiếp tục tăng, đạt 41,4%, trong khi quý IV/2015 là 40,98%, nhóm lao động tự làm giảm nhẹ còn 39,48%.

Bản tin thị trường dự báo, quý 2/2016, lao động có việc làm ước đạt 53,49 triệu người, chỉ tăng khoảng 0,4% so với quý I/2016, trong đó nữ chiếm 48,7%, thành thị chiếm 30,5%. Lao động làm việc trong một số ngành nghề sẽ tăng so với quý I/2016 như: Công nghiệp chế biến chế tạo, tăng 254.000 người (2,9%); xây dựng tăng 135.000 người (3,7%); thông tin và truyền thông tăng 187.000 người (7,8%). Một số ngành lao động sẽ giảm như: Nông lâm và ngư nghiệp giảm 109.000 người; giáo dục đào tạo giảm 177.000 người. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động có xu hướng giảm, dự báo khoảng 1,9%.

TIN LIÊN QUAN:

Từ tháng 5: Áp dụng mức thu BHTN theo lương cơ sở 1.210.000 đồng

Bảo hiểm xã hội VN vừa ban hành Công văn 2026/BHXH-BT hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và BHXH Bộ Quốc phòng, Công an nhân dân triển khai việc thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng.

Bộ LĐ-TB&XH: 190.900 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp - 3

Việc thu BHXH, BHYT, BHTN sẽ được căn cứ mức lương cơ sở theo quy định tại Nghị định số 47/2016/NĐ-CP. Theo đó, mức lương cơ sở sẽ tăng thêm 60.000 đồng, từ 1.150.000 đồng lên 1.210.000 đồng từ ngày 1/5/2016. Căn cứ như trên, Bảo hiểm xã hội VN ban hành Công văn số 2026/BHXH-BT hướng dẫn thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo mức lương cơ sở từ ngày 1/5/2016. Cụ thể:

Người lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN thuộc đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định số 47/2016/NĐ-CP. Trường hợp người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và người hưởng chế độ phu nhân, phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 2, Khoản 4 Điều 123 Luật BHXH năm 2014. Trường hợp viên chức quản lý chuyên trách trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN theo quy định của Luật BHXH năm 2014, Luật BHYT năm 2008, Luật Việc làm năm 2013, hưởng lương theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ.

N.Q

Gần 600 việc làm miễn phí dịp hè tại Hà Nội

Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), Phiên GDVL bán thời gian dịp hè 2016 sẽ tổ chức vào giưa tháng 6 với khoảng 600 chỉ tiêu việc làm. Đối tượng hướng tới chủ yếu là sinh viên năm thứ 3,4 và lao động trẻ.

Bộ LĐ-TB&XH: 190.900 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp - 4

Phiên GDVL sẽ thu hút từ 35-40 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như dịch vụ, thương mại, kinh tế, kỹ thuật. Nhiều công việc phù hợp với sinh viên năm cuối như: Nhân viên kinh doanh, bán hàng tại siêu thị, marketing, nhân viên chăm sóc khách hàng, phát triển thị trường, thu ngân, kế toán, lễ tân, giao hàng, bảo vệ, nhân viên bàn, bar… Đây là cơ hội việc làm miễn phí để người lao động, học sinh, sinh viên tìm được việc làm phù hợp và định hướng nghề nghiệp. Cũng theo TT DVVL Hà Nội, các vị trí nhân viên kinh doanh, bán hàng, tiếp thị có mức lương khởi điểm từ 3-7 triệu đồng/người. Ngoài ra, nhân viên bán hàng và tiếp thị sẽ có thêm mức đãi ngộ theo tỉ lệ doanh thu bán hàng. Theo lãnh đạo TT DVVL Hà Nội, do tính chất thời vụ và bán thời gian nên, bạn trẻ khi dự tuyển cần lưu ý việc hỏi rõ tính chất công việc, thời gian làm việc cũng như phạm vi làm việc trước khi ký hợp đồng.

N.M

Hoàng Mạnh