1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

BHXH VN giải thích trường hợp bệnh nhân đang điều trị nhưng thẻ BHYT hết hạn

(Dân trí) - “Đa số người có thẻ BHYT hộ gia đình, khi gần hết hạn đều chủ động mua lại thẻ BHYT mới, bởi họ đều biết rằng chỉ cần nằm viện 1 ngày ở các bệnh viện Trung ương như Bạch Mai, chi phí đã có thể bằng giá trị mua 10 chiếc thẻ BHYT…”

BHXH VN giải thích trường hợp bệnh nhân đang điều trị nhưng thẻ BHYT hết hạn - 1

Ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban Phụ trách Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH VN) - trao đổi với PV Dân trí về tình trạng bệnh nhân khám chữa bệnh theo thẻ BHYT tại một số bệnh viện khu vực phía Bắc không được quỹ BHYT tiếp tục chi trả, do thẻ BHYT hết hạn sử dụng.

Theo ông Lê Văn Phúc, người có thẻ BHYT hết hạn khi đang khám chữa bệnh không nhiều, tập trung chủ yếu vào nhóm đối tượng người lao động đã hết hợp đồng lao động hoặc cơ quan chậm đóng BHYT và rơi vào thời điểm chuyển giao giữa các năm.

Đại diện Ban thực hiện chính sách BHYT giải thích thêm: “Về góc độ pháp lý, nguyên tắc của BHYT là có đóng - có hưởng. Khoản 4, Điều 16 Luật BHYT quy định thẻ BHYT không còn giá trị sử dụng khi hết hạn. Quyền lợi của người có thẻ BHYT được đảm bảo khi họ còn tham gia BHYT. Nói một cách cụ thể, thẻ BHYT có thời hạn tới đâu thì quyền lợi của người tham gia sẽ tương ứng tới đó. Khi hết hạn thì người tham gia BHYT sẽ hết quyền lợi”.

Ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban Phụ trách Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH VN)
Ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban Phụ trách Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH VN)

Phân tích thêm về một số trường hợp đang nằm viện không được tiếp tục hưởng quyền lợi khi thẻ BHYT hết hạn, ông Lê Văn Phúc nói: “Tình trạng này chủ yếu rơi vào nhóm người lao động và hộ gia đình. Trên thực tế, còn nhiều người lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động và không tiếp tục tham gia BHYT, công ty trốn đóng BHYT cho người lao động. Nhóm đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình có thể không theo năm tài chính nên khi hết hạn quên hoặc không tham gia tiếp. Trong khi đó, nguyên tắc của BHYT là chia sẻ giữa những người đóng BHYT với nhau, nếu không tham gia thì sẽ không được hưởng quyền lợi theo quy định”.

Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về việc BHXH VN từng chấp nhận duy trì quyền lợi BHYT của người hết hạn thẻ BHYT, khi đang điều trị, ông Lê Văn Phúc nói: “Theo Điều khoản chuyển tiếp tại Nghị định 105/2014/NĐ-CP và Công văn 5276/BHXH-CSYT, việc duy trì quyền lợi BHYT chỉ áp dụng cho trường hợp thẻ BHYT hết hạn sử dụng vào cuối năm tài chính, do nguyên nhân khách quan nên chưa thể cấp kịp thẻ mới”.

Những trường hợp này như hộ gia đình nghèo hoặc cận nghèo, cần được ngành lao động thương binh xã hội lập danh sách và chuyển sang cơ quan BHXH để cấp, vì lý do chậm lập danh sách hoặc đã cấp thẻ BHYT nhưng chưa chuyển kịp đến người sử dụng nên cần có thời gian chuyển tiếp.

Vậy làm sao để đối tượng có thẻ BHYT hết hạn được đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh theo thẻ BHYT? Theo ông Lê Văn Phúc, với nhóm đối tượng hộ gia đình khi gần hết hạn thẻ BHYT, cần tiếp tục mua ngay thẻ BHYT, giá trị sử dụng thẻ sẽ nối tiếp với thẻ cũ và quyền lợi BHYT của họ được liên thông. Với người lao động đóng BHYT, họ cần đề nghị ngay với cơ quan của mình xem đã mua tiếp BHYT hay chưa? Nếu đã tham gia rồi nhưng chưa đến thời hạn được nhận thẻ BHYT thì yêu cầu cơ quan BHXH xác nhận đã gia BHYT để để đảm bảo quyền lợi BHYT”.

Ông Lê Văn Phúc nhấn mạnh: “Trừ trường hợp người tham gia BHYT theo hộ gia đình lần đầu thì thẻ BHYT mới có giá trị sau 30 ngày. Còn lại các đối tượng đã và đang tham gia BHYT thì khi tham gia BHYT sẽ được hưởng quyền lợi ngay. Đồng thời, Nguyên tắc “có đóng – có hưởng” sẽ nâng cao trách nhiệm tham gia BHYT của người dân và của chủ sử dụng lao động”.

Đối với các nhóm đối tượng phải lập danh sách chuyển cơ quan BHXH mới được cấp thẻ (như người nghèo, bảo trợ xã hội, người có công, người sống ở xã đảo, huyện đảo…) thì vẫn được đảm bảo quyền lợi đến hết đợt điều trị.

Việc cấp thẻ BHYT tại giường bệnh ưu việt nhưng còn khó thực hiện.

Theo ông Lê Văn Phúc, việc triển khai cấp thẻ BHYT với đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo cần phải qua quy trình lập danh sách từ cơ quan LĐ-TB&XH, sau đó chuyển sang cơ quan BHXH. Việc này đòi hỏi thủ tục hành chính nên cấp ngay trong ngày hoặc ngay tại giường bệnh của người bệnh là khó thực hiện được.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Chấn chỉnh việc không ghi quyền lợi cho người có trên 5 năm tham gia BHYT

Ngày 15/11, tại Hà Nội, BHXH VN đã tổ chức hội nghị trực tuyến về cấp mã sổ bảo hiểm xã hội (BHXH), cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) theo mã số định danh.

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Trí Đại - Trưởng Ban thu, BHXH VN - cho biết, thời gian qua có một số người tham gia BHYT phản ánh tình trạng thiếu thông tin về thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục, ảnh hưởng đến quyền lợi người tham gia.

Ông Nguyễn Trí Đại giải thích, nhiều trường hợp đã đủ điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ kinh phí khám chữa bệnh sau hơn 5 năm tham gia liên tục BHYT, nhưng khi ban hành thẻ BHYT vẫn không có ghi rõ trên thẻ BHYT. Trước thực tế có nhiều trường hợp tham gia bảo hiểm y tế hơn 5 năm nhưng chưa được ghi trong thẻ BHYT, Bảo hiểm xã hội VN đang yêu cầu cơ quan BHXH địa phương rà soát. Về vấn đề này, lãnh đạo BHXH Việt Nam đã yêu cầu cơ quan BHXH ở 63 tỉnh, thành phải rà soát và bổ sung gấp trong thời gian tới. Đồng thời, BHXH VN yêu cầu các BHXH tỉnh, thành phải chịu trách nhiệm về việc để tồn tại những thiếu sót này. Theo BHXH Việt Nam, qua 10 tháng đầu năm 2017, toàn quốc đã cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH cho trên 7,2 triệu người (đạt 9,6%). Một số địa phương cấp thẻ BHYT theo mã số đạt số lượng lớn là TP HCM với gần 600.00 thẻ, Hà Nội với 560.000 thẻ, Bình Dương với hơn 420.000 thẻ.

B.H