1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bỏ đại học vì lo thất nghiệp

Thống kê về tỉ lệ thất nghiệp từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện đang có trên 190 nghìn lao động có trình độ từ ĐH trở lên thất nghiệp.

Nhìn từ con số “khủng” lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp này, nhiều sinh viên đang học ĐH cho rằng mình khó có khả năng sẽ xin được việc khi ra trường nên đã không ngần ngại quyết định bỏ học giữa chừng, hoặc chọn cách “liên thông ngược” để tìm cơ hội việc làm cho bản thân.

Bỏ học giữa chừng vì lo thất nghiệp

Trong những năm gần đây, số sinh viên đỗ ĐH nhưng không nhập học, bỏ học giữa chừng, hoặc “liên thông ngược” là những vấn đề nhức nhối đối với cả xã hội. Cuối năm 2015, đã có hàng loạt sinh viên của ĐH Tây Nguyên bỏ học, gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng thất nghiệp đang hiện hữu. Đến nay, tình trạng đó vẫn chưa dừng lại.

Đang là sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường, Đoàn Văn Phong đã quyết định nghỉ học để đi làm. Theo Phong, vì điều kiện gia đình khó khăn dù có học hết 4 năm ĐH thì sau khi tốt nghiệp cũng rất khó khăn để tìm được việc làm. Phong cho biết, hiện đang làm phụ giúp tại một cửa hàng sửa chữa ô tô, vừa có kinh nghiệm lại không lo về chỗ ăn ở. Nếu có điều kiện Phong sẽ học một khóa ngắn hạn đào tạo nghề sửa chữa ô tô để mở xưởng tại nhà.


Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tương tự, một sinh viên khác học Quản trị Kinh doanh tại Trường ĐH Phương Đông cũng quyết định bỏ dở giữa chừng để đi học nghề. Sinh viên này cho hay, nếu cứ tiếp tục học thêm sẽ mất rất nhiều thời gian, và đặc biệt là ra trường sẽ không tìm kiếm được việc làm phù hợp.

Sinh viên này cũng cho biết thêm rằng, bạn lựa chọn học nghề để tiết kiệm thời gian, chi phí. Bởi vì học nghề sẽ nhanh ra làm được việc hơn. “Sau một thời gian đi làm, mình cho rằng quyết định của mình là đúng đắn. Tại sao phải cố gắng mất một khoản tiền đi học ĐH, nếu sau khi ra trường không có khả năng xin việc. Và rồi cũng vẫn sẽ phải đi làm công nhân” – sinh viên này nói.

Từ thực trạng đó, trong những buổi tư vấn hướng nghiệp những năm gần đây, các chuyên gia tư vấn luôn nhấn mạnh với các thí sinh rằng hãy cân nhắc kĩ trước khi lựa chọn ngành nghề cho bản thân mình: Không phải chỉ có ĐH là con đường duy nhất.

Đặc biệt, có những chuyên gia tư vấn rằng, nếu đến năm thứ 2 mà thấy nghề mình lựa chọn không phù hợp hãy cân nhắc mọi mặt để đưa ra quyết định ngay lập tức, bởi không sẽ là muộn.

Không chọn đại học là... tín hiệu mừng

Tại buổi làm việc với đại diện lãnh đạo của các trường ĐH, học viện, cao đẳng trực thuộc Bộ GD&ĐT về vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, không chọn được việc làm phù hợp. Ví dụ như bất cập trong quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ; Chương trình đào tạo chậm đổi mới; Một số trường gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển sinh...

Những tồn tại, hạn chế này cần sớm được khắc phục để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Còn về riêng vấn đề sinh viên ở các trường ĐH đang có xu hướng dừng dở dang để chuyển sang các trường khác, hoặc thôi không học nữa để tìm kiếm một công việc trong tương lai, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, đây là tín hiệu cho sự dịch chuyển lao động.

“Nhìn vào kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, số lượng thí sinh đăng ký ĐH, CĐ ít hơn so với năm ngoái. Một số tốt nghiệp phổ thông xong đi học nghề và đi làm việc. Như vậy rất là tốt.

Hiện nay Việt Nam đang mở cửa thị trường ASEAN, vì thế sinh viên Việt Nam đào tạo ra không phải chỉ nhằm vào công việc ở trong nước, mà phải đi kiếm việc làm ở các nơi. Tất nhiên đây là năm đầu tiên Việt Nam có sự dịch chuyển lao động ở các nước trong khối nên sinh viên còn bỡ ngỡ, nhưng rồi các em cũng sẽ thích nghi với môi trường ấy.

Các em phải năng nổ, phải tự mình đi tìm việc làm. Nhưngcác em cũng cần nhớ, nền tảng cơ bản nhất vẫn là trình độ ngoại ngữ. Trong thời gian các em chưa tìm được việc làm các em phải tăng cường học để nâng cao trình độ ngoại ngữ của mình lên. Trên cơ sở đó thì các em sẽ tự tin hơn để tìm kiếm cơ hội việc làm ở các nước trong khu vực”, ông Ga nói.

Về việc cơ cấu lại hệ thống ngành nghề ở các trường để sinh viên, người lao động ra trường có thể xin được việc làm, Thứ trưởng Ga chia sẻ: Rất là khó để có thể dự báo được tình hình lao động cũng như việc làm các ngành nghề khác nhau. Bởi vì nước ta là nước đang phát triển cho nên ngành nghề, kinh tế phụ thuộc vào rất nhiều thứ như các đầu tư nướcngoài, doanh nghiệp tư nhân…

Nhưng Việt Nam cũng đã nắm bắt được cơ hội, đào tạo những ngành nghề có thể cần trong 5 – 7 năm tới, để khi có đầu tư nước ngoài, hay nước ngoài có công việc mới hình thành thì sinh viên Việt Nam có cơ hội tìm kiếm việc làm. Giáo dục ĐH hiện nay đều đào tạo những cái hết sức căn bản, phải từ những cái căn bản ấy hướng dẫn cho sinh viên có thể thích nghi với môi trường khác nhau. Và cũng không nhất thiết phải đào tạo một nghề, hoặc một ngành giống như trước đây…

Theo Thủy Anh/Báo Đại đoàn kết