Bí thư Thăng chỉ cách tăng lương: Cái khó khi thực hiện

"Cách đặt vấn đề của Bí thư Thăng hoàn toàn đúng về nguyên lý chung nhưng triển khai áp dụng sẽ gặp không ít khó khăn".

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và chính sách Quốc gia (Đại học KHXH &NV TP.HCM) chia sẻ với Đất Việt như vậy khi bình luận về nhận định cách tăng lương của Bí thư TPHCM Đinh La Thăng.

Bài toán khó giải

PV: - Mới đây, khi làm việc với Công viên phần mềm Quang Trung, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng khẳng định lương trung bình của kỹ sư có 3 năm kinh nghiệm tại một công ty công viên khoảng 8-10 triệu đồng mỗi tháng là quá thấp, chính vì thế, phải cổ phần hóa mới có các chế độ đãi ngộ tương xứng.

Sau đó, khi làm việc với Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi, Bí thư Thăng cũng đã chỉ rõ, phải trả lương cao hơn biên chế, hơn các bệnh viện khác thì không lo gì thiếu bác sĩ.

Ông bình luận như thế nào về những nhận định của Bí thư Thăng? Quan điểm về tiền lương như trên thể hiện tầm nhìn của vị lãnh đạo TP.HCM như thế nào, thưa ông?

TS Nguyễn Hữu Nguyên: - Vấn đề lương bổng như Bí thư Đinh La Thăng nói là những điều đơn giản, dễ hiểu, ai cũng biết muốn giữ chân người lao động, yếu tố đầu tiên là tiền lương.

Nhưng khi nói đến lương chúng ta phải nhìn từ 2 phía: chủ doanh nghiệp luôn muốn có lao động giá rẻ; người lao động luôn muốn được trả công giá cao. Đó là quy luật thông thường của thị trường. Bí thư Thăng cho rằng phải CPH mới trả được lương cao hơn.

Nhưng câu hỏi đặt ra là: khi CPH thì lợi nhuận có cao hơn không? Câu hỏi này chỉ có doanh nghiệp mới trả lời được. CPH có thể thu hút thêm vốn đầu tư nhưng có nâng cao được công nghệ và mở rộng được kinh doanh hay không lại là vấn đề khác.

Lương bác sĩ cũng vậy, nếu CPH để trả lương cao cho bác sỹ thì viện phí có tăng không, chắc là có và như vậy người nghèo sẽ khó khăn hơn khi phải chữa bệnh, đây là một bài toán khó giải.

Cách đặt vấn đề của Bí thư Thăng hoàn toàn đúng về nguyên lý chung nhưng triển khai áp dụng sẽ gặp không ít khó khăn vì về lý thuyết, tiền lương phụ thuộc vào doanh thu nhưng phải có luật pháp thì phía chủ doanh nghiệp mới trả lương đúng.

PV - Trước quan điểm chỉ đạo của Bí thư Thăng, nhiều chuyên gia bàn luận rằng, các đơn vị nói trên vẫn vướng ở những quy định chính sách của Nhà nước, từ chế độ tiền lương tới chế độ chi trả bảo hiểm y tế... Vậy thì phải làm thế nào để những chỉ đạo trên đi vào thực tế chứ không gặp phải tình trạng ''vướng trên, vướng dưới'', quan điểm thì đúng nhưng không thực hiện được, thưa ông?

TS Nguyễn Hữu Nguyên: - Nếu cho rằng khu vực CPH phải trả lương cao hơn cho người lao động thì khu vực nhà nước có trả được lương cao hơn không?.

Câu hỏi này đã được Bộ LĐTB&XH trả lời: quỹ lương có hạn nhưng số người lĩnh lương quá nhiều thì làm sao có lương cao?.

Đã có sự so sánh như sau: nước ta có 90 triệu dân và còn ở mức thu nhập trung bình thấp nhưng có đến gần 7 triệu người lĩnh lương. Trong khi đó, nước Nga có hơn 140 triệu dân nhưng chỉ có hơn 1,5 triệu công chức lĩnh lương còn lại hưởng lương theo sản xuất.

Như vậy muốn có lương cao trong khu vực nhà nước chỉ có cách tinh giản biên chế nhưng có tinh giản được không lại là vấn đề khó hơn.

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và chính sách Quốc gia (Đại học KHXH &NV TP.HCM)
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và chính sách Quốc gia (Đại học KHXH &NV TP.HCM)

Cho nên tầm nhìn là một chuyện còn triển khai thực hiện phải đặt trong tổng thể kinh tế, xã hội của đất nước mới thoát khỏi nhóm nước nghèo và còn lạc hậu về nhiều mặt.

Nếu khu vực CPH có lương cao mà khu vực nhà nước không cao thì sẽ tạo ra sự chênh lệch và khu vực nhà nước sẽ không giữ chân được người làm việc. Đây là bài toán phải giải bằng tổng thể bao gồm cả kinh tế - chính trị - xã hội chứ không thể chỉ riêng tiền lương.

Phải lắng nghe ý kiến phản biện

PV - Với nhận định và sự quyết tâm của người đứng đầu thành phố như vậy, ông có kỳ vọng TPHCM sẽ có những giải pháp để người lao động trong và ngoài khu vực nhà nước sống được bằng lương, hạn chế những nhũng nhiễu tiêu cực của bộ phận cán bộ công chức hay không? Sức ảnh hưởng của Bí thư Thăng sẽ đóng góp như thế nào trong những thay đổi có thể được kỳ vọng này?

TS Nguyễn Hữu Nguyên: - Với một đất nước có bộ máy cồng kềnh, năng lực điều hành, quản lý còn lạc hậu và tồn tại ba khâu yếu là: trình độ công nghệ thấp, năng suất lao động thấp nhất Asean và chất lượng giáo dục kém.

Đồng thời đang rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” thì khó có thể nhanh chóng có lương cao.

TP HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng cũng không thể tách rời cả đoàn tàu để có lương cao hơn hẳn các vùng khác.

Như vậy, giải pháp cơ bản và trước mắt là giảm nợ công do đầu tư dàn trải, tập trung vốn đầu tư cho nâng cao trình độ công nghệ để tăng năng xuất lao động và chống tham nhũng mới có thể nâng cao được mức lương cho các đối tượng lao động.

Ai cũng mong muốn và kỳ vọng vào đổi mới và nâng cao đời sống nhưng phải nhìn vào khả năng thực tế của hoàn cảnh đất nước nhất là tình trạng tham nhũng, lãng phí làm thất thoát ngân sách hàng ngàn tỷ đồng, nhiều dự án đội vốn, kém hiệu quả…thì khó mà nhanh chóng có mức lương cao.

Tác phong lãnh đạo cụ thể, quyết đoán của Bí thư Thăng như một luồng gió mới, nhân dân lao động rất ủng hộ, quan chức quan liêu giật mình nhưng một mình Bí thư đứng trước một bộ máy đã trì trệ lâu năm thì không dễ làm cho nó chuyển động nhanh theo hướng tích cực.

Trở lại vấn đề lương, Bí thư Thăng mới đề cập đến đối tương kỹ sư, bác sỹ nhưng còn đội ngũ đông đảo công nhân trong các khu công nghiệp còn trong tình trạng: lương thấp, tăng ca, nhà trọ, chợ vỉa hè…cũng đang là vấn đề kinh tế, xã hội rất nóng và cấp bách.

PV- Nếu được mời tư vấn cho thành phố, theo ông, TP.HCM nên bắt đầu từ đâu? Xin ông nêu ý kiến cụ thể.

TS Nguyễn Hữu Nguyên: - Câu hỏi này đã có câu trả lời ngay trong nghị quyết đại hội X-TP HCM đó là đã đề ra bảy chương trình “đột phá”.

Nhưng theo ý kiến riêng tôi thì TP nên bắt đầu từ việc lắng nghe phản biện đa chiều của các chuyên gia độc lập thay vì chỉ nghe báo báo của các sở, ban, ngành vì sinh thời,Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nhận xét: "Nước ta có rất nhiều thế mạnh-nhưng mạnh nhất là… mạnh ai nấy làm".

Nói cách khác là nên bắt đầu từ thay đổi tư duy và tác phong lãnh đạo như Bí thư Thăng đã khởi đầu sau đó mới lựa chọn lĩnh vực nào trong 7 chương trình chứ không thể cùng lúc “đột phá” cả 7 hướng chỉ nên coi đó là 7 chương trình ưu tiên.

Theo Báo Đất Việt